Bạc Liêu: Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD
Giá tôm nguyên liệu đang ở mức cao, người nuôi tôm phấn khởi, mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi. Qua đó, tỉnh Bạc Liêu kỳ vọng xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD.
Năm 2020, tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng nhờ chủ động, linh hoạt ứng phó nên năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh tăng, xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững đã góp phần cho những thành công ngoài mong đợi của ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu năm qua.
Đặc biệt, giá tôm nguyên liệu từ tháng 10/2020 cho đến thời điểm này vẫn giữ mức cao đó là những tín hiệu khả quan, khiến cho người nuôi tôm tại Bạc Liêu tiếp tục mạnh dạn đầu tư vụ tôm mới.
Hiện nay, tôm thẻ loại 100 con/kg có giá 100.000 đồng/kg, tôm thẻ loại lớn cũng đang ở mức cao như thẻ loại 60 con/kg có giá 126.000 đồng/kg, loại 50 con/kg có giá 135.000 – 140.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá 145.000 – 150.000 đồng/kg và loại 30 con/kg, có giá 170.000 – 175.000 đồng/kg.
Với giá tôm hiện tại lợi nhuận thu được tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó, tôm ở mức cao cũng giải tỏa nhiều khó khăn về nguồn vốn cho người nuôi tôm trong thời gian qua và tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi tiếp tục đầu tư, sản xuất vụ tôm mới.
Ông Lý Văn Thao, nông dân nuôi tôm ngụ tại xã Điền Hải, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết: Trước đó, nếu 1 tấn tôm thu hoạch giai đình tôi chỉ có lãi khoảng 40 triệu đồng, thì thời điểm này 1 tấn tôm gia đình tôi có lãi đến 80 triệu đồng. Do thời điểm đó tôm không xuất khẩu được nên thương lái mua với giá rẽ, nhưng vẫn có lãi khoảng 40% tổng số tiền đầu tư.
“Thời điểm này, giá tôm vẫn ổn định giữ mức 160.000/kg, trừ các chi phí tôi cũng lãi khoảng 80 .000 đồng/kg, tương đương với 80 triệu đồng/tấn tôm”, ông Thao phấn khởi cho biết.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ người nuôi tôm đạt kết quả cao trong vụ nuôi trồng tiếp theo, ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu đã tích cực đẩy mạnh các giải pháp đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, phục vụ nuôi trồng thủy sản như: thủy lợi, giao thông và lưới điện…hướng dẫn nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ nuôi trông thủy sản năm 2021.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý về chất lượng vật tư nông nghiệp, tang cường công tác kiểm, dịch kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản. Tiếp tục theo dõi công tác điều tiết nước thực hiện quan trắc đánh giá nguồn nước, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Đối với vùng đệm và vùng nuôi trồng trọng điểm, đặc biệt là thực hiện hiệu quả những đề án hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho vùng nuôi gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Nguồn nuôi tôm lựa chọn những con tôm giống chất lượng thả nuôi. Ảnh: Trọng Linh.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Để ngành nuôi trồng thủy sản năm 2021 tiếp tục đạt kết quả cao, tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp đầu tư xây dựng hạ tầng từ phục vụ nuôi đến việc thực hiện tốt việc điều tiết nước và quản lý chặt vât tư đầu vào, nhất là chất lượng con giống giúp người nuôi tôm sản xuất được thuận lợi và ổn định hơn.
Theo ông Ly, thời quan qua ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu tiếp tục mở nhiều cuộc hội thảo, tập huấn tuyên truyền cho bà con nông dân, thứ hai là hướng dẫn những hộ nông dân nòng cốt đi tham quan những mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Đồng thời xây dựng trực tiếp những mô hình trình diễn đối với tôm thẻ chân trắng, tôm sú nuôi trong điều kiện biến đỗi khí hậu.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản tỉnh tạo điều kiện cho địa phương thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm thúc đẩy chuỗi liên kết hiệu quả từ vật tư đầu vào đến thị trường đầu ra.
Có thể nói, với những tín hiệu khả quan của thị trường đầu năm 2021 cùng với những giải pháp hỗ trợ sản xuất hiệu quả của ngành chức năng cùng với những kiến thực kinh nghiệm nuôi tôm của người dân doanh nghiệp.
Tháng 7/2020, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước”. Đây là một trong những nền tảng để Bạc Liêu tiếp tục đầu tư hạ tầng, nguồn lực để đảm bảo đề án được hiệu quả, đó được xem là một trong những giải pháp dài hạn góp phần tạo động lực cho ngành tôm của tỉnh Bạc Liêu nói riêng, ngành tôm của ĐBSCL và cả nước nói chung ngày càng phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
Năm 2020, sản lượng sản xuất giống trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đạt hơn 34 tỷ post, trong đó, tôm sú đạt 12 tỷ con và tôm sú chân trắng 22 tỷ post, đã đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu người nuôi trong tỉnh, đồng thời cho các tỉnh trong khu vực.
Mong rằng, năm 2021 Bạc Liêu sẽ đạt được những kết quả về năng suất, sản lượng cũng như lợi nhuận trong nuôi trồng thủy sản. Về mặt đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn tôm nguyên liệu và hiện đại hóa trong chế biến xuất khẩu tôm đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong và ngoài nước sẽ giúp cho ngành tôm của Bạc Liêu đạt cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây cũng là những nền tảng quan trong để Bạc Liêu vượt qua khó khăn, vương tới khả năng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD trong năm 2025.