TIN THỦY SẢN

Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm

Sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” đang được nhiều hộ nuôi tôm tại ĐBSCL ứng dụng đem tại hiệu quả rõ rệt. Thu Hiền

Đây là sáng kiến được trao giải cao nhất trong cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ 2 được tổ chức vào đầu tháng 6/2018 vừa qua. Cuộc thi do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tạp chí Cộng sản và Tập đoàn điện lực Việt Nam tổ chức.

Sau 9 tháng phát động cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần 2 (từ ngày 25/5/2017-28/2/2018), Ban tổ chức đã nhận được gần 400 sáng kiến của các tác giả và nhóm tác giả với các ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm, ứng dụng khoa học và công nghệ vào các hoạt động thiết thực của cộng đồng.


Vượt qua gần 400 công trình, sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” do Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) Nguyễn Văn Hợp và Phó tổng giám đốc EVN SPC Nguyễn Phước Đức chủ nhiệm đề tài đã được trao giải nhất bởi tính ứng dụng cao, cho hiệu quả cụ thể thiết thực cho cộng đồng.

Sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” được bắt đầu nghiên cứu từ các cán bộ công nhân trực tiếp làm việc tại Công ty điện lực Sóc Trăng - đơn vị thành viên của EVN SPC. Sau khi thu thập kinh nghiệm từ các hộ dân nuôi tôm ở 4 huyện, thị có vùng nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng, các cán bộ ngành điện đã phát triển ý tưởng với mục tiêu làm sao để cho ra được các giải pháp sử dụng điện hiệu quả hơn so với các biện pháp mà người dân đang áp dụng. 

Cụ thể, qua tìm hiểu quy trình sản xuất của người dân, nhóm nghiên cứu nhận thấy việc sử dụng nhiều điện nhất của các hộ nuôi tôm chính là ở dàn quạt nước sục khí oxy trong ao nuôi. Đa số người dân sử dụng các thiết bị không đảm bảo chất lượng, tận dụng các thiết bị đã qua sử dụng, kinh phí đầu tư thấp. Cơ cấu truyền động dùng theo tập quán, không được tối ưu hóa về mặt truyền động. Điều này hoàn toàn có thể thay thế được thông qua sử dụng ổ trục con lăn để nâng đỡ trục truyền động của quạt, đồng thời thay đổi lắp đặt vị trí mô tơ cho đồng trục sẽ đỡ mất lực trong truyền động. Nhóm nghiên cứu đã tính toán về mặt kinh tế kỹ thuật, chỉ cần cải tiến 2 cách làm này so với những gì hiện hữu cũng có thể cho lượng điện tiết kiệm lên tới hơn 30%. Qua thử nghiệm trong năm 2017, với 161 hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng, lượng điện tiết kiệm được hơn 1.450.000 kWh/năm, tương đương gần 2,5 tỷ đồng.

Theo tính toán, với hơn 238MW công suất cần thiết để cấp điện cho các hộ nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long, chi phí đầu tư sẽ khoảng 4.760 tỷ đồng, trong khi để đầu tư sản xuất ra 1MW điện cần khoảng 20 tỷ đồng. Do đó giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm vừa giúp ngành điện tiết kiệm được chi phí đầu tư vừa mang lại hiệu quả trong sản xuất và đời sống sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

 “Sáng kiến vì cộng đồng” là chương trình thường kỳ được tổ chức hai năm một lần, mục tiêu để tìm ra những sáng kiến, ý tưởng, dự án sáng tạo nhằm góp phần thúc đẩy, phát huy sự đóng góp của nhân dân tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, làm giàu cho bản thân và đất nước...

Thu Hiền TCTS