Cập nhật: hội chứng tôm chết sớm EMS
(tepbac.com) Tại Hội chợ thủy sản châu Âu (23 - 25/4/2013), ông Cui He, Phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội tiếp thị của các nhà sản xuất thủy sản Trung Quốc nhận định rằng hội chứng tôm chết sớm EMS sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho ngành nuôi tôm ở miền nam Trung Quốc và Trung Quốc dự kiến sẽ nhập nhiều tôm hơn từ Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Ông còn chỉ ra rằng, sự tăng nhập khẩu tôm từ các nước trên có thể sẽ đẩy giá tôm trên thị trường lên cao hơn.
Hội chứng tôm chết sớm EMS (Early Mortality Syndrome) tác động đến cả tôm sú P. monodon và tôm thẻ chân trắng L. vannamei. EMS được cho là xảy ra đầu tiên vào năm 2009 tại vùng nuôi tôm đảo Hải Nam, Trung Quốc. EMS bắt đầu bùng phát và gây thiệt hại nặng cho ngành nuôi tôm miền nam Trung Quốc cuối năm 2010 và năm 2011. Tại Việt Nam, EMS được bắt đầu theo dõi vào 2010 và lan rộng rất nhanh trong vùng nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bệnh EMS được cho rằng đã tác động đến hơn 98.000 ha tôm nuôi trong khu vực này trong năm 2011. Năm 2012, khoảng 330 triệu tôm chết ở Trà Vinh và 20.000 ha tôm sú nuôi ở Sóc Trăng bị thiệt hại vì ảnh hưởng của EMS. Tại Malaysia, bênh EMS được bắt đầu báo cáo vào năm 2010. Ngành nuôi tôm Thái Lan cũng bắt đầu phải chịu đựng ảnh hưởng của EMS từ năm 2012. Đến nay, hầu hết các trang trại trong vùng nuôi tôm rộng lớn ở miền đông Thái Lan đều bị thiệt hại do ảnh hưởng của EMS. Trong cuối năm 2012 và đầu năm 2013, đỉnh điểm có đến 80-90% diện tích ao nuôi ở khu vực này phải ngừng sản xuất.
Đến nay, EMS đã ảnh hưởng đến nhiều trang trại và khu vực nuôi tôm ở châu Á bao gồm các nước có ngành công nghiệp nuôi tôm lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam. Các quốc gia khác như Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh đang được hưởng lợi từ việc tăng giá tôm do thiếu hụt nguồn cung từ các nước cạnh tranh trực tiếp khác và đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của EMS ảnh hưởng đến ngành nuôi tôm trong nước. Đặc biệt, các nước châu Mỹ Latinh có ngành nuôi tôm phát triển như Mexico, Ecuador và một số quốc gia khác đang tìm mọi cách để tránh hậu quả của EMS từ các nước châu Á bằng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ hoặc cấm hẳn nhập tôm từ các nước châu Á.
Tựu chung, EMS vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến công nghiệp nuôi tôm thế giới, tổng nguồn cung tôm giảm có thể đẩy giá tôm lên cao trong năm 2013 và 2014. Các nhà sản xuất và bà con nông dân đang chờ các công bố chính thức mới từ các nhà khoa học về nguyên nhân gây bệnh và phác đồ điều trị để sớm khống chế dịch bệnh và đưa công nghiệp nuôi tôm trở lại thời kỳ thịnh vượng. Các tạp chí về bệnh học và sức khỏe động vật thủy sản trong năm 2013 này được kỳ vọng sẽ đăng tải và công bố chính thức kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về EMS trong thời gian qua. Trong đó, đáng chú ý nhất là kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà nghiên cứu từ đại học bang Arizona, Mỹ.