Có đủ bằng chứng để chống lại vụ kiện tôm
Ngày 8-1, mấy chục doanh nghiệp xuất khẩu tôm có buổi họp kín mà nội dung chính là làm gì trước thông tin Liên minh khai thác tôm Mỹ đã nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ kiện Việt Nam và sáu nước khác, do nghi ngờ đã nhận những khoản trợ cấp từ chính phủ.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xung quanh vấn đề này trước khi diễn ra cuộc họp nói trên.
- TBKTSG Online: Liên minh khai thác tôm Mỹ (Coalition of Gulf Shrimp Industries – COGSI) gửi đơn kiện với lý do là tôm nhập từ Việt Nam và 6 nước khác được nhận trợ cấp từ chính phủ. Dĩ nhiên, họ đã có những bằng chứng để bảo vệ lập luận này, còn phía Việt Nam, cụ thể là VASEP có những chứng cứ gì để phản bác, thưa ông?
- Ông Trương Đình Hòe: Đầu tiên, chúng ta phải nhìn nhận những tranh chấp giữa doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực ở trong và ngoài lãnh thỗ là một điều tự nhiên trong kinh doanh. Phía COGSI có những bằng chứng để họ bảo vệ và thuyết phục Bộ Thương mại Mỹ (trong trường hợp đơn kiện được chấp nhận) thì phía Việt Nam - ở đây là VASEP, đại diện cho các doanh nghiệp xuất tôm cũng có bằng chứng để chứng minh những thông tin đó là không đúng.
Cụ thể, Việt Nam đã là thành viên của WTO nên mọi trợ cấp cho ngành nông nghiệp đều phải tuân theo những cam kết của WTO và kèm theo những dữ liệu để chứng minh cho sự phù hợp đó.
Trước đây, ngành thép cũng rơi vào tình huống tương tự nhưng các doanh nghiệp thép đã chứng minh họ kinh doanh không nhờ vào những khoản trợ cấp từ chính phủ. Đây cũng là một điều khích lệ chúng tôi khi đối diện với COGSI.
Mục đích cuối cùng của COGSI là muốn các doanh nghiệp bảy nước có tên trong danh sách phải bán tôm với giá cao hơn trong thời gian tới. Vậy, trong tình huống giả định là DOC không chấp nhận đơn kiện của COGSI thì doanh nghiệp Việt Nam có nên tận dụng cơ hội này để chào báo giá cao hơn tại thị trường Mỹ hay không?
- Chuyện trợ cấp nông nghiệp và giá cả thị trường là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Giá tôm của doanh nghiệp Việt Nam xuất sang Mỹ không phải do doanh nghiệp mà do thị trường quyết định.
Doanh nghiệp đều muốn bán giá cao nhưng thực tế không phải vậy, vì mặt bằng giá các sản phẩm chế biến từ tôm và nhiều mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam và cả những nước khác là do người tiêu dùng Mỹ quyết định.
Bây giờ chúng ta thử đặt vào trườnghợp xấu nhất là Bộ Thương mại Mỹ chấp nhận đơn của COGSI và Việt Nam không có bằng chứng nào thuyết phục được thì tôm Việt Nam phải chịu mức thuế bao nhiêu?
- Mức thuế mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu lúc đó là 12%. Điều này đồng nghĩa với giá bán cũng tăng theo và như vậy người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao hơn. Vì vậy, trong trường hợp COGSI đạt được mục đích, phần thiệt thòi là của người tiêu dùng Mỹ. Lúc này, tiền thuế phải trả thêm sẽ từ túi của người tiêu dùng Mỹ chuyển sang cho chính phủ nước họ, còn COGSI không nhận được khoản thuế này.
Vậy khi nào sẽ có thông tin chính thức từ Bộ Thương mại Mỹ chấp nhận đơn kiện của Liên minh Khai thác thác tôm Mỹ?
Nếu không có gì thay đổi, ngày 17-1 Bộ Thương mại Mỹ sẽ có trả lời chính thức là có hay không việc tiếp nhận đơn kiện chống trợ cấp đối với tôm nước nhập khẩu từ Việt Nam và các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ecuador, Ấn Độ và Trung Quốc của COGSI.
Vì thế, trong khi chờ đợi thông tin chính thức, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải dự đoán những tình huống xấu nhất có thể xảy ra để phản bác những lập luận của COGSI. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng dự trù phải khoản tài chính cần thiết để theo đuổi vụ kiện.
Xin cảm ơn ông!
Theo VASEP, năm 2012 tôm Việt Nam xuất khẩu qua 92 thị trường khác nhau, tổng giá trị thu về là 2,25 tỉ đô la Mỹ, giảm 6,3% so với năm 2011. Mỹ là thị trường đứng thứ hai (sau Nhật Bản) với giá trị xuất khẩu chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm.