TIN THỦY SẢN

Cấp hộ chiếu cho cua Nga

©  CXS.hu

Từ nay, hải sản Nga xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc sẽ phải kiểm tra nguồn gốc. Chính phủ Nga đã chỉ thị Cơ quan Thủy sản Liên bang cấp giấy chứng nhận cho tất cả các loại sản phẩm cua, ghẹ để xác nhận lô hàng có nguồn gốc hợp pháp. Điều này diễn ra trước khi Nga ký kết hiệp định song phương với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc về giấy chứng nhận bắt buộc cho hải sản xuất khẩu đến các nước này. Các chuyên gia khẳng định rằng việc cấp "hộ chiếu" cho tôm cua sẽ làm cho kim ngạch buôn lậu trên thị trường Châu Á-Thái Bình Dương giảm xuống.

Hiện tại, quy định mới chỉ áp dụng cho cua, sản phẩm từ cua và nhím biển. Đó là những hải sản đặc biệt bị đánh bắt trộm nhiều nhất. Người đứng đầu bộ phận báo chí Cơ quan Thủy sản Liên bang Nga Alexander Savelyev cho biết:

“Theo số liệu thống kê của Hải quan Liên bang Nga, năm ngoái Nhật Bản nhập 600 tấn cua Nga. Còn Bộ Tài chính Nhật Bản cho rằng cua Nga bán trên thị trường nội địa là 17.000 tấn. Tức là con số chênh nhau tới 30 lần. Đây chính là khối lượng buôn lậu thực tế. Trong khoảng năm rưỡi qua, đảo Hokkaido của Nhật Bản tràn đầy cua bất hợp pháp từ Nga.”

Vấn đề không chỉ là việc đánh bắt bất hợp pháp và không kiểm soát gây nguy cơ đe dọa đa dạng sinh học biển. Hải sản nhập lậu trên thị trường dẫn đến việc phá giá, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu chân chính, quan chức Cơ quan Thủy sản liên bang giải thích.

Những khách hàng chính châu Á như Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản cần cam kết chỉ mua sản phẩm của Nga nếu như có giấy chứng nhận rằng hải sản được khai thác hợp pháp. Cơ quan thủy sản Nga cấp cho các nhà xuất khẩu giấy chứng nhận nguồn gốc đánh bắt và gửi bản sao cho cơ quan tương ứng của nước nhập khẩu.

Giấy chứng nhận nguồn gốc từ lâu được Nga áp dụng với các nước châu Âu và trong thực tế đã chứng minh tính hiệu quả. Trong trường hợp không có văn bản xác nhận tính hợp pháp của việc đánh bắt, không thể tiêu thụ được tài nguyên sinh học Nga ở châu Âu. Nhờ vậy, nạn săn bắt trộm ở khu vực này gần như đã được giải quyết triệt để.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng hiệp định song phương giữa Nga và khách hàng châu Á là chưa đủ để xóa nạn đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Bởi vì tất cả cua cá đánh bắt trộm trong lãnh hải Nga có thể được chuyên chở bằng tàu mang cờ các quốc gia không tham gia thỏa thuận. Do đó, điều quan trọng là các nước mua hải sản phải yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận nguồn gốc đánh bắt đối với tất cả các nước, chứ không chỉ đối với các nhà xuất khẩu Nga.

Theo vietnamese.ruvr.ru