Châu Âu giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam
Châu Âu đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cá nhập khẩu ngoại khối, đặc biệt là cá tra và cá rô phi. Ngoài ra, việc thắt chặt kiểm soát ghi nhãn sản phẩm dự kiến sẽ được EU triển khai trong tương lai gần.
Dưới đây là một trong những xu hướng trên thị trường cá thịt trắng đông lạnh châu Âu.
Tầm quan trọng của chứng chỉ bền vững ngày càng tăng
Chứng chỉ bền vững cho các loài cá thịt trắng đang ngày càng trở nên quan trọng hơn do người tiêu dùng ngày càng nhận thức cao hơn về các vấn đề bền vững liên quan đến khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Các thị trường phổ thông của cá thịt trắng đang ngày càng yêu cầu nhiều đối với các sản phẩm cá thịt trắng chứng nhận, đặc biệt là các siêu thị tại Bắc Tây Âu. Sự sẵn có của các sản phẩm cá thịt trắng có chứng nhận ASC (chủ yếu là cá tra và cá rô phi) trong năm 2017 cho thấy Hà Lan, Thụy Sĩ, và Đức là các thị trường lớn nhất cho cá thịt trắng chứng nhận ASC.
Số lượng các sản phẩm cá và thủy sản chứng nhận ASC tại châu Âu đã tăng mạnh từ năm 2014. Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng cũng ấn tượng tại nhiều nước; ví dụ, tại Hà Lan, con số này đạt 940 sản phẩm vào tháng 12/2017 so với chỉ 360 vào tháng 7/2016. Đối với Đức, con số này tăng từ 239 lên 844; trong khi các thị trường sản phẩm chứng nhận ASC nhỏ hơn như Tây Ban Nha cũng tăng mạnh từ 21 lên 101. Các siêu thị là động lực đằng sau nhu cầu đối với cá thịt trắng được chứng nhận này. Ví dụ, 99% cá tra và cá rô phi tại các siêu thị Hà Lan có chứng chỉ sản xuất bền vững.
Nhìn chung, các sản phẩm thủy sản chứng nhận ASC cao nhất tại Tây Âu, theo sau là Bắc Âu, Nam Âu và Đông Âu, cụ thể là:
- Tây Âu: Hà Lan (940 sản phẩm có chứng nhận), Đức (844), Bỉ (613), Thụy Sĩ (541), Áo (277), Luxembourg (17);
- Bắc Âu: Đan Mạch (351), Na Uy (145), Anh (126), Phần Lan(105), Thụy Điển (63), Ireland (24);
- Nam Âu: Pháp (237), Tây Ban Nha (101), Ý (76), Bồ Đào Nha (49), Hy Lạp (25), Cyprus (16), Malta (6);
- Đông Âu: Ba Lan (41), Hungary (40), Séc (36), Slovenia (29), Romania (21), Lithuania (18), Slovakia (18), Bulgaria (17), Latvia (16), Estonia (5).
Nhãn hiệu chứng nhận chất lượng
Chất lượng sản phẩm và chế biến ngày càng được chú ý trên toàn cầu. Các nhà nhập khẩu thủy sản châu Âu yêu cầu các nhà cung cấp tăng cường việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng như British Retail Consortium (BRC) và International Featured Standards (IFS). Mặc dù những tiêu chuẩn chất lượng trước đây chỉ quan trọng với phân khúc bán lẻ thì ngày nay nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu vấn đề này ở các phân khúc thị trường dài hạn.
Nếu các nhà cung cấp không thể đạt các tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, đây sẽ là hạn chế rất lớn trong mở rộng thị trường ở các nước khối EU lẫn các phân khúc thị trường ngoài châu Âu.
Nhu cầu cao với thực phẩm tiện lợi
Nhu cầu đối với các sản phẩm cá thịt trắng ăn liền, nấu liền, giá trị gia tăng cao đang ngày càng tăng do người tiêu dùng châu Âu ít thời gian và ngại chế biến. Cụ thể như các sản phẩm nấu bằng lò vi sóng và đồ ăn vặt từ thủy sản. Áp lực thời gian và ngại nấu nướng của người tiêu dùng châu Âu là nguyên nhân của xu hướng này. Người tiêu dùng quan tâm với các sản phẩm tiện lợi cũng ưa chuộng các bữa ăn chuẩn bị nhanh nhưng lành mạnh.
Các loại cá thị trắng thường được sử dụng làm các sản phẩm tiện lợi là cá tuyết Pollock, cá Pollock Alaska, cá tra.
Thị trường cởi mở hơn với các sản phẩm mới
Người tiêu dùng tại châu Âu đang cho thấy sự ưa chuộng ngày càng tăng với các loại cá thịt trắng mới lạ. Nguyên nhân là do khả năng tiếp cận với các loại cá nhiệt đới tăng lên. Ngoài ra, nhu cầu đối với các sản phẩm cá chất lượng cao cũng đang tăng. Cả hai sự vận động này đều dẫn tới sự chấp nhận các loại cá lạ chưa từng xuất hiện trên thị trường trước đây, trở nên cao hơn.
Một ví dụ gần đây cho thấy nỗ lực giới thiệu sản phẩm cá giò là loại cá nhiệt đới mới cho thị trường châu Âu. Các loại cá đã thâm nhập thành công vào các thị trường phổ thông tại châu Âu bao gồm cá tra và cá rô phi.
Năm 2016, cá tra chiếm thị phần 9% nhập khẩu cá thịt trắng của châu Âu, đứng sau cá tuyết, cá Pollock Alaska (mỗi loại chiếm khoảng 1/3 thị phần), và cá tuyết than (14%). Cá rô phi chỉ chiếm 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của châu Âu. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp diễn trong những năm tới và hứa hẹn cơ hội thâm nhập thị trường châu Âu với các chủng loại thủy sản mới.
Tiếp tục đổi mới trong bao bì và cách chế biến
Đóng gói trần (cá đặt trên đĩa được bọc bằng gói nhựa trong) được coi là một cách đóng gói thủy sản được ưa chuộng bởi cho thấy rõ ràng sản phẩm. Một ví dụ khác cho các kỹ thuật chế biến đổi mới là các gói hấp có thể dễ dàng sử dụng trong cả lò vi sóng và lò nướng. Các gói hấp này ngày càng được ưa chuộng trên thị trường bán lẻ châu Âu. Xu hướng này cũng gắn bó chặt chẽ với xu hướng nhu cầu thực phẩm tiện lợi.
Sản xuất theo nhu cầu khách hàng đang trên đà tăng
Các yêu cầu đối với sản phẩm biến đổi rất khác nhau trên khắp châu Âu. Do đó, điều quan trọng là các nhà xuất khẩu sản xuất đúng các sản phẩm cá thịt trắng theo yêu cầu của khách hàng thông qua hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại châu Âu.
Để đạt được điều này, các nhà xuất khẩu cần tham gia vào tất cả các giai đoạn trong quá trình sản xuất, từ nuôi trồng hoặc khai thác đến chế biến. Hơn nữa, các nhà xuất khẩu cần linh động về danh mục sản phẩm, Sản xuất theo yêu cầu khách hàng cũng bao gồm các khía cạnh như nuôi trồng lẫn đóng gói và phân loại.
Nhu cầu ngày càng tăng với nguồn cung có trách nhiệm
Các nhà nhập khẩu châu Âu sẽ có nhu cầu ngày càng tăng với các đối tác sản xuất có trách nhiệm đối với môi trường – xã hội. Để tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững, các nhà xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu có một số lựa chọn sau:
- Chứng minh bạn hoàn toàn kiểm soát quá trình sản xuất;
- Cho thấy sự sẵn sàng đầu tư vào trang thiết bị sản xuất;
- Hỗ trợ các nhà cung cấp triển khai các đầu tư cần thiết.
CÁc khoản đầu tư này có thể là cần thiết hoặc liên quan đến cơ sở hạ tầng nuôi trồng hoặc các thiết bị khai thác thủy sản theo yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững.
Châu Âu nỗ lực tăng mức độ tự cung tự cấp thủy sản
Ủy ban châu Âu (EC) đang đặt trọng tâm mạnh hơn vào mục tiêu EU trở nên ít phụ thuộc vào nguồn thủy sản nhập khẩu ngoại khối. Mục tiêu này đưa ra trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng đối với thủy sản và các protein thủy sản với các thị trường đang tăng trưởng mạnh như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Để đạt mục tiêu này, EC và các chính phủ thành viên đang đầu tư vào tăng sản xuất thủy sản tông qua đổi mới công nghệ và hỗ trợ kinh doanh. Năm 2017. EC đã triển khai hai sáng kiến trị giá 14 triệu Euro để thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản tại châu Âu mang tên PerformFISH và MedAID.
Các nỗ lực này có thể không giúp tăng mạnh sản xuất trong ngắn hạn nhưng có thể thành công trong dài hạn và giảm nhu cầu đối với một số loại thủy sản nhập khẩu ngoại khối, đặc biệt là cá tra và cá rô phi. Các ví dụ về các loại cá thịt trắng sản xuất tại châu Âu có thể bị cạnh tranh mạnh bởi nguồn cá nhập khẩu trong tương lai, bao gồm cả cạnh tranh về giá, là cá mú và cá vược biển.
Và giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam
Châu Âu là một trong những thị trường lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam, nhưng nhu cầu đối với cá tra đang gặp áp lực giảm trong thời gian gần đây. Điều này thể hiện trong suy giảm nhập khẩu cá tra của châu Âu trong năm 2015 với mức giảm 14% so với năm 2014. Ngành cá tra Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm vấn đề khắc phục vụ bê bối bơm nước cho cá nặng cân, nhiệt độ cao gây ra nhiều dịch bệnh hơn và cạnh tranh ngày càng tăng từ các loại cá thịt trắng khác như cá tuyết và cá Pollock Alaska.
Đặc biệt chiến dịch tẩy chay cá tra tại các thị trường như Tây Ban Nha và Bỉ trực tiếp làm giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam của EU. Tây Ban Nha là nước nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất tại EU.
Cho tới khi các nền kinh tế châu Âu tiếp tục tăng trưởng, có thể dự báo rằng tiêu dùng cá tra vẫn gặp áp lực giảm và khó phục hồi trở về mức nhu cầu trước đây. Do cá tra được coi là loại cá tương đối rẻ tiền, tiêu dùng cá tra sẽ giảm khi người tiêu dùng có nhiều tiền để chi tiêu hơn. Tuy nhiên, xu hướng tăng nhu cầu đối với cá thịt trắng có chứng nhận, bao gồm cả cá tra, tại thị trường châu Âu có thể hỗ trợ phần nào tiêu dùng cá tra tại thị trường này.
Uy tín ngày càng thấp của cá rô phi
Châu Âu là thị trường tương đối yếu của cá rô phi. Tại Đức, ít người ăn cá rô phi và phần còn lại của châu Âu cũng vậy. Năm 2016, nuôi cá rô phi chịu tiếng xấu do virus (TiLV). TiLV gây thiệt hại nặng cho nguồn cung cá rô phi tại Ecuador và Israel từ năm 2009.
Một vấn đề khác tại châu Âu là các kết quả nghiên cứu gần đây về nuôi cá rô phi. Các khuyến cáo đưa ra rằng ăn cá rô phi nuôi có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe như nhiễm khuẩn, nguy cơ ung thư,… Dù vậy, sản xuất nuôi cá rô phi trên toàn thế giới vẫn được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới do loài cá này được ưa chuộng tại các nước đang phát triển.
Kiểm soát nghiêm ngặt hơn các sản phẩm thủy sản ghi nhãn sai
Ghi nhãn sai các sản phẩm thủy sản là một vấn đề gây chú ý tại châu Âu. Theo nhiều báo cáo khác nhau, mức độ ghi sai nhãn các sản phẩm thủy sản tại châu Á tương đối cao. Một kế hoạch kiểm soát đã được Ủy ban châu Âu EC đưa ra để đánh giá và tối thiểu hóa vấn đề ghi sai nhãn các sản phẩm cá thịt trắng theo danh sách được công bố năm 2015.
Kiểm soát nghiêm ngặt hơn là cần thiết để cải thiện niềm tin người tiêu dùng và củng cố thị trường châu Âu. Do kế hoạch kiểm soát vẫn đang trong quá trình xây dựng, không có thay đổi nào lớn trong yêu cầu ghi nhãn. Tuy nhiên, một hệ thống truy xuát nguồn gốc và hệ thống ghi nhãn toàn châu Âu có thể sẽ được đưa ra để ngăn chặn ghi nhãn sai. Một báo cáo rà soát với các phát hiện và kết luận từ hàng loạt đợt khảo sát dự kiến công bố trong năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được công bố.