Kỹ thuật thâm canh Artemia thu trứng bào xác trên ruộng muối

Quang Hạnh
Cập nhật 29/04/2016

Khu vực nuôi Artemia nằm trên khu vực làm muối là thích hợp hơn để có thể vận dụng kỹ thuật sản xuất muối vào kỹ thuật chuẩn bị nước mặn cho hệ thống nuôi.

nuoi artemia

1. Thiết kế, xây dựng ao

- Địa điểm tốt nhất phải gần nguồn nước biển và phải là khu đất thịt.

- Khu vực nuôi nằm trên khu vực làm muối là thích hợp hơn để có thể vận dụng kỹ thuật sản xuất muối vào kỹ thuật chuẩn bị nước mặn cho hệ thống nuôi.

- Hướng ao nuôi trùng với hướng gió chính của địa phương, diện tích ao nuôi thích hợp nhất từ 2.000 - 3.000 m2/ao.

- Bờ phải cao để giữ được mực nước tối thiểu trong ao là 50 cm. Có thể lắp đặt thêm hệ thống sục khí để phòng ngừa sự thiếu hụt oxy.

- Riêng đối với ao bón phân gây màu thì diện tích thường chiếm ít nhất 20% tổng diện tích mặt nước ao nuôi; độ sâu mực nước tối thiểu trong ao bón phân nên giữ  khoảng 60 cm.

2. Cải tạo ao nuôi

a) Ao mới

- Tiến hành sên vét lớp bùn đáy và phơi khô trong vòng 5 - 10 ngày.

- Bón vôi: Chỉ bón vôi khi pH của nước ao nuôi nhỏ hơn 7,5 và khó gây màu.  Liều  dùng khoảng 500 - 1.000 kg CaCO3/ha.

- Diệt tạp: Có thể dùng Rotenon (0,05 - 2,0 mg/l), bột hạt trà (15 mg/l) kết hợp urê và Chlorine (5 mg/l "N" và 24 giờ sau dùng 5 mg/l "OCl"), CaO (vôi bột), hoặc dây thuốc cá (1 kg/100 m3). Rotenone, Chlorine và CaO sẽ mất đi tính gây độc sau 24 - 48 giờ, nếu dùng bột hạt trà thì nên rửa ao trước khi thả  nuôi. Thực hiện tốt nhất vào buổi trưa.

- Lấy nước vào qua lưới lọc và tuân thủ nguyên tắc thả nuôi ở đúng độ mặn yêu cầu là 80‰.

b) Ao đã sử dụng

Vệ sinh sạch sẽ đáy ao, nếu ao có rong cỏ tạp phát triển thì phải được dọn sạch, lớp bùn đáy trong ao phải được sên vét ra, thường vào đầu vụ nuôi khi thấy mùa mưa đã kết thúc thì tiến hành bơm tháo nước ra khỏi ao nuôi để phơi ao và nuôi nước mặn (chuẩn bị nước mặn).

Chuẩn bị nước mặn bằng cách cho nước vào ao với mực nước khoảng 2 - 5 cm, sau 1 - 3 ngày thì nước sẽ bốc hơi và độ mặn tăng dần lên khoảng 5 - 10‰ sẽ được gom lại cho 1 ao. cứ  tiếp tục phơi nước như thế cho đến khi độ mặn ở ao trữ đạt 80‰ và mực nước tối thiểu 10 - 15 cm thì bắt đầu thả giống.

3. Thả giống

a) Kỹ thuật ấp nở

- Điều kiện ấp nở:

+ Ánh sáng: đặt đèn neon cách mặt nước bể ấp khoảng 20 cm.

+ Nhiệt độ: 28 - 30oC.

+ Độ mặn: 30 - 35‰

+ pH: 8,0 - 8,5

+ Mật độ ấp: 3 - 5g trứng cho mỗi lít nước.

- Cách làm: Nước được lọc sạch cho vào bể ấp; cân trứng vào bể theo mật độ trên, sục khí mạnh để cung cấp oxy và đảo trộn đều trứng. Sau 20 - 24 giờ trứng nở trên 90%, Artemia mới nở hay còn gọi là con non được chuyển trực tiếp ra ao (nếu thời gian vận chuyển ngắn hơn 30 phút) hoặc phải đóng oxy nếu thời gian vận chuyển kéo dài.

b) Kỹ thuật thả giống

- Khi nước mặn trong ao đạt độ mặn 80‰ và mực nước trong ao nuôi đạt tối thiểu 3-5 cm (trên mặt trảng) thì bắt đầu thả giống.

- Thời gian thả giống: Vào sáng sớm (6 - 7 giờ) hoặc chiều tối (17- 19 giờ).

- Mật độ thả: Mật độ thả giống lúc ban đầu là 100 con/l là thích hợp nhất  (tương đương với 3 lon trứng/ha)

- Vị trí thả giống: Bờ ao phía trên hướng gió hoặc đầu nguồn nước cấp.

4. Chăm sóc, quản lý ao nuôi

- Môi trường nước ao nuôi thích hợp

+ Độ mặn: 80 - 120‰

+ Nhiệt độ: 22 - 35oC

+ Oxy hòa tan: không thấp hơn 2 mg/l

+ pH: 7,0 - 9,0.

- Hàng ngày cần theo dõi một số yếu tố môi trường và quần thể Artemia. Mỗi buổi sáng và chiều nên theo dõi sức khỏe Artemia bằng cách dùng vợt vải mịn vớt mẫu cho vào chai thủy tinh trong suốt để quan sát sự tăng trưởng và phát triển quần thể Artemia. Quan sát tình trạng thức ăn trong ao thông qua quan sát đường ruột và hoạt động bơi lội cũng như màu sắc và các biểu hiện khác của chúng.

+ Artemia tập trung thành đàn, bơi lội nhanh và liên tục là quần thể khoẻ mạnh, tăng trưởng đồng  đều.

+ Thức ăn trong đường ruột đầy, không đứt đoạn là tốt, nếu có hiện tượngArtemia có “đuôi dài” (thực tế đây là sợi phân còn bám trên cơ thể) là doArtemia không tiêu hoá được thức ăn.

+ Con non Artemia (nauplii) sau khi thả sẽ phát triển qua các giai đoạn con non - thiếu niên -  tiền trưởng thành - trưởng thành, sau đó con cái sẽ tham gia sinh sản (đẻ con và đẻ trứng); con non thế hệ sau tiếp tục phát triển để gia tăng mật độ của quần thể, tùy thuộc vào điều kiện ao nuôi mà thành phần, mật độ và tình trạng quần thể sẽ thay đổi. Thông thường, một quần thể Artemia khỏe mạnh sẽ có sự hiện diện đầy đủ các thành phần trên. Khi trong ao nuôi xuất hiện các điều kiện không thuận lợi như nhiệt độ cao, thiếu thức ăn, ô nhiễm... thì quần thể có sự mất cân đối giữa các thành phần nói trên (ví dụ có sự thiếu hụt con non, con đực hoặc con cái có buồng trứng nhỏ, hay túi ấp rỗng... đa số bơi lội lờ  đờ, màu sắc nhợt nhạt...)

- Cấp nước: Bù đắp sự thất thoát nước trong ao, đồng thời để cung cấp tảo (nước xanh) làm thức ăn cho Artemia. Lượng nước cấp vào ao đảm bảo độ muối khoảng 80‰ và độ trong 25 -   35 cm.

- Cung cấp thức ăn bổ sung

+ Sử dụng một số loại thức ăn cho tôm giống tôm sú có hàm lượng đạm gần 40%, hoặc một số loại thức ăn công nghiệp tương đương.

+ Lượng cho ăn tùy theo nhu cầu thực tế, thường 4 - 6 kg/ha/ngày.

+ Thời gian cho ăn buổi chiều mát hay buổi tối. Ngâm thức ăn vào trong nước 15-20 phút trước khi cho ăn. Khi cho ăn nên rải đều nơi Artemia tập trung.

- Bón phân trong ao

Các loại phân bón thường sử dụng:

+ Phân đạm (N): 1 - 10mg/l tùy theo môi trường ao nuôi.

+ Phân lân (P2O5): Bón phân lân 2 lần/tuần, khi bón vào ao nuôi thì lượng phân lân ít hơn phân đạm từ 3 - 5 lần. 

+Phân bón vô cơ: Hoà tan phân bón trong nước ngọt trước khi bón. Không bón phân vào ngày trời u ám. Nên bón phân trong ao có độ mặn thấp (30 - 50‰). Các điều kịên trong ao bón phân nên được giữ càng ổn định càng tốt. Không nên bón phân vô cơ trực tiếp trong ao nuôi Artemia (trừ trường hợp trước khi thả giống).

+ Khi quần thể tảo phát triển ổn định, duy trì bón phân ít nhất 1 lần/tuần. Khi sử dụng phân gà để gây màu, nên bón ở liều lượng 500 - 1.000 kg/ha/tháng, phân Urê 50 - 100 kg/ha/tháng để kích thích tảo phát triển trước khi đưa vào ao nuôi. Thông thường nên duy trì độ trong của ao nuôi trong khoảng 20 - 30 cm là tốt nhất.

- Chế độ bừa trục: Vừa có tác dụng đảo trộn phân bón và thức  ăn trong ao,  vừa có tác dụng diệt các mầm rong đáy (lab-lab). Khi độ đục thích hợp hoặc nền đáy ao đã tơi mềm thì có thể giảm chế độ bừa trục.

Hàng ngày cần phải thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường để xử lý kịp thời, kiểm tra bờ bọng tránh rò gỉ thẩm lậu, kiểm tra lưới lọc để tránh sự xâm nhập của cá dữ...

5. Thu hoạch và sơ chế sản phẩm

Thời gian thu hoạch trứng bào xác Artemia khoảng sau 2 tuần nuôi từ lúc bắt đầu thả giống, trứng Artemia trong ao thường có màu vàng nâu nổi trên mặt nước và tập trung ở góc ao cuối hướng gió. Sử dụng vợt vải có kích thước mắt lưới khoảng 100 micromet để vớt trứng.

Việc thu hoạch nên được thực hiện 2 - 3 lần mỗi ngày (sáng, chiều mát, buổi tối). Thời gian thu hoạch trứng có thể kéo dài từ 1 đến 2 tháng nếu ao được quản lý tốt.

Trứng được thu phải lọc và rửa sạch qua túi lưới (0,5 mm) để tách rác và tạp chất lẫn, sau đó được rửa sạch và ngâm trong nước muối bão hòa (>250 ‰), hàng ngày nên đảo trộn trứng và rút bỏ cặn bẩn dưới đáy bể chứa, định kỳ hàng tuần nên chuyển trứng cho sấy khô và bảo quản.

6. Một số trở ngại có thể gặp trong ao nuôi và cách phòng ngừa

Địch hại

Thông thường cá rô phi, giáp xác chân chèo, chim là địch hại nguy hiểm đối vớiArtemia. Để ngăn ngừa các đối tượng trên cần: giữ độ mặn trong ao nuôi từ 80‰ trở lên, dùng lưới lọc nước có mắt lưới 0,5 mm khi bơm nước vào ao và giăng lưới, cờ...

Một số hiện tượng khác

- Ao bị rong mền: Sự xuất hiện rong mền khi độ mặn trong ao thấp. Cách khắc phục là duy trì độ mặn ao nuôi từ 80‰ trở lên.

- Ao bị rò rỉ làm thất thoát nước và Artemia thoát ra ngoài: Cần khắc phục đầm nén bờ ao thật kỹ.

- Ao bị đục bùn: Thường do sử dụng thức ăn là cám gạo hay phân gà trực tiếp trong ao quá nhiều hay nền đáy ao có lớp bùn đáy dày. Khắc phục bằng cách tăng cường cấp nước xanh, hạn chế bừa trục nền đáy ao. Tuy nhiên, cách tốt nhất là cải tạo lại  ao nuôi và lấy nước mới để thả giống lại.

- Artemia có hiện tượng đuôi dài do thức ăn không phù hợp hay khó tiêu hóa: Cần thay nước và sử dụng nước tảo có thành phần loài thích hợp cho ao gây màu.

- Không tham gia sinh sản: Thiếu ăn hay ao bị đục bùn làm cho Artemia không đủ năng lượng cho tái phát dục hoặc để đẻ trứng.

- Nổi đầu vào sáng sớm, màu sắc chuyển sang đỏ thẫm: Khi ao bẩn, hoặc tảo phát triển dày đặc, hậu quả làm thiếu oxy về đêm nên Artemia nổi đầu vào sáng sớm hôm sau. Nếu độ mặn tăng cao và ao thường xuyên nhiễm bẩn thì Artemiasẽ chuyển sang màu đỏ thẫm do thiếu hụt oxy nghiêm trọng.

Tài liệu tham khảo

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Khuyến nông VN, 27/04/2016

Thẻ