TIN THỦY SẢN

Chế biến thủy sản: Đâu là “thần dược” ?

Nguyễn Phú

Dẫu biết rằng “thương trường là chiến trường”, chuyện thắng thua trong kinh doanh là bình thường. Tuy nhiên, nếu hàng loạt các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu có nguy cơ phá sản như cảnh báo của ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thanh tra Sở NN&PTNT kiểm tra chất lượng tôm nguyên liệu tại cơ sở thu mua tôm của DNTN Lê Thanh Chiến, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi

Quả thật, nếu 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu nằm trong “danh sách đen” tuyên bố phá sản thì đây là vấn đề không hề nhỏ cho nền kinh tế đang trên đà phát triển của tỉnh hiện nay. Nó không chỉ đơn thuần là doanh nghiệp thua lỗ mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt, nhiều vấn đề sẽ phát sinh chứ không đơn giản chỉ là chuyện công nhân thất nghiệp.

Doanh nghiệp điêu đứng, công nhân lao đao.

Chuyện doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là bình thường, đó là chu kỳ thanh lọc, loại bỏ các doanh nghiệp yếu, tập trung phát triển các doanh nghiệp thật sự có đủ tiềm lực. Nhưng việc hàng loạt các doanh nghiệp điêu đứng như vừa qua phần nào tác động đến sự phát triển chung của nền kinh tế của tỉnh.

Trước hết, một lượng lớn những người lao động sẽ bị nợ lương, nghỉ việc. DN thì nợ BHXH, nợ tiền điện, viễn thông, tiền nước, nợ vay ngân hàng... khó có khả năng thanh toán. Đây là vấn đề cấp bách đang đặt ra.

Tuy hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà máy chế biến thủy sản chính thức tuyên bố phá sản, nhưng theo dự báo, trong thời gian ngắn nữa, một lượng lớn công nhân sẽ lâm vào hoản cảnh khó khăn do doanh nghiệp nợ lương.

Chị Trần Thị Bảy, công nhân Công ty cổ phần thực phẩm Đại Dương, chia sẻ, đời sống công nhân chủ yếu dựa vào đồng lương là chính. Với đồng lương của công nhân hiện nay phải lao động cật lực mới có thể đủ tiền trang trãi cho chi tiêu.

Nhưng đến nay đã hơn 2 tháng mà công ty không thanh toán tiền lương. Đời sống công nhân lâm vào tình cảnh ăn, ở thiếu thốn, vô cùng khó khăn. Hai tháng công ty không trả lương là 2 tháng công nhân phải thiếu tiền ăn của quán, tiền ở của chủ nhà trọ.

Không chỉ có công nhân của Công ty Đại Dương không nhận được lương mà giờ đây nhiều công ty chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn cũng đang trả lương công nhân không theo đúng hợp đồng. Một giám đốc công ty thừa nhận, do không đủ nguyên liệu hoạt động, lại có thêm quá nhiều khoản nợ bức xúc phải thanh toán, nên hiện tại công ty phải khất tiền lương của công nhân để xoay xở trong lúc khó khăn. Công ty sẽ thanh toán lương cho công nhân theo đúng hợp đồng ngay khi có thể.

Nếu 11 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản tuyên bố phá sản như dự đoán thì một hệ lụy dễ thấy nhất là trên 7.000 công nhân sẽ thất nghiệp. Khi người dân thất nghiệp, gánh nặng lại đặt lên vai xã hội, đồng thời, nhiều tệ nạn xã hội sẽ phát sinh từ việc vô công rỗi nghề.

“Thần dược” cho doanh nghiệp

Tháo gỡ những vướng mắc đó hiện không là điều đơn giản, nhất là nguồn vốn giúp các doanh nghiệp có thể “sống” lại. Bởi lẽ, các ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh tiền tệ. Do đó, điều họ quan tâm đầu tiên vẫn là hiệu quả kinh doanh của họ.

Để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, theo ông Thuận, “thần dược” hiện nay có thể giúp các doanh nghiệp sống dậy là phải làm tốt công tác liên doanh, liên kết. Không chỉ liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với người dân trong tỉnh mà đòi hỏi phải có sự bắt tay của cả cụm và khu vực. 

Một bài học cay đắng mà ngành chế biến và xuất khẩu cá tra, cá ba sa An Giang từng nếm trải trong những năm trước đây cũng xuất phát từ sự thiếu liên kết. Việt Nam được đánh giá là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cá tra, cá ba sa với thị phần chiếm khoảng 98% trên thị trường.

Lẽ ra với thị phần ấy, ta phải chiếm lĩnh và chi phối thị trường, thế nhưng, do tranh mua, tranh bán, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản phải lâm vào cảnh khốn đốn kéo dài vì bị kiện bán phá giá. Hậu quả là ta phải chịu mức thuế chống phá giá cao ngất ngưỡng lên đến trên 66%. Nếu không khéo kịch bản về ca tra, cá ba sa cũng sẽ tái diễn trên con tôm mà địa bàn trọng điểm là tỉnh Cà Mau.

Đối với giải pháp giúp phát triển nguồn nguyên liệu trong thời gian tới, lộ trình phát triển tôm công nghiệp đã được tỉnh đề ra đến năm 2015. Nhưng xem ra đây chưa phải là giải pháp tối ưu nếu không có quy trình sản xuất và quản lý giống thủy sản nhằm tiến tới nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào.

Mặc dù, hiện diện tích nuôi tôm công nghiệp đang tăng nhanh nhưng phần diện tích ấy chỉ phát triển theo hình thức tự phát, theo phong trào là chính. Những yếu tố cơ bản phục vụ cho việc phát triển bền vững vùng nuôi tôm công nghiệp như hệ thống thủy lợi, lưới điện, chất lượng con giống, vật tư nông nghiệp… xem ra vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần phải giải quyết.

Để ngành thủy sản phát huy đúng vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, theo ông Lý Văn Thuận, cần phải kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là sự quản lý, phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng trên tất cả các lĩnh vực, từ đầu tư xây mới nhà máy cho đến nâng cao, đổi mới khoa học - công nghệ trong dây chuyền sản xuất và chế biến sản phẩm.

Vấn đề có tính quan trọng hàng đầu là các doanh nghiệp trong tỉnh, trong vùng phải bắt tay nhau liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn thế nữa, Nhà nước phải có chính sách ưu đãi về nguồn vốn để gỡ rối trước mắt cho các doanh nghiệp.

Có như vậy mới mong ngành kinh tế thủy sản của tỉnh duy trì vị thế đứng đầu cả nước về nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu thủy sản./.

Nguyễn Phú Báo Cà Mau, 19/04/2012