Cá mát

:
: Onychostoma laticeps Günther, 1896
: Cá sỉnh gai
Phân loại
Onychostoma laticepsGünther, 1896
Ảnh Cá mát
Đặc điểm

Cá có thân dài, hơi thon, dẹp bên, viền lưng hình thoi, viền bụng hình cung, bụng tròn. Cán đuôi thót, đầu ngắn,  tầy  hơi vểnh lên. Trước mũi có rãnh nông làm cho mõm thấp và nhô cao. Da mõm chỉ trùm vào thân môi trên, còn ở phía trên của môi hở hoàn toàn. Cá không có râu. Miệng dưới rộng ngang, chiều rộng nhỏ hơn chiều rộng đầu ở đó. Hàm dưới phủ chất sừng sắc cạnh và màu nâu. Mắt tròn to, nằm phía trên đường trục và hơi thiên về phía trước của đầu. Vây đuôi phân thùy sâu, hai thùy tương đương nhau và mút nhọn. Lưng xám, bụng màu trắng nhạạt hoặc da cam, các vây màu xám.

Phân bố

Sống ở Việt Nam và Trung Quốc.

Ở  Việt Nam, cá sống nhiều ở các sông suối thuộc trung và thượng lưu các sông lớn tại các tỉnh phía Bắc như sông Hồng, sông Kỳ  Cùng, sông Cầu, sông Thương.

Tập tính

Tập tính ăn

Cá có tập tính ăn tạp nhưng thiên về thực vật nhỏ, thiên về mùn bã hữu cơ, những loài cá này thường không có răng, ruột dài và vách ruột mỏng. Thành phần thức ăn trong ruột cá đa dạng, gồm hơn 28 loài đại diện cho 5 ngành đông vật, thực vật khác nhau, trong đó ngành tảo chiếm ưu thế (65%) so với số lượng các ngành khác.

Cấu tạo cơ quan tiêu hóa

Kết quả quan sát cơ quan tiêu hóa của cá Mát cho thấy cá có miệng rộng, rạch nằm ngang và dài; môi dày, nhiều sụn cứng, không có răng, mang có bốn đôi cung mang, mỗi cung có hai hàng lược mang; màng mang hẹp và liền với eo mang. Thực quản cá nhỏ và dài, không có nếp gấp co giãn được. Cá không có dạ dày, sau thực quản là đường ruột nhỏ, thẳng, vách ruột mỏng, mặt trong có nhiều nếp gấp.

Sinh sản

Cá Mát đực có thân hình thon dài, bụng tóp, khi cá thành thục sẽ xuất hiện các kết hạch lớn ở môi trên và ở vây hậu môn của cá, phát hiện được bằng mắt thường.

Cá Mát cái vào mùa sinh sản thường có chiều cao thân lớn hơn con đực, bụng to, thành bụng mỏng và mềm, có các gai nhọn ở môi trên vào giai đoạn thành thục nhưng các gai này rất nhỏ, khó quan sát.

Độ béo Fulton và Clark của cá Mát biến động khá lớn qua các tháng. Độ béo Fulton (Q) biến động từ 0,56% đến 1,03%, độ béo Clark (Qo) biến động từ 0,34 đến 7,84%. Độ béo thấp nhất vào tháng 3 và 4, trùng vào thời gian cá có tuyến sinh dục giai đoạn III và IV nhiều nhất.

Cá thành thục vào năm thứ 2 (1+ tuổi) khi kích thước đạt từ 180 mm trở lên, tương đương khối lượng 30,5-42,5 gam/con. Sức sinh sản tuyệt đối của cá giao động 2.812-3.414 trứng, trung bình đạt 3.131 trứng. Sức sinh sản tương đối dao động từ 231-268 trứng/gam cá cái, trung bình đạt 233 trứng/gam.

Hệ số thành thục của cá tăng cao từ tháng 2 đến tháng 6 (cá đực: 1,81-2,12%; cá cái: 4,62- 9,80%), đạt giá trị cao nhất trong tháng 3 (cá đực 2,64%; cá cái 9,80%). Hệ số thành thục của cá giảm dần từ tháng 6 (cá đực từ 2,14%; cá cái từ 4,62%) đến tháng 9 (cá đực 0,8%; cá cái 1,4%).

Hiện trạng

Cá Mát là loài cá đặc sản, quý hiếm, có giá trị kinh tế  cao (120.000-150.000 đồng/kg với cỡ cá 200 g/con), chất lượng thịt thơm ngon và luôn là nguồn thức ăn bổ dưỡng được nhiều người ưa thích. Do đó, cá Mát bị đánh bắt thường xuyên và quá mức, những biện pháp khai thác triệt để đã làm cho nguồn lợi cá Mát ngoài tự nhiên bị suy giảm nhanh chóng.

Đi cùng với đó là vùng sinh thái phù hợp cho phân bố tự nhiên của loài cá này ngày càng bị thu hẹp đã làm cho nguồn cá quý này có nguy cơ tuyệt chủng,  ảnh hưởng đến sinh kế  của người dân khai thác thủy sản. Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu các đặc điểm sinh học của cá Mát làm cơ sở  cho những hoạch định chiến lược quản lý và bảo tồn nguồn lợi của loài cá này mang tính cấp thiết. 

Tài liệu tham khảo

Tạp chí khoa học nông nghiệp Việt Nam

Cập nhật ngày 21/04/2020
bởi NH tổng hợp
Xem thêm