TIN THỦY SẢN

An toàn cho vụ nuôi trồng thủy sản mới

Cải tạo ao hồ chuẩn bị vụ nuôi mới Hoàng Triều

Còn hơn một tháng nữa, vụ nuôi trồng thủy sản mới bắt đầu. Nguồn giống và khung lịch thời vụ đã được ngành thủy sản chuẩn bị từ trước nhằm đảm bảo yêu cầu sản xuất.

Lo nguồn giống

Cá dìa được xác định là đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng đầm phá, có giá trị kinh tế cao nên được người dân và các đơn vị chủ động nguồn giống. Ông Võ Văn Chương ở thôn 4, xã Quảng Công (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) nói: “Chuẩn bị cho vụ nuôi mới, tôi cũng như các hộ ở địa phương khai thác, đánh bắt cá dìa giống tự nhiên về ươm nuôi. Đến nay, nguồn giống được chuẩn bị sẵn sàng, đang phát triển tốt sẽ bắt đầu thả nuôi vào đầu năm mới”. Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công-Võ Đông Thi cho biết, ngoài giống cá dìa được người dân chuẩn bị tốt, xã cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân liên hệ mua giống tôm sú, tôm chân trắng ở các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng.

Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, hầu hết các hộ nuôi tôm ở địa phương đều mua giống ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận… Ông Khánh đề xuất, các ban ngành chức năng cần phối hợp với các đơn vị quản lý ở các tỉnh tăng cường kiểm tra các cơ sở giống, chọn cơ sở nào chất lượng đảm bảo thì giới thiệu cho người dân mua. Sau khi giống được mua về, người dân cần liên hệ với Chi cục Thú y tỉnh để được kiểm tra, nếu có dấu hiệu dịch bệnh thì xử lý, hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là tôm giống sau khi mua về không thể để quá thời gian quy định, mà cần phải thả ngay nên việc theo dõi, kiểm tra dịch bệnh trước khi thả nuôi là rất khó. Vì vậy, khâu chọn giống, kiểm tra tại chỗ là rất quan trọng, cần giám sát chặt chẽ.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, chất lượng tôm giống chỉ ở mức tương đối, chưa thật sự tốt do hoàn toàn phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng ở ngoại tỉnh. Trước đây, nguồn giống được người dân liên hệ mua qua điện thoại, sau đó được đơn vị cung ứng vận chuyển đến tận nơi nên chất lượng không đảm bảo. Vụ nuôi mới này, ngành thủy sản yêu cầu người dân đến liên hệ trực tiếp tại các cơ sở giống để có sự chọn lựa, theo dõi một vài ngày trước khi mua về thả nuôi. Đối với cá dìa, diện tích dự kiến khoảng 3.940 ha, toàn tỉnh cần 5 triệu con giống cá dìa, song đến nay các đơn vị cung ứng giống và người dân các địa phương đã ươm nuôi trên 10 triệu con, tỷ lệ sống đạt 70 - 80%. Các loại giống cá đối, hồng Mỹ, chẽm, mú, cua xanh… hiện nay được các đơn vị sản xuất đảm bảo nhu cầu nuôi trên địa bàn tỉnh.

Đảm bảo khung lịch thời vụ

Khung lịch thời vụ đảm bảo là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định thắng lợi trong nuôi trồng thủy sản. Ông Võ Văn Chương ở xã Quảng Công cũng như nhiều người dân cho rằng, sẽ luôn tuân thủ đúng khung lịch thời vụ theo quy định của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Ông Chương cho hay, tôm trên cát thường nuôi hai vụ/năm, thả nuôi từ tháng 1, kết thúc giữa tháng 5; từ tháng 5, 6, 7 ngừng nuôi và bắt đầu từ tháng 8 thả nuôi vụ tiếp. Đối với nuôi tôm đầm phá chỉ một vụ, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9. Tùy theo điều kiện tự nhiên, thời tiết của từng vùng để chọn thời điểm thả giống nuôi hợp lý. Ngành thủy sản không khuyến khích vụ nuôi phụ, nhưng tùy điều kiện từng vùng có thể nuôi tôm, hoặc chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản thủy sản phù hợp.

Nuôi tôm trên cát đang được các địa phương quan tâm, song cần siết chặt hơn khâu quản lý sản xuất an toàn. Ngành thủy sản khuyến cáo nên giảm mật độ giống thả nuôi đối với tôm trên cát, trung bình từ 100 - 150 con/m2. Ngoài việc tăng kích cỡ, năng suất tôm, ngành thủy sản chú trọng hướng dẫn, vận động người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, bằng việc ứng dụng công nghệ sạch, hạn chế sử dụng kháng sinh. Các loại vật tư phục vụ sản xuất phải nằm trong danh mục cho phép, có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Quá trình nuôi, người dân chỉ nên sử dụng men vi sinh, chế phẩm sinh học, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Minh Đức yêu cầu, ngoài khung lịch thời vụ phải đảm bảo, các hộ nuôi cần tuân thủ các điều kiện, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật theo quy định. Trước khi thả giống, ao nuôi phải được cải tạo, xử lý đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Các địa phương cần làm tốt công tác quản lý môi trường, thường xuyên quan trắc nguồn nước trước khi đưa vào ao hồ nuôi trồng. Việc kiểm tra, giám sát cộng đồng trong quá trình nuôi phải được tăng cường, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh. Người dân không nên dấu dịch, khi phát hiện có giấu hiệu thủy sản bị bệnh phải báo ngay đến cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan diện rộng gây thiệt hại lớn.

Theo kế hoạch, vụ thủy sản đến, toàn tỉnh nuôi khoảng 4.500 ha tôm, kể cả trên cát và đầm phá; 2.200 - 2.300 ha cá nước ngọt và nuôi xen ghép khoảng 3.952 ha. Ngành thủy sản chọn các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất, như tôm chân trắng, cá mú, cá hồng Mỹ, chẽm, đối, cua, dìa, kình… Nuôi cá trên các hồ chứa là điểm mới trong vụ nuôi thủy sản năm 2016 được ngành thủy sản quan tâm. Theo đó, ngành hướng dẫn các địa phương khai thác tiềm năng, tổ chức nuôi cá nước ngọt tại 10 hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh…

Hoàng Triều Báo Thừa Thiên Huế, 16/12/2015