Bệnh "Gạo" trên cá tra

Nguyên nhân

Theo kết quả điều tra từ hộ nuôi cá tra thâm canh ở một số tỉnh ĐBSCL ( Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ...) và kết quả của Khoa Thủy sản - Đại học Cần Thơ thì bệnh "gạo" thường xuất hiện trong các ao nuôi cá tra thương phẩm từ giai đoạn cá giống đến cá thịt, bệnh "gạo" xuất hiện quanh năm, không theo mùa vụ như một số nhóm ký sinh trùng khác. Kết quả phân tích bằng phương pháp soi tươi, nghiên cức mô bệnh học và sử dụng kỹ thuật PCR đã xác định các nang "gạo" xuất hiện trong cơ cá là do thích bào tử trùng Myxosporea và vi bào tử trùng Microspora. Bào tử của hai nhóm trùng này có  kính thước  và  hình dạng khác nhau tùy theo  loài, nhưng vòng đời và quá trình xâm nhiễm trực tiếp ký sinh trong  cá tương tự nhau. Bào tử ngoài môi trường nước có thể chui qua da, mang hoặc theo đường tiêu hóa vào ký sinh trong các cơ quan nội tạng của cá như mang, dạ dày, ruột, gan... đặc biệt là vùng  cơ là vị trí  ký sinh ưa thích của chúng. Sau một thời gian ký sinh bào tử bắt đầu sinh sản tăng nhanh số lượng và tổ chức xung quanh vùng nhiễm bệnh bị kích thích và thoái hóa sinh ra một lớp màng bao lấy các bào tử và hình thành  bào nang. Bào tử thành thục có thể ký sinh trong cơ từ giai đoạn cá giống đến cá thịt hoặc có thể phá vỡ bào nang chui ra môi trường nước và tiếp tục xâm nhiễm vào cá khác để hình thành một chu kỳ sống mới. Ngoài ra, bào tử có thể phát tán ra môi trường nước từ cá nhiễm \"gạo\" chết nằm dưới đáy ao.

Triệu chứng

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy cá bệnh "gạo" không có dấu hiệu bệnh lý rõ ràng, chỉ thấy cá chết rải rác hàng ngày. Ở những mẫu cá nhiễm "gạo" nặng thường có dấu hiệu bệnh do vi khuẩn (gan thận mủ, xuất huyết, vàng da...)  và vùng da bụng bị thủng lỗ nhỏ li ti hoặc có một số lỗ rất lớn. Tuy nhiên các cơ quan nội tạng bình thường và ở một số ít cá bệnh có dịch mật nhạt màu. Kích thước bàng nang dao động từ 0.5-3 mm tùy theo kích cỡ cá, đôi khi tạo thành những hốc to hơn 3mm chứa đầy dịch màu trắng sữa( dễ vỡ) ở cá có trọng lượng lớn hơn 500gram, các bào nang có thể được tìm thấy bằng  mắt thường,.

Sự phát triển của bào tử trùng bên trong cơ cá phụ thuộc nhiều vào  yếu tố môi trường. Trong đó nhiệt độ có tác động lớn nhất. Các  nghiên cứu thực nghiệm cho thấy sự phát triển của bào tử xảy ra chậm ở nhiệt  nước 16oC. Các bào tử có thể sống lâu trong nước và bùn đáy ao, nên khả năng cá nuôi  bị nhiễm bào tử trùng rất cao. mặt khác, bào tử có vỏ bọc bên ngoài bằng chất kitin khá chắc chắn và nằm trong bào nang nên thuốc và hóa chất khó tiêu diệt được chúng. Một số nghiên cứu cho thấy bào nang của vi bào tử trùng có thể kháng lại một số chất khử trùng như chlorine, các thuốc diệt giun sán như Menbendazole hay Ivermectin... cũng không có hiệu quả diệt các bào nang của vi bào tử trùng. Vì vậy, chúng ta cần phải có phương pháp phòng bệnh nghiêm ngặt cho các ao nuôi, đặc biệt là xử lý triệt để những cá đã nhiễm bệnh nhằm hạn chế lây nhiễm cho các ao và vùng nuôi khác.

bệnh gạo trên cá tra

Phân bố

Cá tra nuôi thâm canh ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Phòng trị

Hiện nay chưa có một loại thuốc và hóa chất nào đặc trị triệt để bệnh "gạo". Tuy nhiên, có thể áp dụng các nguyên tắc sau để phòng bệnh đạt hiệu quả tốt.

1. Cải tạo ao trước khi thả nuôi: Dùng vôi sống CaO (10-15 kg/100m2) rải xuống đáy ao và phơi nắng từ 3-7 ngày để diệt bào tử trùng chìm dước đáy ao. Trường hợp không thể rút cạn nước trong ao nuôi thì xử lý bằng vôi CaO với liều cao từ 1,5-2,0 kg/m2.

2. Kiểm tra cá giống (ít nhất 30 mẫu cá) trước khi thả nuôi, nếu phát hiện đàn cá đã nhiễm "gạo"  thì loại bỏ đàn cá.

3. Xử lý nước trong quá trình nuôi: Dùng 1-1,5 kg muối ăn và 2 kg vôi/100m3 nước, hoặc định kỳ xử lý nước ao trong thời gian 15-20 ngày/lần bằng các chất khử trùng như BKC, PMP và các chất khử trùng khác theo liều chỉ dẫn của nhà Sản xuất. Tốt nhất nên có hệ thống lắng,  lọc và xử lý nước cấp để hạn chế mầm bệnh xâm nhiễm vào ao nuôi.

4. Xử lý đáy ao trong quá trình nuôi: Định kỳ hút bùn đáy ao 2 tháng /lần đối với cá nhỏ hơn 300g và 1 tháng / lần đối với cá lớn hơn 300g. Sau khi hút bùn xử lý đáy ao bằng muối với  liều luợng 5-7kg/100m2 kết hợp với các  loại hóa chất khử trùng.

5. Kiểm tra cá trong quá trình nuôi: Định kỳ mỗi tháng mổ khám 30 mẫu cá /lần, đối với cá  lớn  thì kiểm tra từ 10-15 mẫu/ lần. Nếu phát  hiện có cá bị nhiễm "gạo" trong ao thì cần phải cách  li đàn cá, khử trùng dụnh cụ nuôi, vớt hết cá bệnh ra khỏi ao và xử lý bằng cách nấu chín hay trộn với vôi sống và chôn dưới đất. Đặc biệt là tránh gây sốc cho cá trong giai đoạn nhiễm "gạo" và không vứt xác  cá chết ra nguồn nước vì bào tử sẽ phóng thích và lây nhiễm ra các ao khác.

Việc trị bệnh "gạo" trên cá tra hiện nay chủ yếu được khuyến cáo từ các nhà  sản xuất thuốc hoặc do kinh nghiệm của người nuôi. Tuy nhiên, các phương pháp trị bệnh này chưa có cơ sở khoa học vững chắc, cho đến nay các nhà khoa học chưa tìm được loại thuốc nào đặc trị bệnh "gạo" trên các loài cá tra nuôi.

Tài liệu tham khảo
  1. Tài liệu kỹ thuật UV-Việt Nam
bởi Ths. Nguyễn Thị Thu Hằng - Khoa Thủy sản - Đại học Cần Thơ.