Phòng trị bệnh cho lươn

IVan- Trung tâm Giống Thủy sản An Giang
Cập nhật 18/08/2018

Lươn là một trong những loài thủy sản có sức chịu đựng cao, nhưng khi thu gom giống và vận chuyển không đúng theo đúng yêu cầu kỹ thuật nên lươn dễ bị sốc và  bệnh. Nên sử dụng lươn giống sinh sản nhân tạo nhằm hạn chế hao hụt trong thời điểm thả giống. Nguyên nhân gây bệnh: Do khi vận chuyển, lươn bị nhốt với mật độ cao nên dễ bị xây xát. Môi trường thay đổi đột ngột kết hợp chế độ chăm sóc chưa hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng, nấm bệnh phát triển.

Cách phòng bệnh

Khi lươn giống bị bệnh việc nuôi thương phẩm mang lại hiệu quả không cao nên phải thực hiện phương châm: Phòng bệnh là chính. Trước khi thả lươn, làm vệ sinh cải tạo bể nuôi, thuần dưỡng lươn theo đúng yêu cầu kỹ thuật và sau đó tiến hành thả nuôi.

Phòng trị một số bệnh thường gặp

1. Bệnh sốc do môi trường

Do vận chuyển hoặc thuần dưỡng với mật độ cao, dịch nhầy lươn tiết ra, nhiệt độ nước tăng, hàm lượng oxy giảm. Triệu chứng: Lươn bị xáo động trong bể, quấn quít vào nhau, dịch nhày tiết vào trong nước, độ nhớt của nước tăng lên, đầu lươn sưng phồng to, lươn chết hàng loạt.

Phòng trị: Giảm mật độ nuôi bằng việc san thưa, thay nước; sử dụng dây ni lon treo làm giá thể đề phòng lươn cuốn vào nhau, giữ mức nước tối đa 0,2m. Khi phát hiện bệnh có thể dùng các sản phẩm chống sốc cho lươn như Bio Antishock hoặc Vitalec…. Các liều lượng sử dụng nên được sự hướng dẫn cụ thể của cán bộ chuyên môn và theo lời khuyến cáo của nhà sản xuất.

2. Bệnh nấm thủy mi

Triệu chứng: Do nấm ký sinh trên mình hay trứng lươn gây ra, thường xảy ra vào mùa xuân - thu, sợi hình bông bám vào lươn để gây nên vết loét.

Phương pháp phòng trị: Trước khi thả lươn, vệ sinh bể nuôi, sử dụng 100 - 150g vôi /m2 hoà tan để sát trùng bể nếu là bể nuôi lươn thương phẩm. Nếu là lươn giống, có thể tắm lươn vào nước muối 2 - 3%  trong  2-3 phút, ngâm trứng lươn vào dung dịch xanh Metylen 0,02g/m3 nước trong 10 - 15 phút, liên tục 2 - 3 ngày, mỗi ngày 1 lượt.

3. Bệnh lở loét

Nguyên nhân thường do ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn tấn công gây nên vết thương. Triệu chứng: Trên mình lươn xuất hiện nhiều vết tròn hay hình bầu dục. Da lươn bị lở loét còn gọi là bệnh đóng dấu. Trường hợp bệnh nặng đuôi lươn bị rụng đi, bơi lội khó khăn, đầu lươn ngóc lên khỏi mặt nước, bệnh này thường xảy ra vào thời điểm thả giống và chuẩn bị thu hoạch.

Phòng trị: Trước khi nuôi, cần sát trùng bể bằng vôi, vào mùa hay mắc bệnh cần phun thuốc Oxytetra  toàn bể. Trộn Oxytetra với liều lượng 1g/kg thức ăn. Có thể trộn kèm Vitamin C để chống sốc, mỗi ngày 1 lần, điều trị mỗi đợt 5-7 ngày.

4. Bệnh nội ký sinh

Do ký sinh trùng đường ruột gây nên. Triệu chứng: Tuyến trùng màu trắng, dài khoảng 1cm, đầu bám vào niêm mạc phá hoại mô, hình thành bào nang gây viêm ruột sưng đỏ. Nếu bị ký sinh với khối lượng lớn, lươn yếu, hậu môn sưng đỏ, sẽ chết dần.

Phòng trị: Có thể sử dụng các loại sản phẩm diệt nội ký sinh của các nhà sản xuất như Vemedim, Bayer, Anova… trộn vào thức ăn, cho lươn ăn liên tục trong 4 - 5 ngày.

5. Bệnh ngoại ký sinh :

Triệu chứng: Do đỉa bám vào phần đầu lươn gây ra để phá hoại mô bì hút máu lươn, khiến cho vi trùng xâm nhập gây viêm nhiễm, lươn yếu, chậm chạp kém ăn ảnh hưởng đến sinh trưởng của lươn.

Phòng trị: Dùng các loại sản phẩm trị ngoại ký sinh để điều trị. Nên sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cán bộ chuyên môn.

Tài liệu tham khảo
Thẻ