Đường vào Mỹ của cá tra sau năm 2017

Đạo luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ sẽ đưa đến những thay đổi gì và thách thức nào đối với ngành cá tra Việt Nam sau năm 2017? TBKTSG trao đổi với các chuyên gia, doanh nghiệp: ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP); ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) và ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng.

Trương Đình Hòe
Ông Trương Đình Hòe.

TBKTSG: Đạo luật Nông trại của Mỹ (thiết lập quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến đối với các loài cá da trơn nhập khẩu theo tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn mà Mỹ đang áp dụng, trong đó có cá tra và cá ba sa của Việt Nam) đã được phía Mỹ ban hành từ tháng 2-2014. Từ đó đến nay, vì sao chúng ta không chủ động chuẩn bị để đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ mà đợi đến khi Mỹ đưa ra mốc thời gian thực thi cuối cùng là vào năm 2017 thì lại than khó khăn?

- Ông Trương Đình Hòe: Theo quan điểm của tôi, cá tra Việt Nam sản xuất để bán đi quốc tế và mình đã đạt các tiêu chuẩn liên quan mà quốc tế đã quy định rồi, chẳng hạn như vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm, quản lý vùng nuôi... Mình tuân thủ và theo các chuẩn mực quốc tế quy định, chứ đâu phải do mình tự đặt ra được, nghĩa là nước nhập khẩu yêu cầu tiêu chuẩn nào, thì mình - người sản xuất và xuất khẩu - mới đáp ứng đúng như vậy.

Bây giờ, với Luật Nông trại của Mỹ, đúng là nó đã được đề cập từ rất lâu, nhưng họ chưa đưa ra tiêu chuẩn hay những quy định cụ thể, thì sao chuẩn bị ngay từ đầu được? Dù quy định mới là gì thì họ cũng phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực của quốc tế, chứ đâu thể muốn đặt ra cái gì là đặt.

Còn vấn đề của Việt Nam, không thể nói 18 tháng (18 tháng chuyển tiếp kể từ khi quy định mới có hiệu lực là tháng 3-2016 - PV) là đủ hay thiếu, dài hay ngắn. Biết đâu ngày mai mình đạt được luôn thì sao, bởi Việt Nam đã áp dụng những chuẩn mực quốc tế từ lâu và đã xuất khẩu ra cả trăm thị trường chứ không chỉ riêng thị trường Mỹ.

Quy định trong Luật Nông trại là của Mỹ và áp dụng ở Mỹ, nhưng trong đó có một phần liên quan đến Việt Nam là bắt buộc chúng ta phải chứng minh hệ thống sản xuất và xuất khẩu phải tương đương hệ thống của Mỹ. Nếu chỉ xét về yếu tố kỹ thuật, mình có thể đáp ứng được, nhưng về mặt bảo hộ, nếu Mỹ không muốn cá tra vào, họ nói không tương đương thì mình cũng phải chịu thôi.

Mặt khác, trước đây Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chỉ kiểm tra ở nhà máy thôi, còn bây giờ chuyển sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thì áp dụng cả chuỗi sản xuất. Như vậy, đây không phải là câu chuyện của một mình doanh nghiệp chế biến nữa.

- Ông Nguyễn Văn Đạo: Trước đây, phía Mỹ chỉ mới có ý định giám sát như thông tin mới được công bố đây thôi, chứ chưa triển khai, cho nên doanh nghiệp đâu biết Mỹ đặt ra những tiêu chuẩn hay quy định gì và do lúc đó mình đang đấu tranh, thậm chí bây giờ cũng phải tiếp tục đấu tranh nên đâu thể chuẩn bị ngay từ đầu được.

TBKTSG: Luật Nông trại đặt ra quy định gì cho doanh nghiệp và liệu phía Việt Nam có đáp ứng được với quy định như vậy hay không?

- Ông Võ Hùng Dũng: Bây giờ còn quá sớm để nói về Luật Nông trại, nhưng theo công bố của USDA thì sẽ thực hiện từ tháng 3-2016 và có thời gian chuyển tiếp là 18 tháng. Hai vấn đề chính của luật này là: thứ nhất, USDA sẽ kiểm tra 100% sản phẩm, chứ không như FDA trước đây là 1%; thứ hai nữa là sẽ áp dụng kỹ thuật sản xuất tương đương mà USDA ban hành để nhà sản xuất trong nước áp dụng và nhà sản xuất ở nước ngoài bán vào Mỹ cũng phải đạt như vậy.

Theo tôi, Luật Nông trại là một vấn đề rất khó đối với ngành cá Việt Nam vì, thứ nhất, giữa nền sản xuất của Mỹ và Việt Nam có sự khác biệt; thứ hai, nếu đây là nhằm cản trở nhập khẩu cá tra vào Mỹ, thì cho dù kỹ thuật, tiêu chuẩn chúng ta tốt, hệ thống có tương đương với Mỹ đi nữa, nhưng họ đánh giá, nói không tương đương thì cũng không làm gì được.

- Ông Trương Đình Hòe: Hôm 8-12 vừa qua, chúng tôi tổ chức một hội thảo với sự trình bày của ông John Connelly, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Mỹ, về một số vấn đề liên quan đến nội dung của luật này. Đối tượng tham dự là các doanh nghiệp, cho nên cơ bản doanh nghiệp đã nắm được rồi.

Còn chuyện có đáp ứng được không, tôi nghĩ người ta làm được thì mình sẽ làm được, nhưng vấn đề là nó sẽ tốn bao nhiêu tiền thôi. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng do đây là chuyện mới nên doanh nghiệp chưa quen, có thể “lớ ngớ” một chút trong thời gian đầu nhưng rồi sẽ quen thôi.

- Ông Nguyễn Văn Đạo: Từ xưa đến nay, Mỹ đang “tròng” mình vô cái luật chống bán phá giá dưới sự giám sát của FDA để họ bảo hộ sản xuất trong nước. Nhưng, hiện nay họ “tròng” mình vào thêm một bộ luật nữa do USDA giám sát là Luật Nông trại. Luật này bắt buộc hệ thống từ sản xuất đến xuất khẩu của mình phải tương đương hệ thống của Mỹ nhưng cụ thể điều kiện nào tương đương với Mỹ thì họ chưa triển khai, mình chưa biết. Tuy nhiên, phải thừa nhận là để điều kiện về nuôi trồng, chế biến của Việt Nam tương đương với Mỹ thì rất... khó.

Còn chuyện thực hiện, nói chung về mặt nguyên tắc người ta yêu cầu thì bắt buộc mình phải làm và hy vọng lần này mình cũng sẽ vượt qua được. Từ xưa đến nay, thị trường nào cũng có rào cản nhưng mình đều vượt qua hết. Vấn đề là cần phải có thời gian.

TBKTSG: Vậy Việt Nam cần làm gì để ứng phó với luật mới này của Mỹ?

- Ông Võ Hùng Dũng: Đương nhiên chúng ta phải phản đối thôi, từ cấp Chính phủ, mà cụ thể là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao nên có thư để phản đối với phía Mỹ rằng làm như vậy là vi phạm cam kết WTO, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thậm chí trong phản đối có thể tính đến chuyện kiện Mỹ. Chúng ta cũng nên có cách thức dựng rào cản đối với Mỹ trong việc nhập khẩu nguyên liệu trong ngành chăn nuôi và ngay cả thịt bò, bởi vì trong thương mại, chuyện trả đũa là bình thường. Anh áp cái việc gì đó với chúng tôi thì chúng tôi cũng có biện pháp ngăn sản phẩm của anh, đó là cái hướng chúng ta nên nghĩ đến.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải tính đến việc nâng cấp sản xuất trong nước, việc này không phải chỉ đối phó với Luật Nông trại mà thật sự nền sản xuất chúng ta cũng có vấn đề, chúng ta kêu ca rất nhiều từ chuyện mạ băng, hàm ẩm đến chuyện vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, chúng ta phải có thảo luận sâu hơn với phía Mỹ về các tiêu chuẩn họ đặt ra trong luật Nông trại. Ví dụ, với việc họ ban hành tiêu chuẩn đó, thì Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thảo luận tiêu chuẩn đó như thế nào và lộ trình thực hiện ra làm sao để giảm bớt khó khăn cho ngành cá tra.

TBKTSG: Chúng ta cũng không loại trừ một kịch bản xấu có thể xảy ra, tức là xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm, thậm chí không vào được thị trường Mỹ sau năm 2017. Ứng phó với tình huống này như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Đạo: Chắc chắn là trong thời gian đầu, khi Mỹ áp dụng luật này, mình sẽ bị “bầm dập”, sẽ bị “khựng” lại ở thị trường Mỹ vì điều kiện giữa hai nước có một khoảng cách lớn. Nhưng về nguyên tắc, thị trường khác sẽ bổ sung.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng, từ xưa đến nay, cá tra Việt Nam đi châu Âu và Mỹ là chủ lực và mỗi thị trường chiếm khoảng 20% tỷ trọng toàn ngành. Đối với Mỹ, xưa giờ họ dựng rào cản đối với Việt Nam bằng thuế chống bán phá giá nên ta đã gặp khó rồi. Còn với châu Âu, do kinh tế trì trệ, đồng euro mất giá nên trong năm 2015, việc xuất khẩu sang thị trường này cũng giảm. Xuất khẩu cá tra đã xoay sang thị trường Trung Quốc dù chịu rất nhiều rủi ro trong thanh toán.

Với tình hình bất lợi tại hai thị trường lớn, chắc chắn Trung Quốc sẽ có “bài” mới để chèn ép ta thôi, có điều chưa biết đó là “bài” gì. Nói chung là tình hình chung sắp tới sẽ tiếp tục khó khăn.

- Ông Trương Đình Hòe: Nếu nói như vậy thì đợi 18 tháng tới (hết 18 tháng chuyển tiếp - NV) tập trung xuất sang thị trường Trung Quốc đi, chứ cần gì lo chuyện đáp ứng thị trường Mỹ nữa.

Mình còn thời gian chứ không phải ngày mai Mỹ thực hiện luật mới liền mà nói chuyện đi chuyển hướng thị trường. Chiến lược thị trường là chiến lược thường xuyên của doanh nghiệp chứ đâu phải khi “kẹt” chỗ này mới chuyển hướng thị trường ra chỗ khác. Thông thường, theo chiến lược thị trường thì doanh nghiệp thấy thị trường nào đó tốt thì họ sẽ đưa hàng qua.

TBKTSG: Vậy bài toán cho doanh nghiệp cá tra trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào sân chơi chung là phải thay đổi và sẵn sàng thay đổi để ứng phó với những biến động liên tục của thị trường?

- Ông Trương Đình Hòe: Quá trình vận động phải là quá trình liên tục cập nhật cái mới, chứ không chỉ riêng chuyện của Mỹ. Ví dụ, châu Âu cứ một thời gian lại ra quy định này, quy định kia, đương nhiên anh muốn bán cho người ta, thì anh phải hiểu biết luật chơi để đáp ứng.

Cái quyền lớn nhất của doanh nghiệp là quyền “nói không”, nhưng đó là khi anh không muốn bán nữa, chứ nếu còn nhắm tới một thị trường nào đấy thì phải đáp ứng những quy tắc của thị trường đó. Tự thân doanh nghiệp phải tìm hiểu để đáp ứng đòi hỏi của thị trường chứ đâu ai có thể cầm tay chỉ việc phải làm thế này thế kia được.

Ở góc độ hiệp hội, mình chỉ tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, trên cơ sở đó xem họ cần cái gì thì kiến nghị chính sách. Cho nên, cũng đừng nói rằng doanh nghiệp phải thay đổi thích ứng gì cả, mà khi anh ra kinh doanh thì anh phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng, của thị trường, nếu không sẽ không tồn tại được.

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ:

Chấp nhận cuộc chơi, đẩy mạnh tái cấu trúc ngành

Đạo luật Nông trại đã được ban hành từ tháng 2-2014. Đến nay, các doanh nghiệp, hiệp hội cùng các cơ quan chức năng liên quan của chúng ta đã chủ động ứng phó thế nào mà để đến nay lại nói lo mất thị trường Mỹ vốn chiếm khoảng 20% thị phần xuất khẩu cá tra?

Theo sau Mỹ, cũng có thể EU, các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đặt ra các rào cản kỹ thuật tương tự. 92 triệu dân Việt cũng đang đòi hỏi chất lượng nông sản sạch, có thể truy xuất nguồn gốc. Cá tra, nếu muốn mở rộng thị trường “sân nhà”, phải đa dạng hóa sản phẩm và lâu dài, phải đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tốt hơn.

Cần nhìn nhận các rào cản kỹ thuật mà các quốc gia dựng lên, nếu họ làm trong khuôn khổ các thỏa thuận và nguyên tắc thương mại, thì cũng là “yêu cầu của luật chơi”. Qua đó, doanh nghiệp Việt phải chủ động ứng xử thích hợp, vừa hợp tác, vừa đấu tranh dựa trên các công cụ pháp lý và kinh tế. Về lâu dài, cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của “chuỗi giá trị cá tra”.

Con cá tra Việt Nam đã tạo nên kỳ tích, nhưng vẫn đang “bị chặt làm nhiều khúc”. Các doanh nghiệp Việt phải liên kết lại để đủ sức cạnh tranh với bên ngoài, phải thương hiệu hóa từ ao nuôi đến bàn ăn và luật hóa “luật chơi” trong “sân chơi cá tra” toàn cầu.

Thay vì lo ngại, la toáng lên, thì các bên liên quan trong chuỗi cá tra cần chủ động và vào cuộc mạnh mẽ hơn. Từ nay cho đến tháng 3 năm sau, Bộ Nông nghiệp vá Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng của ta cần có các cuộc gặp gỡ với Bộ Nông nghiệp và Bộ Thương mại của Mỹ để thỏa thuận về các điều kiện cụ thể áp dụng đối với người nuôi và doanh nghiệp Việt xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Những thông tin này phải đến được doanh nghiệp và cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ để chuyển đổi, “sàng lọc” năng lực thực sự của doanh nghiệp. Hiệp hội cá tra với vai trò tập hợp, “bà đỡ” cho doanh nghiệp cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Chủ thể quan trọng nhất trong chuỗi đó là doanh nghiệp. Khác với chuỗi lúa gạo trong đó nông hộ nhỏ lẻ là chủ yếu, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đã đầu tư vùng nuôi với quy mô lớn hơn, quản lý và giám sát theo chuỗi cũng như áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng tốt như chứng nhận HACCP, ASC, BAP, BRC và ISO 22000. Các doanh nghiệp cũng đã kiểm soát được khoảng 70% diện tích vùng nuôi. 30% còn lại là các hộ nuôi gia công, có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và thị trường khác. Vì vậy, vấn đề là các doanh nghiệp phải liên kết lại, phân chia thị phần trên cơ sở các phân khúc thị trường theo những tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp. Không thể bỏ tất cả cá tra “vào một giỏ hàng” và chỉ theo tiêu chuẩn Mỹ. Yêu cầu lâu dài là tính liên kết bền vững của chuỗi giá trị cá tra với tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao. Hãy biến thách thức thành cơ hội để đẩy nhanh hơn tái cấu trúc ngành cá tra Việt Nam.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 18/12/2015
Đăng ngày 19/12/2015
Trung Chánh
Thế giới

Xuất khẩu cá tra xuống mức thấp nhất năm

Dù vẫn tăng 31% so với cùng kỳ, nhưng kết quả 179 triệu USD kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra trong tháng 10 là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 tới nay. Mức tăng trưởng XK so cùng kỳ năm trước cũng thấp nhất trong các tháng. Luỹ kế tới hết tháng 10 XK cá tra Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cá tra
• 12:03 21/11/2022

Tháng 8/2022, xuất khẩu cá tra hồi phục trở lại

Xuất khẩu cá tra 8 tháng đầu năm nay đã chạm mốc 1,8 tỷ USD – một con số lạc quan cho các doanh nghiệp ngành hàng này. Xuất khẩu cá tra trong 3 tháng gần đây đã tụt dần khỏi mức đỉnh 310 triệu USD hồi tháng 4, nhưng đã có xu hướng hồi phục trở lại từ tháng 8.

Cá tra
• 10:29 26/09/2022

Nâng cao thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam trên toàn thế giới

Tổng sản lượng xuất khẩu cá tra trong tháng 8-2022 vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng nhẹ so với tháng 7-2022, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 8 tháng đầu năm nay đạt gần 1,8 tỉ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cá tra
• 10:54 14/09/2022

Lưu giữ cá tra bố mẹ phục vụ cộng đồng

Ngành hàng cá tra Việt Nam hơn 20 năm qua đã chứng kiến biết bao thăng trầm. Nhiều người giàu lên nhờ con cá, nhưng cũng không ít người phá sản vì chúng. Sự khốc liệt của ngành hàng này là vậy.

Cá tra
• 15:21 13/09/2022

Cá đuối nước ngọt khổng lồ trên sông Mekong

Nhóm ngư dân và chuyên gia quốc tế đã tháo câu cho một con cá lớn và quý hiếm nhất Đông Nam Á. Sốc khi biết đây là loài cá đuối nước ngọt với kích thước khổng lồ, dài 4m trọng lượng 180kg.

Cá đuối
• 10:27 04/03/2024

Sứa ma khổng lồ - Loài sứa “kiêu kỳ” nhất ở đại dương

Đại dương rộng lớn là không gian bao la mà nhân loại chưa bao giờ ngừng tò mò và khám phá. Nhờ có quá trình này mà chúng ta ngày càng được chiêm ngưỡng phần nào chân dung của nhiều sinh vật biển.

Sứa ma
• 10:25 25/02/2024

Loài cá voi trắng siêu dễ thương và cực kỳ thông minh

Nếu chỉ biết đến cá voi trắng (hay còn gọi là cá voi Beluga) qua ngoại hình đáng yêu thì chắc hẳn bạn sẽ phải bất ngờ trước những điều thú vị ít ai biết của loài cá này.

Cá voi trắng
• 10:05 30/11/2023

Thủy sản Việt Nam tiếp tục nhận tín hiệu tốt từ Mỹ

Thủy sản Việt Nam trong đó có sản phẩm tôm tiếp tục nhận được tin khả quan khi xuất khẩu sang thị trường trường Mỹ.

Chế biến tôm
• 11:10 24/10/2023

Cẩn thận với mùa sứa biển Vũng Tàu 

Mùa hè là thời điểm lý tưởng để du lịch biển, nhưng cũng là lúc bạn cần cẩn thận với sự xuất hiện của sứa biển, đặc biệt là tại Vũng Tàu. Sứa biển có thể gây ra những vết ngứa rát khó chịu, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe nếu bị đốt nghiêm trọng.

Sứa biển
• 19:12 25/04/2024

Công cụ săn mồi độc đáo của cá nheo châu Âu

Cá nheo châu Âu là loài cá sở hữu kích thước “khủng” có nguồn gốc từ Đông Âu, nhưng nay đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Không chỉ gây chú ý về kích thước, loài cá này còn được biết đến nhờ tuyệt chiêu săn mồi có một không hai của mình.

Cá nheo
• 19:12 25/04/2024

Nói không với kháng sinh trong nuôi tôm?

Khi tiếp cận với việc sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm, việc áp dụng chúng một cách chính xác và hiệu quả là vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe của tôm và người tiêu dùng, cũng như duy trì sự bền vững của ngành nuôi tôm.

Tôm sú
• 19:12 25/04/2024

Thực phẩm chỉnh sửa gen của Nhật Bản đến tay người tiêu dùng

Nhật Bản là một trong những nước tiêu thụ thực phẩm thủy sản lớn nhất thế giới. Người Nhật thích ăn cá và một nghiên cứu do Trường Cao đẳng Tim mạch Hoa Kỳ thực hiện cho thấy trung bình người Nhật ăn khoảng 3 ounce cá mỗi ngày. Ẩm thực địa phương của Nhật Bản rất giàu cá và hải sản, nguồn protein chính trong chế độ ăn ít chất béo và giàu dinh dưỡng của người dân Nhật Bản.

Hải sản
• 19:12 25/04/2024

Nhiệt độ ao nuôi tăng cao do thời tiết nắng nóng

Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài gây nhiều ảnh hưởng đến các khu vực nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt với thời tiết ngày và đêm chênh nhiệt độ rõ rệt, việc nhiệt độ của nước ao nuôi liên tục tăng là điều đáng chú ý cho các hộ nuôi.

Nắng nóng
• 19:12 25/04/2024