Nghiên cứu bảo quản tinh cá

Tác giả:

Hồ Kim Diệp

Ngày đăng: 26-09-2012
Đóng góp bởi: phongt94
Nghiên cứu bảo quản tinh cá
Tải về | Báo vi phạm | Báo hỏng
Link: Vui lòng đăng nhập để thấy đường dẫn tải tài liệu.
pdf 0MB | 1730 | 103 | phongt94

Nghiên cứu bảo quản tinh của một số động vật đã được tiến hành rất sớm. Đối tượng nghiên cứu đầu tiên là các vật nuôi trên cạn như cừu, bò, dê... sau đó đến các vật nuôi dưới nước là các loài cá (Glenister và ctv., 1990; Leibo và ctv., 1994). Thành công trong việc bảo quản tinh đã mở ra nhiều triển vọng, mang lại nhiều lợi ích cho ngành chăn nuôi gia súc cũng như ngành nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều nghiên cứu thành công đã được áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất, nhất là trong việc lưu giữ gen phục vụ công việc lai tạo và chọn giống.

Đối với ngành nuôi trồng thuỷ sản, bảo quản tinh cá giúp cho việc sản xuất giống nhân tạo dễ dàng đồng thời có thể lai tạo và mở rộng chương trình chọn giống (Gwo, 2000). Theo Bart (2000), trong quá trình sản xuất nhân tạo giống cá,bảo quản tinh giúp cho quy trình thụ tinh nhân tạo được chủ động, đơn giản trong vận chuyển cá bố mẹ từ nơi này đến nơi khác, lưu giữ nguồn gen và nhiều lợi ích khác. Theo Young và ctv. (1992) bảo quản tinh khắc phục được khó khăn trong sản xuất nhân tạo ở một số loài cá do sự lệch pha giữa cá đực và cá cái và bảo vệ được nguồn gen quí. Ngoài ra, bảo quản tinh còn có vai trò quan trọng trong việc hạn chế tối đa việc lưu giữ cá đực, bảo tồn dòng thuần, hạn chế suy giảm do cận huyết trong quần đàn (Rana và ctv., 1990).

Hiện nay, nhiều nghiên cứu về bảo quản tinh cá đã được triển khai một cách có hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Các nghiên cứu đã tiến hành trên 200 loài cá, tập trung chủ yếu trên các đối tượng cá Trích (Blaxter, 1953), cá Hồi (Stoss và
Holtz, 1983; Lahnsteiner và ctv., 1997; Brown và Mims, 1999), cá Chép (Moczarski, 1976, 1977; Kurokura và ctv., 1984; Saad và ctv., 1987; Kumar, 1989; Lubzens và ctv., 1993; Magyary và ctv., 1996), cá Bơn (Mounib, 1978), cá Tuyết (Bolla và ctv., 1987), cá Song (Withler và Lim, 1982; Chao và ctv., 1992).

ở Việt Nam, bảo quản tinh cũng đã được nghiên cứu song chủ yếu trên các đối tượng vật nuôi gia súc: bò, lợn, dê, thỏ... Tại trung tâm tinh đông viên Moncada người ta đã sử dụng phương pháp bảo quản tinh ở nhiệt độ -1960C vào sản xuất tinh đông viên. Đối với các động vật thuỷ sản, bảo quản tinh chủ yếu là bảo quản ngắn hạn, vài giờ tới một vài ngày. Phương pháp bảo quản tinh cá trong nitơ lỏng (-1960C) cho đến năm 2000 là vấn đề hoàn toàn mới. Do yêu cầu thực tiễn của ngành thuỷ sản, một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhân tạo do sự lệch pha giữa cá đực và cá cái. Một số loài cá Chép, Trắm cỏ, Mrigal thuộc các dòng bản địa: Cao Bằng, Bắc Cạn, Hoà Bình, Sơn La, Nghệ An là sản phẩm của quá trình tiến hoá lâu dài cần được lưu giữ, phục vụ nâng cao chất lượng giống thuỷ sản. Bên cạnh đó sự suy giảm đáng kể về sản lượng của một số loài cá quí hiếm trong vài năm gần đây cũng là vấn đề đòi hỏi ngành thuỷ sản quan tâm giải quyết. Nghiên cứu bảo quản tinh dài hạn là một trong những phương pháp tích cực để bảo tồn đa dạng sinh học, bước đầu thành lập ngân hàng gen góp phần nâng cao phẩm giống thuỷ sản. Đề tài "Nghiên cứu bảo quản tinh cá" là đề tài khoa học cấp Bộ (2000 - 2003) thực hiện với mục tiêu Xây dựng quy trình kỹ thuật bảo quản tinh một số loài cá nuôi.

Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ và cộng tác chặt chẽ của các phòng ban thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ Sản I, đặc biệt là sự cố gắng của các thành viên đề tài. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ của chuyên gia từ Học viện Công nghệ Châu á (AIT) và một số các cơ quan cá nhân khác. Xin được bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới tất cả những người đã đóng góp công sức cho đề tài đạt kết quả.

BỘ THỦY SẢN
VIỆN NGHIÊN CỨU NUÔI TRỒNG THỦY SẢN I
 

"Tài liệu điện tử trên trang tepbac được chia sẻ để sử dụng cho mục đích học tập và nghiên cứu cá nhân. Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép, in ấn phục vụ các mục đích khác nếu không được sự chấp nhận của tác giả và nhà xuất bản."

Có thể bạn quan tâm