Cá tra Việt Nam vào Mỹ có bị cản trở?
Theo Dự luật nông trại mới của Mỹ, dự kiến năm 2015 sẽ áp dụng, cá tra Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp nước này. Nhiều người cho rằng đây là rào cản kỹ thuật nhưng không ngăn cá tra Việt Nam vào Mỹ.
Con cá tra liên tục đón "sóng dữ"
Người nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mấy năm qua đã vượt qua muôn vàn khó khăn để có thể bám trụ với nghề, nhiều người tán gia bại sản đã phải bán đất để trả nợ cũng vì con cá tra. Diện tích nuôi, sản lượng cá tra ở ĐBSCL liên tục sụt giảm, năm 2013 chỉ còn 5.700 ha.
Theo dự báo trong năm 2004 sản lượng cá tra sẽ giảm ít nhất 30% so với năm 2013. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An (phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết: “Hiện nay số lượng người nuôi chỉ còn chiếm 10% tổng diện tích nuôi cá tra. Trước thông tin luật nông trại mới của Mỹ có hiệu lực thì người nuôi cũng rất bình thản và sẵn sàng đón nhận thử thách”.
Theo ông Hải, khi đó con cá tra Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ thì phải áp dụng các tiêu chuẩn như sản phẩm cá da trơn của Mỹ từ nuôi cho đến chế biến, xuất khẩu. Nếu tiêu chuẩn về nuôi khắt khe thì nông dân cũng đành chấp nhận thay đổi để tồn tại. Nếu ai không tồn tại sẽ bị loại trừ và khi đó sẽ có lợi cho ngành nuôi cá tra vì chất lượng ngày càng cao. Theo nhận định của ông Hải bây giờ người nuôi nhỏ lẻ ở ĐBSCL đóng góp 10% tổng sản lượng, nhưng khi áp dụng các tiêu chí chất lượng để vào thị trường Mỹ thì người nuôi không biết sẽ còn bao nhiêu.
Nông dân nuôi cá tra Nguyễn Văn Đẹp ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long nói: “Nghe thông tin dự luật nông trại của Mỹ sẽ áp dụng cho con cá tra Việt Nam vào năm tới vào thị trường nước này sẽ khắt khe. Nhiều người nuôi cá lo lắng còn tôi thì vẫn bình thường. Tôi đã từng mất ăn mất ngủ vì con cá trá rồi, nào là giá cá tra nguyên liệu không ổn định, lại liên tục có chiều hướng sụt giảm, hay cá lớn quá cỡ không có người mua… cái cảm giác thua lỗ gần như quá đỗi bình thường rồi”- ông Đẹp tâm sự.
Thay vì hoang mang, hãy chờ đợi và thích nghi
Liên quan đến việc này, ngày 20/2 PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Kịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản CAFATEX Cần Thơ, ông Kịch nói: “Đến bây giờ vẫn chưa rõ các điều kiện cụ thể áp dụng, vì Tổng thống Mỹ mới chỉ ký thông qua trên nguyên tắc và giao Bộ Nông nghiệp ban hành các tiêu chuẩn. Trước kia, FDA (Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ) kiểm tra, kiểm soát thành phẩm. Đến giờ là kiểm soát chuỗi, theo kiểu thịt. Đó là về mặt lý thuyết, còn thực tế sẽ áp dụng thế nào thì chưa ai biết”.
“Trong lúc này chúng ta phải cẩn trọng trước mọi thông tin và nên chờ chứ không nên kết luận sớm. Những người trực tiếp bán cá sang thị trường Hoa Kỳ đều đã biết được khó khăn tới mức độ nào để liệu chừng. Vấn đề là khi áp dụng có chênh lệch, bất công giữa hàng nhập khẩu và nội địa hay không” – ông Kịch nói.
Theo nhiều chuyên gia thì Mỹ sẽ không ngăn được cá tra Việt Nam vào thị trường nước này
Còn ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi, chế biến thủy sản An Giang cho biết: “Luật nông trại của Mỹ được thông qua sẽ tác động bất lợi rất lớn đến nghề nuôi, chế biến cá tra Việt Nam. Nếu áp dụng theo tiêu chí của luật này thì làm cho sản xuất cá tra Việt Nam tốn nhiều chi phí, đội giá thành lên; có thể họ khống chế sản lượng xuất khẩu của Việt Nam để ngành sản xuất cá nheo của Mỹ hồi sinh. Họ chủ yếu dùng rào cản kỹ thuật để ngăn con cá tra Việt Nam vào Mỹ”.
Theo ông Bình, muốn thay đổi các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất một thời gian dài nên gây khó khăn rất lớn vì xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tới 17% tổng lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Khi đó nếu các doanh nghiệp bỏ thị trường Mỹ để quay sang các thị trường khác có thể sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Vấn đề hiện nay theo ông Bình các doanh nghiệp cần “chung vai đấu cật” vì lợi ích chung, vì sự phát triển của con cá tra Việt Nam để vượt qua khó khăn.
Nhiều ý kiến khác thì cho rằng, từ trước đến nay ngành nuôi trồng, chế biến cá tra Việt Nam đã đạt các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế như: HACCP, AQF, Global GAP, ASC... nên việc thay đổi theo tiêu chuẩn, quy trình phía Mỹ sẽ tốn nhiều thời gian nhưng không ngăn được cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ.