Có thu nhập từ việc vớt rau câu
Ở vũng Mắm (vịnh Xuân Đài, xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) có nhiều rau câu chân vịt. Người dân quanh vùng có thu nhập khá từ việc vớt loại rau câu này.
Giữa trung tuần tháng 7, tranh thủ lúc nước vịnh Xuân Đài xuống thấp, người dân quanh vùng lặn xuống vũng Mắm vớt rau câu chân vịt để bán. Ông Nguyễn Văn Toàn, người dân ở cạnh vũng Mắm, cho hay: Một ngày, người lặn giỏi vớt từ 30 đến 40kg rau câu chân vịt tươi. Với giá bán 7.000 đồng/kg tươi thì người dân kiếm trên 200.000 đồng. Còn theo ông Trần Văn Hùng, người dân ở đây, thì khu vực bãi rạn trước nhà ông có nhiều rau câu chân vịt. Vào tháng 4, rau câu chân vịt mọc dày, ông chỉ cần lội xuống cào chứ không phải lặn để vớt. Tuy nhiên, nhiều người đi vớt nên rau câu chân vịt ít dần.
Hàng năm, vào mùa nắng nóng, đàn ông đi vớt, còn phụ nữ, người già thu mua chế biến phơi khô. Rau câu muốn bán được ra thị trường phải trải qua rất nhiều công đoạn. Bà Nguyễn Thị Chưởng, một người chuyên mua rau câu tươi phơi khô, cho hay: Nghề này mua ướt bán khô. Giá bán 300.000 đồng/kg khô. Rau câu chân vịt thành phẩm phải qua 5 nắng, 5 nước. Nghĩa là phơi khô rồi đem ra rửa rồi phơi tiếp; lần lượt 5 lần rửa, 5 lần phơi nắng. Rau câu chân vịt khi phơi lần đầu khô, đem ngâm nước không bị rữa mà trắng thêm. Vì vậy, càng qua nhiều lần rửa rồi phơi thì rau câu càng trắng. Còn theo bà Trần Thị Chín, người có gần 10 năm chế biến rau câu chân vịt, thì rau câu chân vịt mua về phơi cắt gốc sẽ không dính sạn. Rau câu chân vịt khô có thể ngâm trong nước qua đêm hoặc vài giờ đồng hồ cho nở rồi mới chế biến các món ăn. Trung bình mỗi ngày, bà bán 10kg rau câu chân vịt khô, chủ yếu ở thị trường Nha Trang. Khách nước ngoài mỗi khi tham quan vịnh Xuân Đài cũng mua nhiều.
Ông Trần Nam Yên, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, cho biết: Vùng này có nhiều rau câu chân vịt. Hiện quanh vùng có từ 20 đến 30 người mưu sinh bằng công việc này. Rau câu chân vịt đã góp phần mang lại thu nhập đáng kể và tạo công ăn việc làm cho người dân ở đây.