Kỹ thuật nuôi cá chép giòn
TH
Bí quyết để nuôi cá chép giòn rất đơn giản. Cá chép loại thường trước khi thu hoạch khoảng 3 - 5 tháng cho ăn một loại thức ăn đặc biệt đó là hạt đậu tằm (còn gọi là đậu ván đỏ, đậu răng ngựa), cá sẽ trở thành cá chép giòn. Da thịt cá trở nên săn chắc và khi ăn có độ giòn và hương vị đặc biệt.
Dưới đây là các bước quy trình kỹ thuật nuôi cá chép giòn mang lại hiệu quả cao nhất.
Chuẩn bị ao, lồng nuôi
Ao, lồng nuôi nên bố trí, thiết kế ở những nơi có nguồn nước trong sạch, không có nguồn nước thải công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt chảy vào.
- Đối với ao: Ao nuôi có diện tích từ 2.000 - 5.000 m2. Đáy ao được cải tạo, san bằng, nghiêng về cống thoát nước. Độ sâu của ao lớn hơn 2 m, độ sâu của mực nước từ 1,5 - 2 m. Nuôi cá chép giòn trong ao yêu cầu có thiết bị phụ trợ tạo dòng chảy, có thể dùng máy bơm hoặc bố trí quạt nước. Đây là yêu cầu quan trọng kích thích cá thường xuyên bơi lội, hoạt động để cho thịt cá nhanh giòn hơn.
Trước khi đưa cá vào nuôi cần tháo cạn nước, nạo vét bùn. Sau đó dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp; liều lượng dùng từ 7 - 10 kg/100 m2, phơi nắng 3 - 5 ngày. Ao sau khi cải tạo, cấp đủ lượng nước trong ao từ 1,5 - 1,8 m, nước cấp vào ao phải đảm bảo trong sạch, không bị nhiễm bẩn, hạn chế nước cấp bị vẩn đục.
Khi nuôi cá chép giòn nguồn nước phải đảm bảo sạch, không bị nhiễm bẩn, hạn chế nước cấp bị vẩn đục.
- Đối với lồng: Nếu lồng cá có diện tích lớn thì phải chọn những nơi có độ sâu 3,5 - 4 m. Lồng được đặt nổi và neo cố định tại một vị trí thuận lợi trên sông, có dòng nước chảy liên tục, mực nước sông tương đối điều hoà và phải cao hơn chiều cao ngập nước của lồng từ 0,3 - 0,5 m.
Phương pháp và mật độ thả
Trước khi tiến hành các thao tác như vận chuyển đến ao, lồng nuôi mới hoặc san thưa, cần tiến hành ép cá bằng phương pháp cho cá nhịn ăn khoảng 1 ngày. Chuyển cá vào lúc trời mát, sáng sớm hoặc chiều tối.
Cá đưa vào nuôi vây vẩy hoàn chỉnh, không xây xát, không mất nhớt, cỡ cá đồng đều. Trạng thái hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn; không có dấu hiệu bệnh.
Cá chép giòn có thể nuôi được 1 - 2 vụ/năm, thời gian 3 - 5 tháng/vụ; Cá được chọn nuôi có kích thước lớn từ 1,2 - 1,8 kg. Mật độ nuôi trong ao 0,5 - 1 con/m2, mật độ nuôi lồng 5 - 7 con/m3, tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc.
Cá chép nuôi khoảng 9 tháng khi đạt trên 1 kg, lúc này người nuôi mới vỗ béo bằng đậu tằm để quyết định độ giòn của thịt cá.
Biện pháp cho cá ăn đậu tằm
- Cách chế biến thức ăn: Trước khi tiến hành cho cá ăn, người nuôi phải ngâm hạt đậu tằm với nước từ 12-24 giờ (tùy theo nhiệt độ không khí), những hạt to phải cắt ra làm đôi. Sau đó đãi thật sạch và trộn với 1-2% muối, để trong thời gian 10 -15 phút rồi mới bắt đầu cho ăn. Đây là cách chế biến thức ăn khá phổ biến trong kỹ thuật nuôi cá chép. Cho ăn sau 3 tiếng thì quan sát xem cá có ăn hết hay không. Nhờ đó dễ dàng cân đối, điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp.
- Cách cho ăn: Nên luyện cho cá chép ăn đậu tằm bằng cách bỏ đói, không cho cá ăn gì trong vòng 5 ngày, sau đó bắt đầu cho cá ăn đậu tằm. Trong 5 ngày tiếp theo, cho cá ăn đậu tằm với khẩu phần 0,03% khối lượng thân vào lúc 16h chiều, vì đây là thời gian thích hợp để cá hấp thu thức ăn. Sau đó tăng dần khẩu phần ăn lên 1,5-3,0 % khối lượng cá trong ao.
Khi cho ăn, hạt đậu rất dễ bị chìm nên thả đậu cho cá ăn từng ít một. Lượng thức ăn hàng ngày của cá được tính theo 2 – 3% tổng trọng lượng cá nuôi trong ao. Dùng nhá để điều chỉnh lượng thức ăn, nhá được làm từ khung sắt có đường kính 80cm, rộng từ 3 – 4m2, chiều cao đáy 25 – 30cm. Một ngày cho cá ăn 1 lần, nhá được đặt ở đáy ao . Nhá được vây xung quanh 1 lớp lưới để giữ cho đậu không bị trôi ra ngoài. Trong suốt quá trình dùng nhá, phải đình kỳ kiểm tra, vệ sinh tối thiểu 4 lần/tháng để phòng bệnh cho cá.
Các loại đậu có thể cho cá ăn nhằm tăng độ giòn. Hình minh họa: Internet
Thức ăn cho cá phải được kiểm tra sát sao hàng ngày thông qua sàng cho ăn.
Kỹ thuật nuôi
Trong thời gian đầu không được cho cá ăn gì khác ngoài đậu tằm, và sau khi cho cá ăn đậu khoảng 3 tiếng thì kiểm tra xem cá có ăn hết hay không, hoặc ăn nhiều, ít để có kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn sao cho phù hợp.
Hạt đậu tằm sẽ có xu hướng chìm nhanh, vì vậy khi cho cá ăn chỉ cần rải từng ít một để tránh lãng phí thức ăn, và cho cá ăn tùy vào nhu cầu ăn của cá hàng ngày.
Cách nuôi cá chép đúng là cho cá ăn 2 lần/ngày vào lúc 8 - 10h và 16 - 18h, thức ăn cho vào máng đặt ở đáy ao, lồng nuôi (máng làm bằng khung sắt có đường kính 6 cm, diện tích máng 4 - 5 m2, chiều cao máng 25 - 30 cm). Xung quanh máng được vây 2 lớp, 1 lớp lưới thép, 1 lớp lưới cước để ngăn đậu trôi ra ngoài.
Trong quá trình sử dụng máng cần định kỳ vệ sinh máng ít nhất 2 lần/tháng để đảm bảo phòng bệnh cho cá nuôi được tốt hơn.
Phòng bệnh
Định kỳ 1 tháng/lần bổ sung thêm Tiên Đắc I trộn vào thức ăn cho cá với liều lượng 100 g thuốc/500 kg cá/ngày, cho ăn liên tục 3 ngày. Hoặc sử dụng tỏi xay nhuyễn với lượng 3 - 5 g/kg thức ăn. Ngoài ra có thể dùng Vitamin C, vitamin tổng hợp với liều lượng 30 mg/kg thức ăn.
Kiểm tra cá trong ao, lồng nếu thịt cá đạt độ giòn nhất định thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 ngày cho cá nhịn ăn.
Tài liệu tham khảo
Báo Nghệ An
- Điều trị bệnh kênh mang ở cá chép do ấu trùng Centrocestus formosanus gây ra
- Kỹ thuật ương nuôi Giống cá Chép V1
- Kinh nghiệm nuôi cá chép giòn thành công ở Khánh Hòa
- Quy trình sinh sản cá chép Koi
- Phòng, trừ bệnh xuất huyết cho cá chép
- Công nghệ sản xuất giống cá chép V1
- Kỹ thuật cho cá chép đẻ tự nhiên trong ao
- Nuôi thịt cá chép