Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá chim trắng vây vàng

Thành Công
Cập nhật 25/10/2015

Cá chim trắng vây vàng là đối tượng thủy sản nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Hiện nay cá chim trắng vây vàng được nuôi khá phổ biến ở một số địa phương và nhiều mô hình nuôi thử nghiệm đối tượng này ở một số địa phương khác cũng cho thấy có hiệu quả kinh tế cao. Do đó, việc sản xuất nhân tạo giống cá chim trắng vây vàng là yêu cầu cấp thiết để phát triển nghề nuôi đối tượng thủy sản nhiều tiềm năng này.

 1. Đặc điểm sinh trưởng và sinh sản

              Cá chim vây vàng có kích thước tương đối lớn, chiều dài có thể đạt 45-60cm. Cá sinh trưởng nhanh, trong điều kiện nuôi bình thường một năm có thể đạt quy cách cá thương phẩm cỡ 0,5-0,7 kg. Từ năm thứ hai trở đi mỗi năm trọng lượng tuyệt đối tăng là 1 kg. Mùa sinh sản của cá chim vây vàng từ tháng 4-5 và duy trì cho đến tháng 8. Sức sinh sản của cá thể 40-60 vạn trứng. Trong thiên nhiên cá hương 1,2-2 cm bắt đầu bơi vào vùng biển cạn, cá lớn 13-15cm bắt đầu di cư từ vùng biển cạn ra vùng biển sâu. Hiện nay, ngoài tự nhiên cá thành thục ở 7-8 tuổi nếu muốn cho cá thành thục sớm cần phải tiêm kích dục tố, nuôi vỗ cá bố mẹ một cách khoa học. Trong thực tiễn sản xuất chứng minh cá chim vây vàng 4 tuổi tuyến sinh dục đạt độ thành thục, qua đó kích thích cá có thể phóng trứng thụ tinh và ấp nở thành cá bột bình thường.

               Kiểm tra mức độ thành thục của cá thường được tiến hành trước 1 tuần trước khi cá đẻ nhằm quyết định thời điểm cá đẻ thích hợp. Chỉ có cá bố mẹ có tuyến sinh dục thành thục ở mức độ nhất định mới có thể đưa vào cho sinh sản nhân tạo. Tiêu chuẩn chọn cá cái cho sinh sản, kiểm tra trứng bằng que thăm trứng, trứng có đường kính từ 0,4-0,5 mm, các hạt noãn hoàn phân bố đều, không còn khoảng cách giữa noãn hoàn và nang trứng. Đối với cá đực, vuốt nhẹ phần bụng thấy có sẹ chảy ra và tan nhanh trong môi trường nước. Trong quá trình nuôi vỗ thường xuyên kiểm tra mức độ thành thục của cá để có biện pháp cho đẻ kịp thời.

              2. Nuôi vỗ cá bố mẹ

             Cá bố mẹ được lựa chọn từ đàn cá trưởng thành nuôi tại ao nuôi thương phẩm. Chọn cá khoẻ mạnh, không bị tổn thương, xây xát; cá cái, cá đực tuổi từ 2 tuổi trở lên; trọng lượng từ 2-3kg/con. Tỷ lệ cá đực/cá cái là 1/1 để đưa vào nuôi vỗ.

             Ao đất nuôi vỗ cá bố mẹ có diện tích khoảng 1.000 m2, độ sâu mức nước 1,5 m, chất đáy là cát thịt, độ dày lớp bùn đáy 10-15 cm. 2 tuần nuôi cuối trước khi cho cá sinh sản, cá bố mẹ được nuôi trong bể xi măng có thể tích 80-100m3, độ sâu 1,5-1,8m. Môi trường nuôi vỗ: Môi trường nuôi vỗ cá bố mẹ có nhiệt độ trung bình 24-280C, pH 7,5-8,5; Oxy trên 4 mg/l, độ mặn 26-30‰. Mật độ nuôi vỗ cá bố mẹ trong ao từ 10-15 kg/100m2. Bể xi măng: 1-2 kg/m3.

             3. Chăm sóc, quản lý

             Nuôi vỗ chính vụ cá chim vây vàng từ tháng 2 đến tháng 4. Thức ăn nuôi vỗ cá bố mẹ gồm có cá tạp tươi hoặc thức ăn công nghiệp dùng cho cá biển có hàm lượng protein (chất đạm) 35-40%, lipit (chất béo) 10-12%. Khẩu phần ăn từ 3-4% khối lượng cá nuôi; cho cá ăn ngày một lần, vào lúc 8 giờ.

             4. Kiểm tra mức độ thành thục sinh dục của cá

            Đối với cá cái, dùng ống nhựa mềm có d = 1mm, đưa ống nhựa qua lỗ sinh dục vào tới buồng trứng, lấy một số tế bào trứng ra quan sát và đánh giá: nếu quan sát thấy chưa rõ hạt trứng thì buồng trứng mới ở giai đoạn II; các hạt trứng không đều cỡ, không tròn, còn dính lại nhau thì buồng trứng ở giai đoạn III; các hạt trứng có màu xanh vàng, tròn, rời thì buồng trứng ở giai đoạn IV, cá đã thành thục, tiến hành cho đẻ. Đối với cá đực, kiểm tra sẹ, thấy cá có sẹ trắng sữa, tan nhanh trong nước, cá đã thành thục chọn cho đẻ. 

             5. Cho cá đẻ

           Bể cho cá đẻ là bể xi măng hay composit, có thể tích chứa nước 70-100 m3, độ sâu 1,3-1,5m, có đường cấp nước, thoát nước thuận tiện, bể có mái che và hệ thống sục khí. Điều kiện môi trường sinh thái thích hợp nhất cho cá đẻ trứng: nhiệt độ nước từ 28-300C, độ mặn từ 30-32‰, oxy hoà tan ≥ 4mg/lít, pH từ 7,8-8,5.

            Chọn cá cái: sử dụng ống nhựa mềm có đường kính 1mm đưa qua lỗ sinh dục, vào tới buồng trứng, hút trứng ra để kiểm tra. Nếu thấy trứng có màu trắng ngà, các hạt trứng tròn, đều, rời nhau là cá thành thục tốt, chọn cá cho đẻ. Nếu các hạt trứng dính lại, không đều, không rời nhau là trứng còn non. Nếu các hạt trứng rời nhau, nhão, mầu trắng đục là trứng thoái hóa. Chọn cá đực: cũng dùng ống nhựa mềm có đường kính 1mm đưa vào lỗ liệu sinh dục hút sẹ để kiểm tra, nếu thấy sẹ đặc, màu trắng sữa, tan nhanh trong nước là sẹ tốt chọn cá cho đẻ.

             Sử dụng chất LRH-A2 kết hợp với HCG liều lượng 8-10mg + 300-500 UI HCG/1kg cá cái; Cá đực liều lượng bằng 1/2 so với cá cái. Liều lượng chất kích thích sinh sản cho cá có thể nhiều hoặc ít hơn phụ thuộc vào mức độ thành thục của tuyến sinh dục tại thời điểm cho cá đẻ. Tiêm chất kích thích sinh sản từ 1-2 lần trong một đợt cho cá đẻ tuỳ thuộc mức độ thành thục của cá tốt hay chưa thật tốt. Nếu tiêm 2 lần, lần 1 chỉ tiêm LRH-A2 với liều lượng 1/4-1/3 tổng lượng thuốc cần dùng, nơi tiêm là phần mềm gốc vây ngực của cá (vây P).

             Sau khi cá đẻ khoảng 2-3 giờ tiến hành thu toàn bộ trứng có trong bể. Khi thu trứng trong bể đẻ, dùng vợt có kích thước mắt lưới là 60 mắt/cm2, vợt loại nhỏ: 80cm x 35cm x 120cm, vợt loại lớn 5m x 1,2m x 4m để thu trứng. Trứng cá thu được chuyển vào thùng nhựa có thể tích là 100 lít để tách trứng thụ tinh; môi trường tách trứng thụ tinh có độ mặn 30-32‰. Trứng cá chim vây vàng thụ tinh thường nổi trên mặt nước, trứng không thụ tinh hoặc hỏng thường chìm xuống đáy. Dùng tay khuấy tròn dòng nước trong thùng rồi để yên khoảng 5-7 phút cho trứng thụ tinh nổi trên bề mặt, các trứng không thụ tinh, trứng hỏng và các chất bẩn lắng chìm xuống đáy thùng. Dùng vợt có kích thước mắt lưới 60 mắt/cm2 để vớt trứng thụ tinh chuyển vào bể ấp, tiến hành 2-3 lần đến khi thu hết trứng thụ tinh.

              6. Ấp trứng và ương nuôi ấu trùng

             Dụng cụ ấp trứng là bể composite có thể tích1m3, có sục khí. Môi trường ấp trứng là nước biển sạch, các yếu tố môi trường đảm bảo trong quá trình ấp trứng: độ mặn 30-32‰, nhiệt độ 26-300C, pH: 7,8-8,5, ôxy hoà tan ≥ 5mg/lít. Trứng thụ tinh được chuyển vào bể ấp trứng, mật độ ấp trứng từ 400-500 trứng/lít.

             Bể ấp đặt ở nơi thoáng mát tránh ánh sáng mặt trời chiều trực tiếp vào môi trường ấp trứng. Duy trì sục khí liên tục. Hút bỏ trứng chìm ở đáy bể đảm bảo môi trường sạch. Thời gian ương nuôi ấu trùng từ 60-72 giờ, cũng là thời điểm cá phát triển thành cá bột.

              7. Ương nuôi cá bột lên cá hương 2-3cm

             Bể ương: bể xi măng hình chữ nhật hoặc bể composite hình tròn, có chiều cao 1-1,2m, dung tích bể 10-20m3. Bể có hệ thống sục khí, hệ thống cấp thoát nước thuận tiện. Trước khi đưa ấu trùng vào bể ương nuôi phải vệ sinh, sát trùng bể sạch. Điều kiện môi trường: độ mặn 28-30‰; nhiệt độ 26-300C; pH 7,8-8,5; Oxy hoà tan ≥ 4mg/lít.

             Ấu trùng cá chim vây vàng thả vào nuôi phải có chất lượng tốt, cá khoẻ mạnh, tỷ lệ dị hình dưới  0,05%. Mật độ ương từ 2.000-3.000 con/m3. Mức nước ban đầu ở bể ương 0,5 m. Ngày nuôi thứ 2 đến ngày thứ 6, hàng ngày cấp thêm 10 cm nước vào bể ương. Mức nước trong bể ở ngày nuôi thứ 6 đạt 1m. Ngày thứ 7, thay 40% lượng nước trong bể, sau đó cấp thêm 10cm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,7m. Ngày thứ 9 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,8m.

             Ngày thứ 11 cấp thêm  nước, nâng mức nước trong bể lên 0,9m. Ngày thứ 13 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 1m. Ngày thứ 14 trở đi, hàng ngày tiến hành si phông đáy và thay 50% nước trong bể. Từ ngày nuôi thứ nhất đến ngày thứ 5, cấp tảo Nanochloropsis ocunata hoặc Chlorellasp vào bể ương đạt mật độ 50-100 vạn/ml; vớt váng ở tầng mặt bể ương 2 lần một ngày.

Thức ăn ban đầu của cá là luân trùng. Trước khi đưa luân trùng vào bể ương,luân trùng phải được giàu hoá bởi tảo Nanochloropsis ocunata hay Chlorella sp nhằm  nâng cao chất lượng thức ăn, tăng tỷ lệ sống cá nuôi. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần, duy trì mật độ luân trùng trong bể ương từ 6 - 8 con/ml. Đến ngày nuôi thứ 14, ngoài luân trùng, cho cá ăn thêm Nauplius Artemia; và Copepodda đảm bảo có từ 10-15 con/ml nước trong bể ương. Ngày thứ 20 trở đi ngoài cho cá ănArtemia và Copepodda giảm còn 5-7 con/ml thì cho cá ăn thức ăn hỗn hợp là thịt cá băm nhỏ hợp với cỡ miệng khẩu phần ăn từ 0,8- 1,2 kg cá/1 vạn cá con.

Đến thời kỳ này cũng có thể tập cho cá ăn thức ăn hỗn hợp chế biến ở dạng viên nhỏ, kích cỡ thức ăn hỗn hợp bắt đầu từ số 0 (cỡ 250mm) tăng dâng lên số 1 (cỡ 400 mm), khi cho ăn phải quan sát theo dõi cá ăn, để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Sau 5 ngày nuôi tiến hành xi-phông đáy 1 lần/ ngày vào lúc 8 giờ để loại bỏ chất thải và xác chết ra ngoài bể ương. Chú ý, quá trình xi-phông đáy không hút lẫn cá con và duy trì các yếu tố môi trường nuôi cá.

Tài liệu tham khảo
Thẻ