Bàn giải pháp hạn chế tổn thất chất lượng cá ngừ đại dương của nghề câu đèn
Sáng 13-7, tại TP. Nha Trang, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm bàn giải pháp hạn chế tổn thất chất lượng cá ngừ đại dương của nghề câu đèn (câu tay kết hợp ánh sáng). Tham dự buổi tọa đàm ngoài lãnh đạo Hiệp hội cá ngừ Việt Nam còn có các nhà quản lý đến từ 3 tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định; các nhà khoa học; các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương, ngư dân khai thác cá ngừ đại dương của 3 tỉnh trên.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe và cùng nhau thảo luận về hiện trạng nghề câu cá ngừ đại dương bằng câu tay kết hợp ánh sáng hiện nay; kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) về chất lượng cá ngừ nghề câu đèn; nghề câu tay cá ngừ đại dương ở một số nước lân cận; chất lượng cá ngừ câu tay ở Việt Nam và các giải pháp nâng cao chất lượng…
Theo đó, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng, trong đó công nghệ khai thác, công nghệ bảo quản là 2 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến chất lượng cá khai thác được. Trên cơ sở này, các nhà khoa học đã khuyến cáo ngư dân nên có 1 số thay đổi trong việc thu câu, cách thức đưa cá lên khoang tàu, giết cá, xả máu, ngâm hạ nhiệt trước khi đưa vào bảo quản…
Hiện, trên địa bàn 3 tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định có hơn 1.200 tàu câu cá ngừ đại dương, trong đó có hơn 60% tàu thuyền hoạt động nghề câu tay kết hợp ánh sáng; 5 tháng đầu năm 2013, sản lượng cá ngừ đại dương của Việt Nam khai thác được hơn 10.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt hơn 270 triệu USD. Riêng Khánh Hòa hiện có 130 tàu thuyền khai thác cá ngừ đại dương, sản lượng khai thác đến thời điểm này hơn 2.000 tấn.