Cần đầu tư nâng cao chất lượng thủy sản xuất khẩu
Giá trị hàng hóa xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong năm 2018 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2017. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trên 641 triệu USD, bằng 100% kế hoạch và tăng 14,34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro cao.
Với thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản, năm 2018, toàn tỉnh xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 56.612 tấn, bằng 102,72% kế hoạch, tăng 13,40% so với cùng kỳ; trong đó, tôm đông lạnh trên 54.612 tấn.
Sản lượng xuất khẩu thủy sản tăng cao là nhờ các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tăng cường sản xuất, tăng thêm công suất chế biến để có đủ lượng hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu. Đồng thời duy trì các thị trường truyền thống để tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là các thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản trong năm 2018 cũng còn gặp nhiều khó khăn như việc cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ Ấn Độ, sản lượng tôm sú ngày càng ít, giá cả biến động bất thường… Điều làm cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cảm thấy lo lắng, bất an là luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro trong thanh toán, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Bởi, khi tiêu thụ hàng hóa ở thị trường này thường phải xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch, trong khi xuất hàng theo hình thức này doanh nghiệp dễ bị mất tiền khi các doanh nghiệp Trung Quốc cố tình làm khó hoặc chèn ép giá. Thêm vào đó, tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu cũng làm cho doanh nghiệp xuất khẩu có nguy cơ bị trả hàng khi không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm…
Nguyên nhân chính là phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu còn lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nên doanh nghiệp phải chấp nhận “luật chơi” của họ (mà việc mua bán qua con đường tiểu ngạch là một minh chứng). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn mua tôm có chích tạp chất nên chưa thể làm cho doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh kiên quyết nói không với nạn bơm chích tạp chất vào tôm …
Để góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 690 triệu USD (tăng 13% so với năm 2018), việc cơ cấu lại sản xuất, ngành hàng và cả thị trường cần được các doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm. Đó là tập trung nâng cao chất lượng đầu vào lẫn đầu ra thông qua liên kết sản xuất, mở rộng thị trường và hướng đến sản xuất sạch, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngành quản lý cần triển khai thực hiện tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong tỉnh tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới vào các thị trường mới nhằm đa dạng hóa mặt hàng và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó chú trọng đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh; phối hợp thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; tranh thủ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó góp phần giúp thị trường phát triển lành mạnh, cung cầu hàng hóa ổn định, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng.