Con tôm Sóc Trăng và những cơ hội đầu tư
Là tỉnh có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn, tổng sản lượng tôm nguyên liệu cung cấp ra thị trường hơn 100.000 tấn mỗi năm; cộng thêm tình hình sản xuất mấy năm nay khá thành công, nghề nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp công ty, khi muốn phát triển thị trường, mở rộng vùng nguyên liệu hay liên kết thành chuỗi sản xuất tiêu thụ lâu dài.
Dự kiến đến quý 4/2018, khu sản xuất tôm giống chất lượng cao của Tập đoàn Việt-Úc xây dựng tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, sẽ đi vào hoạt động, công suất ban đầu có thể cung cấp 5 tỉ con giống/năm, chiếm khoảng 60% nhu cầu tôm giống nước lợ trong tỉnh. Lần đầu tiên Sóc Trăng có cơ sở sản xuất tôm giống tại chỗ, mang đến hy vọng thành công cho người nuôi tôm trong tỉnh. Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt-Úc, cho biết: “Chúng tôi rất mong Ngành Tôm của Sóc Trăng phát triển lên tầm cao mới. Việc chúng tôi đưa con giống đến gần vùng nuôi tôm Sóc Trăng để cùng người nuôi thúc đẩy Ngành Tôm phát triển theo hướng an toàn và gia tăng giá trị sản xuất”.
Dự án nhà máy sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt-Úc.
Nhìn thấy tiềm năng sẵn có ở Sóc Trăng, những năm qua, nhiều doanh nghiệp tìm đến xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao; như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính do Tập đoàn Him Lam đầu tư ở xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, năng suất có thể đạt 100 tấn/ha/vụ; mô hình khép kín nuôi tôm từ khâu con giống, chế biến thức ăn đến nuôi và chế biến xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao của công ty TNHH Vĩnh Thuận tại phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu... Từ những tiến bộ kỹ thuật, cộng thêm điều kiện tự nhiên thích hợp của Sóc Trăng, các khu vực nuôi tôm này nhiều năm qua đã mang lại doanh thu rất cao cho các doanh nghiệp.
Tại các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) nuôi tôm trong tỉnh, doanh nghiệp tìm đến con tôm thông qua các hợp đồng cung ứng giống, vật tư đầu vào và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại về liên kết đầu vào có 5 HTX/THT với diện tích 197 ha liên kết với các nhà cung ứng vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, giống). Liên kết đầu ra có 11 HTX/THT với diện tích 337 ha đã ký liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các công ty thu mua tại tỉnh với giá cao hơn so với thị trường.
Mô hình nuôi tôm phủ bạt đáy ở Sóc Trăng
Bên cạnh đó, Ngành Thủy sản Sóc Trăng tập trung cho công tác xây dựng nghề nuôi tôm nước lợ theo hướng VietGAP, tạo ra con tôm sạch, chất lượng cao. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho các HTX, THT để các tổ chức này có đầy đủ năng lực, trình độ trong đàm phán, đối thoại cùng doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các HTX, THT thực hiện nuôi theo chuẩn VietGAP. Còn các doanh nghiệp cũng phải có kế hoạch thu mua sản phẩm của người nuôi sao cho nhanh gọn, hợp lý và giá cả phải cao hơn bên ngoài”.
Tin rằng với những nền tảng đã xây dựng, con tôm Sóc Trăng sẽ là cơ hội làm ăn đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh dễ dàng nhận thấy, cùng với các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, nghề nuôi tôm nước lợ sẽ giúp cho doanh nghiệp và người nuôi tôm cùng phát triển.