Cá sấu

: Crocodile
: Crocodylus spp. Laurenti, 1768
:
Phân loại
Crocodylus spp.Laurenti, 1768
Ảnh Cá sấu
Đặc điểm

Cá sấu là động vật cao cấp nhất trong tất cả các loài lưỡng cư , sinh trứng . Cá sấu có tim 4 ngăn, cơ hoành và vỏ não. Đặc điểm này làm nó được đánh giá là tiến hóa hơn những loài lưỡng cư khác.

Đa số các loài cá sấu trưởng thành có chiều dài 2-5m. Đầu dẹt và bằng, mõm dài. Mắt nằm ở vị trí rất cao. Lỗ mũi và lỗ tai đều có van chắn nước. Chân to, ngắn, chân trước có 5 ngón, chân sau có 4 ngón. Đuôi cá sấu rất khoẻ, dẹt bên và có hình bơi chèo.

Não cá sấu có kích thước nhỏ như các loại bò sát khác nhưng phát triển đầy đủ hơn. Cá sấu nhận biết mùi rất thính. Ở đáy họng cá sấu có hai tuyến xạ và hai tuyến khác nữa trong lỗ huyệt. Nhờ các tuyến này mà cá sấu có thể giao tiếp, nhận biết nhau qua mùi.

Tai cá sấu khá thính. Lỗ tai ở ngay sau mắt, và đều có nắp che. Cá sấu bố mẹ thường đáp lại tiếng gọi của đàn con. Khi bị người vây bắt hoặc vào thời kỳ sinh sản cá sấu đực và cá sấu cái gầm gừ hoặc kêu oe oe để dễ dàng nhận ra nhau.

Mắt cá sấu có thể nhìn rõ cả ban ngày lẫn ban đêm. Vị trí của hai mắt cá sấu giúp cho nó có góc nhìn lớn cả về chiều ngang và chiều thẳng đứng. Cũng giống như chim, cá sấu có một “mí mắt thứ 3” trong suốt. Gặp ánh sáng mạnh, đồng tử mắt lập tức co lại theo khe thẳng đứng.

Ngoài ra cá sấu còn có những nhú vị giác ở trên lưỡi và nhú xúc giác trên hàm. Khác với những bò sát khác, cá sấu có những cơ quan nhạy cảm với áp lực ở dưới răng.

Cá sấu hô hấp bằng phổi. Phổi lớn, có cấu tạo khá hoàn thiện.

Ở cá sấu, lỗ mũi nằm ở đỉnh hàm trên của mõm dài nên cá sấu chỉ cần nhô đỉnh mũi khỏi mặt nước là đã có thể thở bình thường, cho dù miệng cá sấu mở hay đóng. Lỗ mũi thông với hốc mũi nằm sâu trong họng. Cuối hốc mũi có một van nhỏ có thể nâng lên hạ xuống, nhờ thế cá sấu có thể nuốt thức ăn không chạy sang khí quản.

Vì vậy trong quá trình nuôi có hiện tượng cá sấu bị chết ngạt khi dùng lưới chụp bắt làm cá sấu bị dìm quá lâu trong nước. Cũng không ít trường hợp sau 1 đêm mưa rào, cá sấu bị chết đuối trong bể có trùm kín lưới sắt, vì trời mưa ngập tràn bể làm cá sấu không thoát ra ngoài được.

Một số loài cá sấu có thể dài từ 5 đến 6 mét và nặng khoảng 1.200 kg. Tuy nhiên, lúc mới sinh ra cá sấu chỉ khoảng 20 cm. Loài cá sấu lớn nhất là cá sấu nước mặn sống ở Bắc Úc và Đông Nam Á. Theo một số nhà khoa học, không một con cá sấu nào có thể vượt qua kích thước 8,64 m.

Phân bố

Cá sấu là các loài bò sát lớn ưa thích môi trường nước, chúng sống trên một diện tích rộng của khu vực nhiệt đới của châu Phi, châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Đại Dương. Cá sấu có xu hướng sinh sống ở những vùng sông và hồ có nước chảy chậm, thức ăn của chúng khá đa dạng, chủ yếu là động vật có vú sống hay đã chết cũng như cá. Một số loài, chủ yếu là cá sấu nước lợ ở Úc và các đảo trên Thái Bình Dương, được biết là có khả năng bơi ra xa ngoài biển.

Tập tính

Cá sấu thích nghi được với nhiều điều kiện môi trường, chúng thích đầm mình dưới nước và phơi nắng ở trên cạn. Ở trên cạn cá sấu thường bò chậm, thậm chí nằm im phơi nắng cứng đờ như một cây gỗ. Cá sấu trở nên hung dữ hơn khi tìm mồi dưới nước. Vào ban đêm cá sấu hoạt động mạnh hơn.

Nhiệt độ cơ thể

Cá sấu không thể sản sinh ra quá nhiều nhiệt lượng vì nhiệt độ cơ thể chúng phụ thuộc vào nhiệt độ bên ngoài. Chúng thường sưởi ấm bằng cách phơi nắng, khi đó, tim đập nhanh để tuần hoàn máu, tăng hấp thụ nhiệt để toả ra khắp cơ thể. Khi cần mát, chúng thường ẩn vào bóng râm hoặc dìm mình vào nước. Cá sấu thường chọn kiểu nằm thích hợp, tuỳ theo hướng gió và hướng mặt trời. Khi nhiệt độ cơ thể giảm, bỏ ăn, ít hoạt động. Nếu nhiệt độ nước xuống 150C, cá sấu sẽ ngừng ăn và dưới 7,20C, chúng sẽ không giữ được thăng bằng trong nước nữa, vì vậy phải chú ý nhiệt độ nơi ở của cá sấu.

Dinh dưỡng và sinh trưởng

Cá sấu là loài ăn thịt, thức ăn chủ yếu là ếch, nhái, chim, cá hay thú nhỏ. Có khi cá sấu tấn công cả các loài thú lớn, kể cả thú có sừng rồi dùng hàm và chân trước xé xác con mồi. Khi đưa cá sấu vào nuôi nhốt người ta thường cho chúng ăn các loại thịt ế thừa, giá rẻ, các gia súc gia cầm; chúng có thể “dọn” sạch tất cả các loại xác súc vật chết khi cần.

Răng cá sấu hình côn, hơi cong vào phía trong và cắm sâu vào trong hàm. Răng mới được tạo ra liên tục ở chân răng cũ để thay thế, vì vậy không thể dựa vào răng để định tuổi cho cá sấu như cách vẫn làm ở một số động vật khác.

Hàm cá sấu tuy khoẻ nhưng không thể nhai hoặc nghiền thức ăn thành mảnh nhỏ. Hàm chỉ có tác dụng bắt giữ thức ăn; cá sấu thường nuốt chửng mồi. Gặp những mồi lớn không nuốt được, chúng để cá sấu khác cùng chia sẻ.

Cá sấu tiêu hoá thức ăn khá nhanh, khoảng 70 giờ. Dạ dày có vách khoẻ và dầy. Trong dạ dày của cá sấu sống hoang dã có thể bắt gắp cả đá, những cục đá này giúp cho việc nghiền nát thức ăn được tốt hơn. Cá sấu có thể ngừng ăn khi bị hoảng sợ. Chúng có thể nhịn ăn trong nhiều tháng mà vẫn sống, nhưng yếu đi rõ rệt. Vì vậy, khi nuôi nên chú ý cho cá sấu ăn đều đặn, ăn no giúp chúng lớn nhanh, sớm đạt quy cỡ thương phẩm. Cá sấu tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 1-3 năm tuổi (trung bình mỗi năm tăng 35-45cm). Từ năm thứ tư trở đi cá sấu phát triển chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 8-15 cm.

Nhiệt độ thích hợp cho cá sấu sinh trưởng là 30-320C. Khi nhiệt độ không thuận lợi, cá sấu có thể ngừng ăn, sinh trưởng giảm.

Hoạt động săn mồi

Cá sấu ăn thịt và là tay đi săn cừ khôi. Thân thể chúng thuôn dài giúp bơi nhanh hơn. Khi bơi chúng ép sát chân vào người để giảm sức cản của nước. Chân cá sấu có màng, không phải dùng quạt nước mà để sử dụng cho những cử động nhanh đột ngột hoặc lúc bắt đầu bơi. Chân có màng giúp cá sấu có lợi thế ở những chỗ nước nông, nơi mà các con vật trên cạn thường qua lại.

Sinh sản

Cá sấu đực là những kẻ khá ầm ỹ. Vào mùa sinh sản, chúng phát ra những âm thanh có thể so sánh với động cơ của những chiếc máy bay cỡ nhỏ, âm thanh này có thể lan truyền nhiều km trong làn nước. Chúng thu hút những con cái và tất nhiên, những con đực khác đang đố kị. Rất nhanh chóng, hàng chục con đực khác kéo đến và thi nhau cất lên những lời ca trầm hùng, đôi khi còn làm rung động mặt nước phía trên tấm lưng chúng, khiến nước bắn lên cao một cách đáng kinh nhạc.

Tất nhiên, chú sấu nào khỏe hơn sẽ có tiếng ca lớn hơn. Ở môi mỗi con cá sấu đều có một bộ phận cảm nhận những rung động của mặt nước, đối với con cái là để tìm được người chồng ư ý, còn đối với những chàng ca sĩ khác là để đánh giá đối thủ. Nếu cảm thấy kẻ to mồm kia mạnh hơn mình, những con cá sấu sẽ tự rời bỏ cuộc tranh đua, còn nếu không thì trận chiến thực sự giữa những hàm răng sắc nhọn sẽ nổ ra.

Theo kinh nghiệm, có thể nhận biết cá sấu cái ở đặc điểm đầu nhỏ, mõm ngắn, vẩy thưa hơn và chậm lớn hơn; trong khi đó đầu và mình cá sấu đực dài và có vẩy mọc dầy hơn. Tuy nhiên, khó phân biệt cá sấu đực cái theo hình dạng bên ngoài.

Cá sấu là loài đẻ trứng, sống lâu năm, thành thục muộn, vòng đời khoảng 40 năm và có khả năng sinh sản đến cuối đời. Một cá sấu đực thường ghép đôi với một vài cá sấu cái. Cá sấu cái ở châu Phi sống hoang dã phải 10-15 năm mới đẻ những quả trứng đầu tiên, cá sấu Mỹ hoang dã đẻ trứng lần đầu ở tuổi 9 năm 10 tháng. Nói chung, các loài cá sấu cỡ nhỏ thường thành thục sớm hơn những loài cỡ lớn.

Ở điều kiện nuôi tốt, cá sấu thành thục sớm hơn nhiều so với cá sấu hoang dã, khoảng 4-5 tuổi cá sấu có thể sinh sản. Ở nước ta, cá sấu thường đẻ vào đầu mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 10; mùa giao phối xảy ra sớm hơn, từ tháng 10 đến tháng 3.
Mỗi năm cá sấu đẻ một lứa vào mùa sinh sản. Trong mùa sinh sản cá sấu thường phát ra tiếng kêu đặc thù. Lứa đẻ đầu tiên khoảng 20 trứng, từ lứa thứ 2 trở đi sẽ đẻ đều đặn 30-40 trứng. Trứng cá sấu có vỏ vôi rắn chắc. Đẻ trứng vào tổ xong, cá sấu đào một hố cách tổ khoảng 1 mét, nằm trong đó canh trứng, thỉnh thoảng quẫy đuôi cho nước bắn lên tổ giữ cho tổ luôn luôn ẩm.

Tuỳ theo loài cá sấu và nhiệt độ mà trứng sẽ nở sau 65-75 ngày. Nhiệt độ 31-32 độ C trong tổ ấp là tốt nhất với tất cả các loài cá sấu. Trong quá trình ấp trong tổ, cá sấu mẹ thường kiểm tra tổ một cách cẩn thận và sẽ bới đất phủ lên trứng khi trứng sắp nở hoặc khi nghe thấy tiếng kêu của cá sấu con mới nở. Với tỷ lệ ấp nở là 75-85%, một con cá sấu cái mỗi năm trung bình cho 25-35 con. Trong suốt một đời, một con cá sấu cái có thể đẻ khoảng 1.500-1.700 trứng.

Cá sấu con nở ra thỉnh thoảng được cá sấu mẹ dẫn ra mé nước. Chúng sống với mẹ trong vài tuần, khi đã cứng cáp chúng tách khỏi mẹ.

Hiện trạng

Các loài cá sấu thuộc giống Crocodylus:
        Cá sấu mõm nhọn Mỹ, Crocodylus acutus
        Cá sấu mũi hẹp hay cá sấu thác, Crocodylus cataphractus
        Cá sấu Orinoco, Crocodylus intermedius
        Cá sấu mũi dài, Crocodylus johnstoni
        Cá sấu Philippin, Crocodylus mindorensis
        Cá sấu Caribê, Crocodylus moreletii
        Cá sấu sông Nin, Crocodylus niloticus
        Cá sấu New Guinea, Crocodylus novaeguineae
        Cá sấu Cửu Long, cá sấu đầm lầy, cá sấu Iran hoặc cá sấu Ba Tư, Crocodylus palustris
        Cá sấu nước lợ, cá sấu nước mặn, cá sấu bông, cá sấu lửa, cá sấu hoa cà hay cá sấu cửa sông Crocodylus porosus
        Cá sấu Cuba, Crocodylus rhombifer
        Cá sấu Xiêm, cá sấu Thái Lan, hay cá sấu nước ngọt, Crocodylus siamensis

Ngoài ra còn có 2 loài:
    Giống Osteolaemus:
        Cá sấu lùn, Osteolaemus tetraspis
    Giống Tomistoma:
        Cá sấu Ấn Độ giả hay cá sấu mõm dài Mã Lai Tomistoma schlegelii sống ở Sumatra và Malaysia.

Ở Việt Nam hiện đang nuôi 3 loài cá sấu:

Cá sấu nước lợ (còn gọi là cá sấu hoa cà, cá sấu hoa, cá sấu đa sừng, cá sấu lửa, cá sấu Đồng Nai) có tên khoa học là Crocodylus porosus. Thân có màu vàng ánh, sắc màu xanh là cây, có vẩy đen xen lẫn; đầu dài và thuôn. Con trưởng thành dài 6-8m. Loài này sống thích hợp ở vùng nước lợ cửa sông Mêkông và sông Đồng Nai (nam Bộ) như Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh), Minh Hải, Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc… Cá sấu nước lợ có kích thước da lớn, đầu có 2 gờ, có khi tấn công cả con người, thường nuôi 2-3 năm là bán được. Bản chất giống này hung dữ, khó thuần hoá.

Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis), còn gọi là cá sấu Xiêm hoặc cá sấu Xiêm – Việt Nam. Thân có màu xám ánh sắc xanh, không có vẩy đen. Con trưởng thành dài 3-4m, đầu ngắn và rộng. Chúng sống ở các đầm hồ lớn vùng U Minh, Cà Mau, Minh Hải, vùng núi nam Trung Bộ như sông Ba (Gia Lai), sông Thày (Kon Tum), sông Easup (Đắc Lắc) sông Đồng Nai, sông La Ngà (Lâm Đồng)… Loài này dễ thuần hoá và nuôi dưỡng, thích hợp với vùng nước ngọt.

Cá sấu Cu ba (Crocodylus rhombifer): thân có màu vàng sẫm pha nâu, có xen lẫn các chấm đen. Đầu dài và hơi thuôn. Con trưởng thành dài 2,5-3m, thích hợp với các vùng nước ngọt. Năm 1985 nhập vào Việt Nam 100 con; năm 1997 nhập 150 con. Cá sấu Cuba hiện đang được nuôi ở vườn thú Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Minh Hải v.v… và mới đây ở Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương (Viện chăn nuôi). Nhiều cơ sở nuôi cá sấu đã cho chúng sinh sản được và đã lai thành công cá sấu Xiêm với cá sấu Cuba. Cá sấu lai dễ nuôi, thích hợp với nhiều vùng nước.

Tài liệu tham khảo
  1. http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1_s%E1%BA%A5u
  2. TTKNQG
  3. http://en.wikipedia.org/wiki/Crocodile
Cập nhật ngày 09/06/2013
bởi
Xem thêm