Chủ động giám sát mầm bệnh động vật thủy sản
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản. Trong đó nêu rõ nguyên tắc phòng bệnh là chính đối với dịch bệnh động vật thủy sản.
Theo dự thảo, phòng, chống và báo cáo dịch bệnh thủy sản dựa trên nguyên tắc phòng bệnh là chính, bao gồm giám sát mầm bệnh chủ động, quan trắc chất lượng nước, thu thập thông tin bệnh, thông tin hoạt động nuôi trồng thủy sản kết hợp với thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn chủ cơ sở nuôi chủ động thực hiện phòng, chống dịch bệnh.
Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản phải bảo đảm chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả. Thông tin, dữ liệu dịch bệnh thủy sản phải được ghi chép, quản lý, phân tích và báo cáo kịp thời, chính xác và đầy đủ theo hướng dẫn của Cục Thú y; thông tin, dữ liệu nuôi được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản.
Dự thảo nêu rõ, phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản là trách nhiệm chung của tổ chức, chủ cơ sở nuôi, người buôn bán, vận chuyển, sơ chế, chế biến; cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.
Vệ sinh thú y, môi trường để phòng bệnh
Theo dự thảo, cơ sở sản xuất giống thủy sản phải bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, môi trường sau đây: Tuân thủ quy hoạch về nuôi trồng thủy sản của địa phương, các quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật về sản xuất giống thủy sản; nguồn nước phải được xử lý diệt tạp, mầm bệnh, kiểm soát các yếu tố môi trường, bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh thú y trước khi đưa vào sản xuất; hệ thống nuôi đảm bảo việc vệ sinh, khử trùng dễ dàng và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt; nước thải, chất thải phải xử lý đạt yêu cầu trước khi xả thải; sử dụng giống thủy sản bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh phải công bố dịch; giống thủy sản bố mẹ có nguồn gốc từ tỉnh khác hoặc nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền cấp. Khi phát hiện giống thủy sản bố mẹ có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ nhiễm bệnh phải nuôi cách ly, giám sát chặt chẽ và không cho sinh sản…
Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ quy hoạch về nuôi trồng thủy sản và thực hiện đúng lịch thả nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản địa phương; tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về chuẩn bị cơ sở nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc sức khỏe thủy sản; sử dụng giống thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh phải công bố dịch; giống thủy sản có nguồn gốc từ tỉnh khác hoặc nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền cấp. Khi phát hiện giống thủy sản có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ nhiễm bệnh phải nuôi cách ly, giám sát chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm xác định mầm bệnh; phải có khu xử lý chất thải, nước thải. Khi thủy sản nuôi bị mắc bệnh phải xử lý nước, chất thải trong cơ sở nuôi đảm bảo tiêu diệt hết mầm bệnh trước khi xả ra môi trường…
Cơ sở nuôi lồng, bè, giá treo, bãi triều phải bố trí lồng, bè, giá treo, bãi triều tại các khu vực được quy hoạch hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép; mật độ lồng, bè, giá treo phải theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản có thẩm quyền; thường xuyên kiểm tra thủy sản nuôi về màu sắc, sinh vật bám, các dấu hiệu bệnh lý, bất thường; định kỳ kiểm tra, vệ sinh, tiêu độc khử trùng dụng cụ nuôi; đảm bảo mật độ nuôi phù hợp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.