Bình Đại: Tăng cường quản lý dịch bệnh tôm nuôi những tháng cuối năm 2017
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những tháng cuối năm các yếu tố môi trường bất lợi còn tiếp tục xảy ra, nên sẽ tạo nhiều cơ hội cho dịch bệnh phát sinh hơn. Vì vậy, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi những tháng cuối năm cần được tập trung thực hiện trong thời gian này.
Theo kế hoạch năm 2017, tổng diện tích thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh toàn huyện là 4.500 ha. Tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã thả nuôi được 4.750ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ngoài diện tích thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, bà con nông dân ở một số khu vực còn thả nuôi tôm ruộng lúa được 492ha, nuôi tôm quãng canh và quãng canh xen rừng 9.104ha, chủ yếu ở các xã Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức.
Tuy nhiên trong quá trình nuôi đã có 510ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm hơn 10% diện tích thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Các diện tích tôm thả nuôi bị thiệt hại tập trung nhiều ở các xã Thạnh Trị, Thạnh Phước, Bình Thới, Định Trung. Trong đó, tôm thiệt hại chủ yếu là bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được hơn 20.324 tấn tôm thương phẩm.
Nhìn chung, qua khảo sát đánh giá về hiện trạng tôm thiệt hại không chỉ bởi do yếu tố thời tiết, môi trường, mà chất lượng con giống cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả nuôi tôm của người dân.
Nhằm quản lý chặt chẽ tình hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh vào những tháng cuối năm 2017, với mục tiêu đảm bảo chỉ tiêu sản lượng tôm nuôi và giảm thấp nhất tỷ lệ thiệt hại tôm nuôi bị dịch bệnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Từ nay đến cuối năm, huyện chỉ đạo ngành chuyên môn huyện tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tỉnh tăng cường quản lý, kiểm tra việc sản xuất tôm giống trên địa bàn huyện, phối hợp với ngành chăn nuôi và thú y huyện xác định bệnh tôm nuôi trong vùng quy hoạch để hỗ trợ hóa chất chlorine xử lý mầm bệnh kịp thời không để lây lan.
Đồng thời, cũng rất cần sự tự ý thức của người nuôi trong chủ động phòng chống dịch bệnh, thành thật khai báo khi tôm nuôi có dịch, không xả thải nguồn nước tôm nhiễm bệnh ra môi trường tự nhiên, để bảo vệ môi trường chung.