TIN THỦY SẢN

7 sai lầm trong sử dụng kháng sinh

Với tốc độ kháng kháng sinh nhanh như hiện tại, trong một vài thập kỷ tới, nhiều loại bệnh thông thường cũng không còn thuốc chữa Huệ Minh

Các trường hợp xuất hiện siêu vi khuẩn kháng kháng sinh không những được ghi nhận rất nhiều ở trên thế giới mà còn có nhiều ở Việt Nam điều này gây lo ngại về 'cơn ác mộng' đại dịch nhiễm khuẩn vô phương cứu chữa.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. Trong đó tình hình kháng thuốc tại các tỉnh phía Nam nghiêm trọng hơn.

Những trường hợp mắc siêu vi khuẩn kháng tất cả mọi loại kháng sinh và cảnh báo sự lây lan của siêu vi khuẩn này sẽ khởi đầu cho “một cơn ác mộng” về đại dịch nhiễm khuẩn vô phương cứu chữa của loài người. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này lại là những nhận thức sai lầm của cộng đồng về vấn đề kháng sinh đang khiến “cơn ác mộng” trở nên tồi tệ.

1. Chọn đúng thuốc thì không xảy ra kháng kháng sinh?

Điều này hoàn toàn sai lầm. Kháng kháng sinh xảy ra dưới sự chi phối của chọn lọc tự nhiên như Darwin đã đề xuất trong Thuyết tiến hóa. Vi khuẩn trong hàng ngàn năm kể từ khi ra đời đã phải tự bảo vệ mình khỏi các chất hóa học được sản sinh bởi các vi khuẩn khác và nấm. Năm 1928, Alexander Fleming đã phát hiện ra penicillin và chúng ta chỉ gọi những chất hóa học đó là kháng sinh. Vì vậy, có thể hiểu rằng, kháng kháng sinh đã xuất hiện trước khi loài người phát minh ra thuốc kháng sinh. Các vi khuẩn phải hình thành khả năng kháng cự để sống sót và tồn tại sau cuộc tấn công bằng kháng sinh dù loại kháng sinh này đến từ các viên thuốc hay từ nấm. Bất cứ khi nào chúng ta sử dụng một loại thuốc kháng sinh, quá trình kháng kháng sinh vẫn xảy ra ở vi khuẩn. Việc bạn chọn một loại thuốc kháng sinh tốt hơn, với liều cao hơn chỉ giết chết các chủng vi khuẩn đang gây bệnh chưa hình thành khả năng kháng nó.

Tuy nhiên, nếu chẳng may tồn tại những vi khuẩn đã kháng thuốc, chúng sẽ tiếp tục sống sót và sinh sôi nảy nở. Các vi khuẩn có thể trao đổi khả năng kháng thuốc với nhau, nhân rộng hoặc có thể gây ra nhiễm khuẩn ở người được điều trị hoặc xâm nhập vào da và cơ thể của bệnh nhân khác. Đây là một trong những cách mà các vi khuẩn kháng thuốc lây lan, đặc biệt tại các cơ sở y tế, khi các y bác sĩ, nhân viên y tế không tuân thủ tốt các quy định về vệ sinh...

2. Cơ thể đang trở nên kháng thuốc

Lỗi không phải ở cơ thể bạn mà do vi khuẩn. Do đó, không thể quan niệm rằng nếu chúng ta thay đổi điều gì đó trên cơ thể sẽ giúp chúng ta vượt qua sự kháng thuốc. Đối tượng mà bạn cần tác động đó chính là vi khuẩn.

3. Kháng sinh điều trị tốt cảm lạnh và cúm

Kháng sinh chỉ hoạt động chống lại vi khuẩn. Trong khi đó, cảm lạnh và cúm gây ra bởi virut, các loại này chống lại kháng sinh và dùng kháng sinh để điều trị sẽ không hiệu quả. Chúng ta càng lạm dụng kháng sinh sẽ khiến vi khuẩn kháng thuốc càng sinh sôi và lây lan. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi là nguyên nhân lớn nhất khiến gia tăng loại vi khuẩn kháng kháng sinh trên toàn thế giới. Kết quả việc sử dụng kháng sinh để điều trị cảm lạnh và cúm đó là tự làm hại cơ thể mình do các tác dụng phụ của kháng sinh; gây ảnh hưởng cho gia đình và xã hội khi tăng cơ hội kháng thuốc cho vi khuẩn.

4. Dừng kháng sinh trong những ngày cuối điều trị

Nhiều người đang mắc phải lỗi sai lầm nghiêm trọng này, tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển. Trong quá trình điều trị, họ tin rằng mình có thể giảm liều hoặc ngưng hẳn việc sử dụng thuốc trong những ngày cuối khi đã cảm thấy khỏe hơn. Tuy nhiên, thực tế là bạn chỉ đánh giá tình trạng sức khỏe mình theo cảm tính. Các triệu chứng thường được cải thiện trước một khoảng thời gian, khi các vi khuẩn đã bị tiêu diệt và xử lý.

Nếu tự ý giảm liều lượng hoặc cắt giảm thuốc, số lượng kháng sinh sẽ không đủ để tiêu diệt những vi khuẩn gây bệnh còn sót lại. Những vi khuẩn còn sót lại này có thể sẽ sinh sản và tái tạo lại quần thể. Kết quả là bạn sẽ bị tái phát bệnh sau một thời gian. Vì vậy, hãy tuân thủ theo phác đồ điều trị dành cho mình. Không tự ý giảm liều hoặc ngưng sử dụng kháng sinh mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.

5. Sử dụng kháng sinh thừa của người khác khi chưa hết hạn

Việc sử dụng những viên thuốc còn thừa trong tủ thuốc của gia đình là không nên. Vì kháng sinh của người khác không đúng với liều lượng kháng sinh dành cho bạn, ngay cả khi cả hai được chẩn đoán giống nhau. Đồng thời, kháng sinh theo thời gian sẽ bị giảm hoạt tính và gây khả năng kháng khuẩn ở vi khuẩn.

6. Kháng kháng sinh chỉ xảy ra từ đợt điều trị thứ hai trở đi

Kháng kháng sinh có thể xảy ra bất cứ khi nào bạn sử dụng kháng sinh dù đó là lần đầu tiên bạn điều trị.

7. Kháng kháng sinh là lỗi của y tế

Việc kháng kháng sinh lan tràn ngày nay, không thể không nhắc đến trách nhiệm của các y bác sĩ và hệ thống y tế. Tuy nhiên, lỗi không hoàn toàn ở họ, ngay từ những ngày đầu penicillin được sản xuất, Alexander Flemming đã cảnh báo về một ngày những viên thuốc kháng sinh không còn tác dụng.

Trong đó, nhận thức của cộng đồng trong sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi khiến tình trạng kháng kháng sinh trở nên tồi tệ như hiện nay. Vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi cá nhân phải ý thức lại và tìm hiểu việc sử dụng đúng thuốc kháng sinh tránh việc kháng kháng sinh.

Huệ Minh Sức Khỏe và Đời Sống