TIN THỦY SẢN

Bát nháo giống thủy sản: Mầm họa của người nuôi tôm Bình Định

Vũ Đình Thung

Người dân xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước (Bình Định) đang choáng váng vì tôm thả nuôi mới hơn nửa tháng đã lăn đùng ra chết hàng loạt. Có lô giống vừa mua chưa kịp thả, tôm đã chết lủ khủ.

Tôm còn lại trong ao của ông Trung tiếp tục chết mỗi ngày

Né giống chợ đen vẫn lâm nạn

Trong số khoảng 30 ao tôm thả giống mua của Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (Cty CP) bị “chết yểu”, lô giống 600.000 con của ông Mai Đình Trung (SN 1960) ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng đã có tôm chết ngay trong túi đựng khi vừa chở từ Cty về.

“Tui không bao giờ mua giống chợ đen, giống trôi nổi... dù giá chỉ 22 đ/con. Ngay cả giống của Cty có thương hiệu như Việt Úc giá chỉ 79 đ/con tui cũng không mua. Tôi chỉ tin dùng giống của Cty CP vì nghĩ nó sạch bệnh, dù giá cao đến 82 đ/con, chưa tính tiền vận chuyển tui vẫn mua. Vậy mà không ngờ bị dính nạn”, ông Trung than thở..

Theo ông Trung, ngày 26/2 vừa qua, đích thân ông ra tận Cty CP ở xã Mỹ An (Phù Mỹ) mua giống tôm thẻ chân trắng. Vừa chở về đến ao, mở túi đổ tôm ra chuẩn bị thả thì thấy rất nhiều con giống bị chết. Ngay lúc đó ông gọi điện cho người đại diện của Cty CP tại TP Quy Nhơn. 1 giờ sau, ông Giáp (người đại diện của Cty) có mặt tại ao nuôi của ông Trung. Trước khi lên ao nuôi, ông Giáp dặn ông Trung để lại 5 túi tôm giống để kiểm tra.

Ông Giáp đã cùng con trai ông Trung đếm tôm chết trong 1 túi lên đến 500- 600 con. Ông Giáp gọi điện khẩn báo tình hình cho Cty CP liền lúc đó. Sau đó, Cty gọi điện cho ông Trung thông báo sẽ gửi 161.000 con giống để bù vào khoản tôm chết trong số 441 túi giống mà ông Trung vừa mua, đồng thời không tính thêm tiền.

“Vì cho rằng do chất lượng tôm giống kém phẩm chất đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, đẩy gia đình vào cảnh khó khăn nên ông Mai Đình Trung quyết định gửi đơn đến các cấp ngành TƯ, UBND tỉnh cùng các cấp ngành liên quan trong tỉnh Bình Định khởi kiện Cty cung ứng giống tôm”.

Ngoài ra, đại diện của Cty CP còn dặn ông Trung là đừng nói với ai về chuyện tôm giống bị chết ngay trong túi. Đến ngày 29/2, 161.000 con tôm giống “bù chết” kia được gửi từ xã Mỹ An vào đến ao nuôi của ông Trung.

“Thế nhưng sau khi thả xong 2 đợt tôm giống, cả tôm mua lẫn tôm bù, cò bỗng đâu kéo về đậu trắng quanh ao nuôi của tui. Lũ cò tinh lắm, đánh hơi có mùi tôm chết là bâu về chờ rỉa ăn. Biết là có điềm chẳng lành. Quả nhiên, 7 ngày sau thấy tôm chết nổi trắng trên mặt nước”, ông Trung bức xúc.

Ngoài trường hợp ông Trung, 30 ao nuôi còn lại mua giống Cty CP thả tôm hơn nửa tháng cũng đồng loạt chết trắng hồ. Chi cục Thú y Bình Định lên lấy mẫu tôm chết tại hồ ông Trung về xét nghiệm, kết luận tỷ lệ Vibrio trong tôm tại ao nuôi là 3.500/1.000 (ngưỡng thích hợp) gây triệu chứng tôm yếu, tấp mé rồi chết.

Ngoài vòng kiểm soát?

Có điều lạ lùng là trong “Giấy chứng nhận Kiểm dịch thủy sản-sản phẩm thủy sản vận chuyển trong nước” số 000006/CN-KDTS (ngày 26/2/2012) của Chi cục Thú y Bình Định cấp cho 441 túi tôm giống thẻ chân trắng (tên khoa học P.Vannamei) có số lượng 600.000 con, dạng sản phẩm post mà ông Trung mua của Cty CP, do chủ hàng tên Phan Châu Thạnh ở xã Phước Thắng cung ứng, được chứng nhận là không có dịch bệnh, lô hàng đạt yêu cầu xuất. Nhưng tại mục 3 thể hiện nguồn gốc mẫu kiểm tra, xét nghiệm của cơ quan có trách nhiệm thì bị bỏ trống. Không có số kết quả xét nghiệm, ngày xét nghiệm và đơn vị nào xét nghiệm (?).

Ông Trung thẩn thờ bên ao tôm của mình.

Suốt ngày 28/3, Cty CP cử cán bộ về đồng tôm Đông Điền khảo sát mức thiệt hại của các ao tôm để định mức bồi thường khoản chi phí cho người nuôi. Ông Trung cho biết: “Mặc dù cho đến giờ họ vẫn chưa đưa ra kết quả xét nghiệm nhưng riêng trường hợp của tui, Cty CP chấp nhận chi trả 50% chi phí tiền giống (25 triệu đồng). Trong khi đó, tính tổng chi phí từ công cải tạo hồ, mua giống, thức ăn, dầu chạy máy, công chăm sóc... cho đến ngày 20/3 đã đi đứt gần 150 triệu đồng. Do không thỏa đáng nên tui không nhận khoản tiền nói trên của Cty CP”.

Ông Võ Đình Tâm- Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định cho biết: “Hiện diện tích nuôi tôm toàn tỉnh hàng năm ổn định vào khoảng 2.300 ha. Nhu cầu về tôm giống mỗi năm khoảng 300 triệu giống tôm sú và từ 800- 900 triệu giống tôm thẻ chân trắng”. Thế nhưng ngành chức năng tỉnh này không có đơn vị SX tôm giống chính thống.

Ông Trần Văn Phúc- GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định-cho biết thêm: “Gọi là trung tâm giống nhưng chúng tôi không SX tôm giống, mỗi năm chỉ SX khoảng 14 triệu con giống thủy sản nước ngọt các loại. Trước đây, trung tâm cũng có làm tôm giống với quy mô khoảng 1 triệu con giống tôm sú/năm, thế nhưng sau đó do cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng quá nên đành chấm dứt. Chúng tôi đã xây dựng dự án nuôi tôm giống nhưng đến giờ vẫn chưa tìm ra địa điểm. Muốn xây dựng cơ sở vật chất hoàn chỉnh để nuôi tôm chúng tôi cần phải có từ 5- 10 ha đất gần biển, thế nhưng “rờ” đến đâu là bị “đụng” các dự án du lịch và nuôi tôm trên cát đến đó”.


Giấy kiểm dịch lô tôm giống của ông Trung không được thể hiện rõ ràng.

Hiện nay, người nuôi tôm ở Bình Định đều trông chờ vào nguồn giống từ Cty CP, Cty Việt Úc với năng lực SX 3 tỷ tôm giống/năm và khoảng 300 trại nuôi tư nhân với khoảng 300 triệu con giống/năm.

Thực tế vừa xảy ra với những hộ nuôi tôm ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng cho thấy, nguồn tôm giống được cho là sạch bệnh nhất, khi mua có giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng đàng hoàng nhưng vẫn “tử vong” khi vừa chở về đến ao nuôi đã khiến mọi niềm tin về tôm giống đã bị đổ vỡ trong lòng người nuôi tôm ở tỉnh này.

Vũ Đình Thung