Điều trị bệnh lở loét, xuất huyết trên cá kèo

Thu Dung - Khuyến Nông Bạc Liêu
Cập nhật 22/09/2017

Cá kèo là loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, được tiêu thụ rộng rãi trong nước và có giá trị xuất khẩu. Cá kèo được nuôi tập trung ở một số tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, trong đó Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nuôi khá lớn (trên 400 ha).

Hiện nay, mô hình nuôi cá kèo của tỉnh Bạc Liêu xuất hiện bệnh lở loét và lây lan trên diện rộng với dấu hiệu bệnh lý là cá yếu, bơi xoay tròn, xuất huyết trên thân, tại các vi và hậu môn, trên thân cá với nhiều vết lở loét, cá chết với tỉ lệ khá cao.

kỹ thuật nuôi, trị bệnh cho cá kèo, bệnh trên cá kèo   

Mẫu cá kèo bệnh thu ngày 03/9/2017 tại huyện Hòa Bình

Ngày 03 tháng 9 năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu và Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ tiến hành thu 100 mẫu cá kèo nuôi thương phẩm bị bệnh ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình. Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu cá đều bị nhiễm khuẩn rất nặng với các chủng vi khuẩn gây bệnh trên da và bên trong nội tạng.

Trường Đại học Cần Thơ đã tiến hành thí nghiệm kháng sinh đồ nhằm tìm những loại kháng sinh điều trị bệnh hiệu quả, kết quả cho thấy: Các chủng vi khuẩn gây bệnh trên cá nuôi kháng mạnh với kháng sinh Amoxycylin (25µg), Colistin (25µg), Neomycin (30µg), Tylosin (5µg) và Trimethoprim + Sulfamethoxazole (25µg).

Kết quả trên cho thấy, có thể người nuôi đã lạm dụng kháng sinh trong quá trình nuôi để phòng và trị bệnh, không theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, sử dụng quá liều lượng hoặc thời gian điều trị nên đã tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, điều này đã làm cho việc điều trị bệnh ngày càng khó khăn hơn và không hiệu quả khi sử dụng kháng sinh.

Kết quả kháng sinh đồ cũng cho thấy một số loại kháng sinh có thể tiêu diệt tốt vi khuẩn gây bệnh trên mẫu cá thí nghiệm là Doxycylin (30µg), Erythromycin (15µg), Florfenicol (30µg), Oxytetracylin (30µg). Tuy nhiên, việc sử dụng những loại kháng sinh này khi điều trị bệnh cho cá kèo thì người nuôi cũng cần kết hợp việc xử lý môi trường ao nuôi bằng các chất diệt khuẩn để cải thiện môi trường ao nuôi. Sau khi diệt khuẩn, ngưng cho cá ăn ít nhất một ngày, rồi cho cá ăn kháng sinh bằng cách trộn thuốc (chọn một trong các loại thuốc: Doxycylin, Erythromycin, Florfernicol, Oxytetracylin) vào thức ăn (liều lượng 2 – 3 g/kg thức ăn) với tỏi (1g tỏi/kg thức ăn), cho cá ăn liên tục đủ 5 hoặc 7 ngày để đủ liều điều trị dứt bệnh.

Ngoài ra, để vụ nuôi cá đạt kết quả cao, nên trộn tỏi và bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng cường khả năng miễn dịch của cá với các tác nhân gây bệnh, tránh lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng bệnh, chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi cá bị bệnh và cần dùng đúng thuốc, đủ liều để tránh khả năng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình điều trị bệnh trên cá kèo.

Tài liệu tham khảo
Thẻ