Cá tra có bước qua lời nguyền?
Không hiểu vì sao người ta chỉ lấy philê, những thứ còn lại xem như đồ phế thải và cũng không hiểu vì sao thị trường xuất khẩu không có đối thủ nào địch lại, vậy mà con cá tra cứ lận đận!
Thăng trầm, lận đận
Ông Út, dân nuôi cá ở cù lao Tân Đông, quận Thốt Nốt (Cần Thơ), nói: Hồi đầu năm 2009 mới nối đường bay Hà Nội – Cần Thơ, tôi bỏ tiền mua vé đi máy bay cho biết. Từ trên cao nhìn xuống đất ven sông chỉ thấy lấp loáng ao nuôi cá tra. Bè cá mất thế so với ao nuôi rồi.
Đến năm 2008, ĐBSCL có 6.160 ha nuôi cá tra, sản lượng 640.830 tấn; kim ngạch xuất khẩu cá tra lần đầu tiên 1,453 tỷ USD, chiếm 32,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Lúc đó không có gì cản nổi người nuôi và các tỉnh đồng bằng hè nhau nuôi cá. Ngân hàng nhảy vô cho vay, có người còn mua đất nuôi cá, móc ráp với nhà máy để lo đầu ra.
Chủ tiệm vàng, cán bộ cũng nuôi cá và có con gái thì trông kỹ sư thủy sản nào được mắt là gả bắt rể để lo chuyện nuôi cá chắc ăn. Những tỉnh xưa nay không nuôi cá và người ta vỗ tay, đưa vào nghị quyết nuôi cá, nhưng lại không đo lường được phản ứng thị trường, cũng không tạo ra một đội hình tinh nhuệ làm hàng xuất khẩu nên 2 năm sau - khủng hoảng thừa lần đầu tiên.
Mọi hoạt động lại lắng xuống. Nhưng chưa bỏ chạy khi giá cả như kích thích tố đẩy phong trào lên. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra 1,8 tỷ USD. Năm sau giảm chút ít (1,74 tỷ USD). Lúc đó mục tiêu quốc gia vẫn phấn đấu 2 tỷ USD.
Năm 2013 lần đầu tiên ngành hàng cá tra không đặt mục tiêu tăng trưởng cao, nhưng lạ thay, bất chấp mức áp thuế sau vụ kiện, sản lượng cá tra vào thị trường Mỹ vẫn tăng trong khi thị trường EU sụt giảm.
Ông Út còn nhớ lần đi dự cuộc họp của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2013 đạt 6,5 tỷ USD (kể cả tôm), trong đó tôm dẫn đầu và cá tra xếp sau gần bằng mức năm 2012.
Một du học sinh ở Bỉ kể, những hội chợ thủy sản ở châu Âu, các doanh nghiệp (DN) thuê chúng tôi phiên dịch và thấy thật lạ, nhiều DN, nhất là DN thương mại sẵn sàng hạ giá để ký hợp đồng và hợp đồng đó trở thành giá để đối tác mặc cả kéo giá xuống.
Cá tra, thoạt đầu với diện tích, sản lượng chỉ hơn nửa triệu tấn có vẻ êm xuôi, nhưng khi “nở nồi” thì tự giẫm đạp lên nhau? Các nhà phân tích kinh tế nghề cá, các doanh nhân chuyên chế biến xuất khẩu báo động về những hệ lụy do tăng trưởng “nóng”, thiếu quy hoạch và không thể kiểm soát được sản lượng. Lúc đó nạn ô nhiễm môi trường bắt đầu trở thành vấn nạn chứ không chỉ là gánh nặng từng khu vực.
Trăn trở
Trên thế giới, cá da trơn phân bố có chọn lọc, riêng sông Mekong nhận món quà do thiên nhiên ưu ái ban tặng. Cá tra có sức vẫy vùng lớn nhanh vào hàng độc nhất vô nhị. Và, có lẽ chỉ có ĐBSCL là nơi chọn lựa khôn ngoan loài cá có giá trị thương mại trong khi các nước khác đã làm nhưng không theo kịp khi Việt Nam tăng tốc.
Giám đốc một DN xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ nhớ lại: So giai đoạn 2002-2005, hiện thời các DN tăng hơn 15 lần, nhưng chỉ có 70 DN có nhà máy chế biến và hơn quá bán là DN kinh doanh thương mại. Không hiểu họ học ở đâu mà các DN “ngồi một chỗ mua bán trên mạng” lại đặt hàng mạ băng dày hơn, giảm giá lẹ hơn để triệt hạ sức lực của ngành hàng này.
Năm 2013 diễn ra hàng chục cuộc hội nghị, hội thảo trong nước, những cuộc đối thoại của người trong cuộc vẫn không vạch ra được hướng tiến lên và cũng không thoát được vũng lầy. Kiểu làm ăn táng tận lương tâm vẫn ngang nhiên hoành hành và triết lý lẫn đạo đức kinh doanh bị đặt dưới phần giảm giá hoặc phải chấp nhận giảm giá khi mạ băng – kiểu làm ăn thô thiển và tham lam.
Nhà DN chế biến cá tra tiếc nuối: Hơn 10 năm trước, cá phi-lê mạ băng để bảo quản theo tiêu chuẩn và chỉ cần 5% là đạt yêu cầu, giá bán ổn định 3,8 USD/kg. Có DN bán phi-lê không mạ băng sang Anh, Pháp, Đức... với giá 4 USD/kg. Nhiều siêu thị bán lại với giá 6-7 Euro/kg.
Tại Mỹ, trong năm qua giá phi lê giảm còn mức 3 USD/kg, có DN bán tới 6,6-6,8 USD/kg. Trong khi đó một số DN bán dưới 2 USD/kg, thậm chí 1,21 USD/kg khiến mọi thứ phá sản.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (Cần Thơ), người đã gởi thư giãi bày tình cảnh dân nuôi cá tra với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thở than: “Xuất khẩu mà bán rẻ sản phẩm nông nghiệp là coi thường sức lao động, sức sáng tạo của nông dân, chỉ làm còng lưng thêm vì nợ nần trĩu nặng, là bán rẻ tài nguyên thiên nhiên, mà tài nguyên thiên nhiên không là vô tận”.
Suốt năm 2013, giá cá nguyên liệu chưa vượt mức 25.000 đồng/kg. Người nuôi cầu mong bán được giá đó, kiếm lời 2.000 đồng/kg, nhưng không dễ dàng gì đạt được khi cơ chế điều hành, giải pháp khơi thông dòng vốn, làm ăn liên kết... vẫn còn bất động.
Vận hội
Cuối cùng, tháng 3/2013 Hiệp hội Cá tra VN ra đời sau 4 năm vận động và sự đồng thuận từ lãnh đạo các tỉnh mạnh về sản lượng cá tra. Mục tiêu từ 2013 đến 2015: Sản lượng cá tra nguyên liệu 1,2 - 1,5 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2,25 tỷ USD, tạo việc làm ổn định cho 23.000 lao động và việc nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra không còn lận đận.
Ở một góc khác, chương trình nuôi trồng thủy sản thuộc Sustainable Fisheries Partnership (SFP) phối hợp cùng Khoa Thủy sản trường Đại học Cần Thơ từ năm 2007 đến nay đã nhiều lần tổ chức hội thảo đối thoại với người nuôi cá tra, DN chế biến cá tra với hy vọng hình thành tiếng nói chung, xây dựng hệ thống sản xuất ở cấp vùng và tìm giải pháp khi sản xuất gặp bất lợi do biến đổi khí hậu.
Trong một cuộc điện đàm từ Cần Thơ với ông Huw Thomas, giám đốc thủy sản nuôi và đánh bắt thuộc siêu thị Morrisons, Anh quốc, cho thấy: Morrisons là thành viên Hiệp hội Thủy sản bền vững toàn cầu, hiện có 475 siêu thị phục vụ 11,5 triệu khách hàng, doanh thu 30 tỷ bảng Anh.
Nguyên tắc của siêu thị là sản phẩm phải có chứng nhận, phải làm cho nhà phân phối hiểu rõ nguồn cung cấp, đảm bảo tính hợp pháp, tính chuyên nghiệp trong quản lý của nông trại và tinh thần trách nhiệm của vùng đánh bắt, vùng nuôi. Một điều được xem như bằng chứng tin cậy về chất lượng, chứng nhận quy trình - chuỗi cung ứng là rất quan trọng đối với các nhà nhập khẩu.
Một nhà phân tích kinh tế nói rằng khi kinh tế dựa vào xuất khẩu thì nguồn lực cần tập trung hướng ngoại thay vì hướng nội để rình mò hạ sát nhau. Cuộc chạy đua kiếm tiền của các công ty “mua bán sang tay” và sẵn sàng hạ giá bất kể giá trị lao động của người khác từng đem lại giàu có cho họ và bất chấp gây hại cả cộng đồng.
Thật ra cách làm đó không thể mãi tồn tại được khi người nuôi theo phong trào, treo ao, nhà máy hụt nguyên liệu thì họ cũng chẳng đường để trục lợi.
Các nhà khoa học khẳng định da cá tra có thể làm collogen, xương làm phụ liệu thức ăn gia súc, mỡ làm ra sản phẩm chứa Omega 3..., nhưng mới chỉ mỗi miếng philê đã giẫm chân nhau đẩy cả một ngành hàng lớn của đất nước trong cảnh lao đao.