Bệnh loét da trên cá bớp do vi khuẩn Vibrio sp

Vibriosis infection in Cobia (Rachycentron canadum)

Cá Bớp tên tiếng anh là “Cobia” phân bố ở các vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và vùng nước ấm của biển ôn đới. Trong tự nhiên cá bớp sống ở vùng nước mặn hoặc vùng nước lợ ven biển, rạn san hô cho đến vùng biển khơi.

Hiện nay, cá bớp đang là loài nuôi chủ lực của nhiều hộ dân vùng biển, vì chúng có nhiều ưu điểm về kinh tế như: tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng chống chịu và thích nghi với điều kiện sóng gió, giá trị kinh tế cao, nguồn thức ăn dễ cung cấp (thuộc loại cá dữ, ăn tạp, thức ăn của nó gồm cua, tôm, ốc và các loại cá nhỏ). 

Kéo theo tốc độ phát triển của nghề nuôi cá bớp, là rủi ro cao về dịch bệnh nếu không biết cách kiểm soát. Đã có rất nhiều nghiên cứu về bệnh trên cá bớp tuy nhiên vẫn chưa thấy có nghiên cứu chuyên sâu nào về bệnh lở loét trên da cá bớp do vi khuẩn Vibrio sp. gây ra, dưới dây là bài viết tổng hợp nhằm giúp bà con nông dân có thể phát hiện sớm và có hướng giải quyết đối với bệnh hại.

Nguyên nhân

Các bệnh Vibriosis có thể bắt gặp ở cá bớp ở tất cả các giai đoạn trong vòng đời, một số dấu hiệu bệnh nhạt màu sắc cơ thể tối, lờ đờ, bỏ ăn, mất thăng bằng, mang nhợt nhạt, vây mòn cụt và các vết thương tổn trên da; gan, thận có thể có màu nhọt nhạt, lách xuất hiện các đốm trắng, tuy nhiên cá bệnh có thể có hoặc không xuất hiện các triệu chứng, nên rất khó trong phát hiện bệnh. Nhiều loài vibrio khác nhau đã được phân lập từ cá hấp hối bao gồm V. alginolyticus, V. harveyi, V. parahaemolyticus V. vulnificus (Rajan và cs, 2001; Lopez và cs, 2002; Liu và cs, 2004).

Nhóm vi khuẩn Vibrio được xác định là tác nhân gây bệnh phổ biến ở các loài cá biển trên thế giới. Năm 2009, hai nhà nghiên cứu là Peggy và Ruth nhận định  tỷ lệ cá chết khi nhiễm Vibrio sp. có thể trên 50% trong một đợt dịch. Bệnh lở loét trên cá bớp được xác định đầu tiên tại Đài Loan (2001), và do các vi khuẩn Vibrio alginolyticus; V. VulnificusV. parahaemolyticus gây ra, trong đó V. Vulnificus  là tác nhân chính.

Có rất nhiều yếu tố để vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào cơ thể cá như mật độ nuôi quá cao, chất lượng thức ăn kém, nguồn nước ô nhiễm, kém lưu thông hoặc do kí sinh trùng gây nên vết thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Triệu chứng

Cá bớp mắc bệnh lở loét do vi khuẩn được ghi nhận với nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó đặc trưng nhất là viêm loét ở da, xuất hiện các vùng hoại tử, da sạm màu, bụng sưng to, mắt lồi, cá bị hôn mê, cổ trướng.


Hình 1: Cá bớp bị lở loét 2 bên thân (trái), bụng cá trương to (phải)

Vi khuẩn phân lập hầu hết ở vùng nội quan như gan, thận và tỳ tạng. Khi quan sát dưới kính hiển vi cho thấy vi khuẩn gram âm, hình que ngắn.

Phân bố

Nhiều trường hợp nhiễm bệnh do vi khuẩn Vibrio sp.  gây ra, đã được phát hiện ở Australia, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Đài Loan, Thái Lan trên nhiều loài thủy hải sản khác nhau. Các sự giảm sút gần đây trong ngành nuôi trồng thủy hải sản ở Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Philippines và Trung Quốc chủ yếu là do tác động của nhóm vi khuẩn Vibrio sp. 

Bệnh lở loét trên cá bớp do vi khuẩn Vibrio sp. gây ra có mức độ phân bố rộng, và ngẫu nhiên ở nhiều nơi như: Đài Loan, Trung Quốc, các vung nuôi dọc các tỉnh miền Trung, Kiên Giang, ...

Phòng trị

Điều trị

Khi phát hiện cá bệnh cần loại bỏ ngay, bà con nông dân có thể sử dụng kháng sinh theo liều sau để điều trị:

- Sử dụng Tetracycline với liều lượng 200mg/kg thức ăn và vitamin C 30mg/kg thức ăn, sử dụng cho cá từ 5 - 7 ngày liên tục.

- Tắm nước ngọt cho cá bị bệnh trong thời gian 10 - 15 phút. Sau đó xử lý bằng các loại thuốc hoặc hóa chất như sau:

+ Dùng Tetracyline với liều lượng: 10 - 20g/m3 nước, thời gian tắm cho cá từ 15 đến 30 phút.

+ Hoặc hòa tan dung dịch formol 50 - 100ml vào thùng chứa 100 lít nước biển để tắm cho cá, theo dõi các phản ứng hoạt động của cá; tắm liên tục 4 - 5 ngày.

+ Chú ý khi khi tắm cho cá phải kết hợp với sục khí mạnh.

Phòng bệnh

Hiện nay, vẫn chưa có yêu cầ cụ thể cho việc phòng tránh bệnh lở loét trên bớp, do đó bà con nông dân cần phải tiến hành các phương thức chung cho phòng tránh bệnh trên cá:

- Lựa chọn nguồn cá bố mẹ sạch bệnh, con giống khoẻ mạnh, đồng đều. Quản lý tốt môi trường nuôi, nguồn nước sạch, vệ sinh lồng bè thường xuyên. Tránh để thức ăn thừa trong lồng nuôi.

- Giảm căng thẳng cho bầy đàn bằng cách tránh nuôi dày đặt, đảm bảo hàm lượng oxy từ 4 - 6mg/lít, nhiệt độ 25 - 30oC, pH từ 7,5 - 8,5, độ mặn từ 20 - 34‰, thời gian độ muối xuống thấp dưới 20‰ không kéo dài quá 10 ngày/tháng, độ trong của nước từ 0,5 - 4 m.

- Định kỳ 2 tháng tắm cho cá một lần bằng dung dịch thuốc tím (KMNO4) nồng độ 5 ppm trong thời gian từ 15 đến 20 phút.

- Khi phát hiện cá bệnh, cần nuôi cách ly, chữa trị phù hợp. Nếu cá chết phải vớt lên và xử lý tiệt trùng, không vứt ra vùng nuôi nhằm tránh lây lan bệnh.

Tài liệu tham khảo
bởi Mạnh Kha