Cà Mau: Không để đầm tôm công nghiệp bị bỏ hoang
Cà Mau hiện có hơn 9.200 ha nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên, diện tích đang thả nuôi tôm chỉ khoảng hơn 40%, còn lại đa phần là bị bỏ trống. Một số hộ nuôi tôm công nghiệp ở huyện Phú Tân đã tận dụng những đầm tôm bỏ hoang để nuôi các loài thuỷ sản như cua, cá kèo, mở ra hướng phát triển mới, vừa tránh lãng phí tài nguyên đất, vừa tăng thu nhập, ngăn mầm bệnh lây truyền từ vụ này sang vụ khác.
Qua nhiều vụ nuôi tôm thất bại, bà Hà Hồng Nhung, ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân thử thả nuôi 1.500 con cua vào đầm tôm bị bỏ hoang. Sau 4 tháng nuôi thử nghiệm, bà thu hơn 20 triệu đồng tiền lãi từ lứa cua đầu tiên. Hiện tại, hộ bà Nhung có 10 ao nuôi tôm công nghiệp, trong đó chỉ còn 1 ao thả nuôi tôm sú, những ao còn lại bà tận dụng thả cua. Đến thời điểm này, cua phát triển tốt, dự kiến với giá cua như hiện nay thì mỗi ao 1.500 m2 bà Nhung có thể thu hoạch được 20 triệu đồng tiền lời.
Cua có đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh và đặc biệt là có thể tạo phì nhiêu cho đất để có thể tiếp tục vụ nuôi tôm sú tiếp theo. Lựa chọn nuôi cua và những vật nuôi khác trong ao đã nuôi tôm công nghiệp thất bại đang là giải pháp được nhiều người dân ở huyện Phú Tân thực hiện. Ông Ngô Văn Lương, Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Phú Tân, cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện nay đã có một số hộ chuyển sang đối tượng nuôi khác như nuôi cua, cá kèo trong ao. Mục đích là tăng thêm thu nhập trong khi chờ giá tôm nguyên liệu ổn định. Trạm cũng đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông - khuyến ngư cơ sở rà soát và tuyên truyền bà con không nên bỏ đầm trống một cách lãng phí. Nuôi đối tượng khác thì ngắt vụ được, không có dịch bệnh kéo dài. Mặt khác, nuôi cua, cá kèo hoặc sò huyết cũng có giá trị kinh tế cao, có thể tăng thêm thu nhập trong lúc chờ giá”.
Có kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp nhiều năm ở tỉnh Bạc Liêu, nhưng bà Võ Hồng Chí vẫn không thoát khỏi sự thất bại do tôm chết hàng loạt. Vợ chồng bà Chí khăn gói xuống ấp Tân Quảng, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân lập nghiệp với nghề nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên, sau nhiều vụ nuôi thua lỗ, bà Võ Hồng Chí đã chuyển sang nuôi cá kèo với diện tích ao nuôi hơn 1.000 m2. Cá kèo phát triển tốt và đã mang về lợi nhuận hơn 40 triệu đồng sau vụ nuôi đầu tiên của gia đình.
Theo dự định của bà Chí, năm 2016 bà sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá kèo ra diện tích lớn hơn. Bà Võ Hồng Chí cho biết thêm: “Do điện không áp giá được, đầm nhỏ, cộng với giá thức ăn cao quá nên tính ra vụ đó tôi lỗ công chăm sóc. Thấy cá kèo dễ nuôi nên tôi thả nuôi thử, vậy mà lời hơn 40 triệu đồng. Vụ tới tôi tính cuốc hết diện tích để làm 3 đầm nuôi cá kèo luôn. Như vậy thì mỗi năm tôi chỉ nuôi 1 vụ tôm, còn lại nuôi các loài thuỷ sản khác sẽ ăn chắc hơn”.
Nuôi tôm công nghiệp thâm canh với mật độ cao sẽ làm cho nguồn nước và đất bị ô nhiễm, dư lượng thuốc kháng sinh và dịch bệnh tồn lưu trong đất nhiều. Từ đó, dịch bệnh có thể lây truyền từ vụ nuôi này sang vụ khác và tôm bị chết triền miên. Hình thức nuôi các loài thuỷ sản khác như cua, cá kèo để cắt vụ giảm sự lưu truyền dịch bệnh là giải pháp hữu hiệu để cho vụ nuôi sau chắc chắn hơn. Mặt khác, những đầm tôm bị nhiễm bệnh có thể chọn nuôi các loài thuỷ sản khác để tăng thu nhập, tránh tình trạng bỏ đất hoang. Đây được xem là giải pháp tình thế hiệu quả nhất được ngành chức năng khuyến cáo và được chứng minh thực tiễn qua nhiều vụ nuôi của các hộ dân trong huyện Phú Tân./.