Ba ba trị bệnh xương khớp
Ba ba không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bổ dưỡng can huyết, giúp quý ông mạnh mẽ... mà còn có tác dụng tốt trong bệnh xương khớp.
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt ba ba vị ngọt, tính bình, là thực phẩm rất thích hợp cho những người bị bệnh lao phổi, lao ngoài phổi, viêm gan mạn tính, xơ gan, đái đường, viêm thận, các bệnh lý ác tính sau khi dùng hoá trị liệu...
Theo dinh dưỡng học hiện đại, trong mỗi 100g thịt ba ba có 80g nước, 16,5g protit, 1,0g lipit, 1,6g carbohydrate, 107mg Ca, 135g iốt, 1,4mg Fe, 0,62mg vitamin B1, 0,37mg vitamin B2, 3,7mg nicotinic axit, 13 đơn vị quốc tế vitamin A...
Ngoài ra, còn có chứa các chất khác như keo động vật, keratin (chất sừng), vitamin D... Mai ba ba có chứa keratin, chất đạm, vitamin D và iốt.
Lưng đau, gối mỏi: Ba ba 1 con, kỷ tử 30g, hoài sơn 30g, nữ trinh tử 15g. Ba ba làm sạch, chặt miếng, đem hầm nhừ cùng với các vị thuốc, khi chín bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, ăn nóng.
Công dụng: chữa chứng can thận hư tổn, lưng gối đau mỏi, đầu choáng mắt hoa, di tinh...
Lao xương khớp: Ba ba 1 con, tri mẫu 15g, bối mẫu 15g, ngân sài hồ 15g, hạnh nhân 15g. Ba ba làm sạch, chặt miếng, đem hầm nhừ với các vị thuốc, khi chín bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Công dụng: Dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế chỉ khái, dùng để chữa các bệnh lý đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản mạn tính, lao phổi, lao xương khớp... thuộc thể phế thận âm hư. Hoặc máu ba ba có tác dụng chữa liệt dây thần kinh VII ngoại vi, lao xương khớp, trẻ em sốt rét, bị cam xài...
Đau nhức trong xương: Mai ba ba tẩm giấm nướng, tán thành bột uống với rượu. Công dụng: Chữa các chứng bệnh như lao lực quá độ, hao gầy, đau nhức trong xương, tiểu tiện ra sỏi, tích huyết sinh hòn cục...
Lưu ý: Những người có thể chất hư hàn không nên ăn nhiều thịt ba ba, nếu dùng thì phải phối hợp với các gia vị có tính ấm nóng và có công dụng kích thích tiêu hoá. Phụ nữ có thai và những người tỳ vị hư hàn biểu hiện bằng các triệu chứng như người gầy, sắc mặt nhợt nhạt, dễ mệt mỏi, bụng đầy, chậm tiêu, miệng nhạt, chán ăn, tay chân lạnh và buồn mỏi, đại tiện lỏng nát hoặc sống phân, chất lưỡi nhợt và có vết hằn răng... thì không nên dùng ba ba. Theo kinh nghiệm dân gian, không nên ăn thịt ba ba với kinh giới vì sẽ sinh lở ngứa.