Chế tạo máy siêu nhỏ có thể tự đổi màu như bạch tuộc
Một nhóm nghiên cứu chế tạo robot của Trung Quốc đã thiết kế một chiếc máy cực nhỏ có thể bắt chước loài bạch tuộc đổi màu sắc tố tế bào dưới tác động của hóa chất.
Phát sáng nhằm phản ứng với tín hiệu hóa học là hiện tượng xảy ra trong thế giới tự nhiên, như động vật thân mềm đổi màu để tránh động vật săn mồi.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science Robotics mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải đã nghiên cứu để tích hợp cơ chế phát sáng phản ứng với hóa chất này vào một cỗ máy nano DNA.
Cỗ máy nano DNA mà họ tạo ra phát sáng phản ứng với những thay đổi của độ acid bên trong tế bào.
Trong thử nghiệm, thiết bị kích cỡ nano nhận diện và xác định số lượng vật chất hấp thụ và phát ra qua màng tế bào. Thiết bị sau đó có thể tự thay đổi hình dạng để phản ứng với biến đổi độ pH, và sự thay đổi này hiển thị màu phát sáng để thích nghi.
Theo nghiên cứu, thiết kế mới này đem lại cái nhìn sâu về cách thức sử dụng robot để nghiên cứu các cơ thể sống.