Cận cảnh trại cá "quý tộc" trên đỉnh Tây Côn Lĩnh
Với độ cao trung bình trên 2.000m, những đỉnh núi của dãy Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) quanh năm mây phủ, nơi khởi nguồn cho những dòng nước lạnh giá, chảy len lỏi theo từng khe suối, xuyên qua các bản làng như đùa giỡn với đồng bào dân tộc Tày, Dao sinh sống nơi đây.
Đã bao đời nay, cộng đồng cư dân lấy dãy núi này làm mái nhà chung, họ chỉ biết cam phận chung sống với nguồn nước lạnh mà chưa từng biết nghĩ cách khai thác nó để làm giàu. Nhưng trong vòng ba năm nay, một người con của bản làng Xà Phìn (xã Phương Tiến, huyện Vĩnh Xuyên, Hà Giang), đã mạnh dạn đưa cá hồi nước Nga về nuôi, dần mở ra con đường xoá nghèo cho cộng đồng dân tộc vùng cao nơi đây.
Đột nhập trại cá ở độ cao 2.000m
"Từ đây lên trên trại cá hồi của anh Đặng Văn Chay (SN 1966, người Dao đỏ) khoảng 8km đường núi. Dốc lắm, nhiều ổ gà, con đường chẳng khác cái bẫy hun hút, bởi một bên là núi cao vách đứng và bên kia là vực sâu thăm thẳm. Càng lên cao, dốc càng đứng, khí hậu càng lạnh, càng khó thở. Dạo này, trời hay đổ mưa giông, có khi còn mưa đá nguy hiểm lắm. Dân bản người Tày, người Dao một tháng cần thiết lắm họ mới sắp xếp để xuống núi một lần, các anh ở thành phố sao chịu được”- Một người dân chúng tôi tình cờ gặp ở chân đèo Xà Phìn để hỏi đường cho biết. Chỉ mới nghe qua đủ khiến nhiều người nản chí nhưng với chúng tôi, những PV có sở thích khám phá, khó khăn phía trước càng thôi thúc chúng tôi nhanh chóng lên đường để trải nghiệm.
Sau hai tiếng đồng hồ vật lộn cùng chiếc Dream II, chúng tôi đã chinh phục 8 đoạn đèo dốc và 7 khúc cua tử thần và đặt chân lên tận đỉnh Xà Phìn, đại bản doanh của trang trại cá hồi duy nhất nơi địa đầu Tổ quốc. Đây là một hành trình gian nan, những gì đối mặt đúng như lời miêu tả của người dân chúng tôi may mắn gặp trên đường. Điều khác duy nhất đó là người chúng tôi vã mồ hôi như tắm cho dù thời tiết trên đỉnh núi lúc này rất lạnh.
Quan sát ban đầu, trại cá hồi của anh Chay nằm cạnh vệ đường. Đó là khoảnh đất nhỏ, rộng chừng nửa sào Bắc Bộ, kẹt giữa một bên là vách núi dựng đứng, bên kia là dòng thác đang ào ào đổ xuống vực sâu. Dòng nước lạnh được dẫn vào bể chứa qua một mương nước mà chủ nhân đã rất khéo léo rạch núi dẫn vào. Dòng nước khi chảy vào bể hiền hoà, đối lập hoàn toàn với vẻ hung dữ của thác nước đang ào ào đổ xuống vực sâu cách đó không xa.
Ba bể cá hình tròn, được xếp cạnh nhau, như ba thửa ruộng bậc thang. Theo lời chủ nhân của trang trại giới thiệu, mỗi bể cá chứa gần 2.000 con cá hồi nước Nga. Nhìn những chú cá hồi kiêu căng, vẫy đuôi tung tăng bơi lội trên đỉnh Xà Phìn (cao hơn 2.000m so với mực nước biển) trông rất ngộ. Càng thích thú ngắm nhìn những chú cá bao nhiêu thì chúng tôi càng cảm phục quá trình mà anh Chay đưa được giống cá “quý tộc” này về nuôi thành công bấy nhiêu. Theo như lời kể của anh Chay, đó là một hành trình gian nan không kém những chuyến hành trình kéo dài hàng tháng trời để vượt hàng nghìn km, vượt bao thác đá để trở về nơi chúng được sinh ra.
Đứng cạnh bể đá, ngắm nhìn thành quả lao động của mình đạt được, anh Chay tâm sự rằng, ý tưởng đưa cá hồi về với núi rừng Tây Côn Lĩnh của anh có từ năm 2007. Hồi đó, một lần anh được xem phóng sự phát trên chương trình VTV2 phản ánh mô hình nuôi cá hồi thành công của bà con dân tộc ở Sapa (Lào Cai). Mắt anh dõi theo mỗi thước phim và bất ngờ khi biết có một giống cá từ nước Nga có thể sống khoẻ mạnh trong dòng nước lạnh giá.
Sau khi xem chương trình này, anh Chay đã tự đặt câu hỏi, "Quê mình cũng có dòng nước lạnh, cũng có điều kiện tự nhiên như Sa Pa. Tại sao đồng bào Sa Pa làm được mà mình không làm được!?. Thế rồi, nhiều đêm anh Chay không ngủ, vắt tay lên trán trằn trọc tự hỏi đỉnh Xà Phìn quê hương mình cũng có dòng nước lạnh, không biết có phù hợp để giống cá nổi tiếng khó tính này sinh sống. Rồi sau đó, anh Chay đã đưa suy nghĩ của mình chia sẻ với một người bạn thân là anh Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1967, người dân tộc Tày, chủ tịch xã Phương Tiến lúc đó).
Gian nan chinh phục loài cá "quý tộc"
Sự trăn trở của anh Chay đã được người bạn thân thiết chia sẻ, rồi họ ngồi bên nhau bàn kế hoạch đi tìm hiểu mô hình nuôi cá hồi của đồng bào dân tộc ở Sa Pa. Các anh tự nhủ rằng nếu phù hợp sẽ triển khai nuôi ngay trên mảnh đất quê hương mình. Nghĩ là làm, anh Chay và anh Hùng đi xe máy hàng chục lần từ Hà Giang sang Lào Cai cách bản làng nơi anh sống trên 300km. Trước sự đam mê học hỏi và khát vọng làm giàu của anh Chay và anh Hùng, những chủ trang trại cá hồi ở Sa Pa đã nhiệt tình chia sẻ với họ những kinh nghiệm trong việc nuôi cá hồi. Song song với việc tìm hiểu kinh nghiệm thực tế, hai anh mua sách báo để tự tìm hiểu thêm. Sau khi tích luỹ được kiến thức, hai người bạn đã lấy nguồn nước lạnh từ đỉnh núi Sà Phìn đem sang Sa Pa nhờ kiểm định.
"Đó là thời điểm chúng tôi mong chờ nhất, bởi kết quả không phù hợp để nuôi cá hồi coi như ý tưởng mang loài cá “quý tộc” này về nuôi thất bại từ bước đầu. Nhưng khi cầm kết quả phân tích mẫu nước cho thấy hội đủ các tiêu chí để cá hồi sinh sống, hai anh em sung sướng tới mức ôm nhau nhảy mặc cho mọi người xung quanh ngạc nhiên không hiểu điều gì đang xảy ra với chúng tôi”, anh Chay bồi hồi nhớ lại. Sau lần đó, anh Chay và anh Hùng trở về nhà, gom góp tiền bạc tích trữ từ bấy lâu nay, dốc vào để biến giấc mơ cá hồi thành hiện thực.
Ý tưởng là thế, nhưng để nuôi thành công cá hồi như thời điểm bây giờ với hai anh là cả một câu chuyện dài. Để có được ba bể cá hồi gần 8.000 con có thể xuất ra thị trường, và thu lợi gần 700 triệu đồng/năm đối với anh Chay và anh Hùng là một hành trình gian nan đầy rủi ro. Anh Chay tâm sự rằng, thời gian đầu họ mang cá về nuôi thử nghiệm khoảng 300 con. Nhưng lứa đó cá bị nấm chết lần lượt. Hai anh lại cùng nhau lên đường, xách cá bị chết sang Sa Pa nhờ người xem hộ nó bị bệnh gì và nguyên nhân từ đâu. Sau đó hai anh mua lứa khác về nuôi, lần này rút kinh nghiệm xử lý nguồn nước nên cá hồi sống khoẻ. Nhưng oái oăm thay, lần thử nghiệm thứ hai đang đến độ thành công, trọng lượng mỗi còn gần 1kg thì bể cả bị vỡ vì không chịu được sức ép của nước. Thế là gần hai nghìn con cá lao hẳn xuống vực, đồng nghĩa với số tiền hơn 300 triệu đồng hai anh đầu tư mất trắng.
Sau lần vấp ngã này, hai anh rất buồn, nhưng trong thâm tâm không hề nao núng. Số tiền bỏ ra giờ chỉ có cách làm tiếp may sao có thể gỡ lại vốn. Một lần nữa, anh Chay và anh Hùng góp tiền, làm kiên cố bể, mua giống về nuôi. Từ đó, mọi việc diễn ra thuận lợi. Mỗi năm, hai anh đầu tư ba bể nuôi cá, xuất ra thị trường gần 8.000 con. Lợi nhuận thu được 700 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Chay bảo rằng giống cá và thức ăn bây giờ anh nhập từ Đà Lạt, vận chuyển hoàn toàn bằng đường hàng không vì thế tiết kiệm được nhiều chi phí. Khoản tiền đầu tư nay bắt đầu sinh lời, anh muốn chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá hồi của mình với bà con dân bản để mọi người có thể làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
Còn thiếu sự hỗ trợ để phát triển lâu dài Mô hình kinh tế nuôi cá hồi của anh Chay và anh Hùng là độc nhất ở Hà Giang. Theo một cán bộ hiện công tác tại NHNN tỉnh Hà Giang, đến giờ tỉnh vẫn chưa có chủ trương phát triển giống cá này. Bản thân người dân vì thế chưa có điều kiện để tiếp xúc nguồn vốn lớn. Mặt khác, cán bộ nông nghiệp cũng vì thế chưa có đủ chuyên môn sâu nhằm hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật. Sự thành công bước đầu của anh Chay và anh Hùng dần mở ra một hướng mới làm giàu cho bà con dân tộc vùng cao. Theo thông tin chúng tôi biết được, hiện giờ anh Chay và anh Hùng đã được nhận sự hỗ trợ về vốn vay, tuy nhiên về nhiều lĩnh vực khác có liên quan hầu như anh Chay và anh Hùng tự tìm hiểu. Loay hoay tìm đầu ra Việc anh Chay và bạn của mình nuôi thành công cá hồi khiến tên tuổi của anh nổi tiếng khắp Hà Giang, nhưng điều khiến anh cũng như ai biết đến trang trại này suy nghĩ, chính là đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bản chất cá hồi rất khó tính, nên không thể sống lâu tại bể cá của các nhà hàng lâu ngày. Thông thường, khi nào có nhu cầu, nhà hàng mới nhập vài ba con, nhiều nhất khoảng 10 con. Trong khi đó, để lên đến trại cá là quãng đường rất khó khăn. Vì vậy cá bán ít, chi phi vận chuyển lại cao, tạo nên rủi ro lớn cho mô hình trang trại cá hồi này. |