“Công đoàn” lưới cá thuê
Mỗi năm con cá tra VN “bơi” ra nước ngoài mang về cho đất nước gần 2 tỉ USD. Đằng sau con số hào nhoáng ấy là công việc vất vả và sự hi sinh thầm lặng của rất nhiều người làm nghề lưới cá thuê.
9g sáng, bầu trời âm u. Chiếc ghe nhỏ chở nhóm thợ cập vào cù lao nhỏ chưa được đặt tên ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau khi cất đồ đạc trong cái kho dã chiến làm bằng tôn, họ trở ra điểm tập kết bắt đầu công việc mới mà cũ: kéo lưới bắt cá tra đưa về nhà máy chế biến.
Lội ao bất kể ngày đêm
Ao cá đang thu hoạch rộng khoảng 1ha. Chủ ao là Công ty CP Gò Đàng có nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bến Tre và Tiền Giang. Nhóm thợ căng lưới bao hết bề rộng của ao khoảng 30-40m rồi từ từ kéo về phía đầu ao bên kia. Cá tra cỡ 1kg phóng vèo vèo mỗi khi chạm vào lưới.
Hơn một tiếng đồng hồ sau nhóm thợ này mới gom được đàn cá về một góc ao. Lúc này nhóm thợ trên bờ cũng bắc xong chiếc cầu tạm bằng ván gỗ từ ao cá lên đê và từ đê dẫn xuống chiếc ghe bầu đang neo dưới sông.
Ba người thợ dùng thúng nhựa cỡ lớn nhẹ nhàng xúc cá đổ vào trúm (giống như cần xé) để phía sau lưng. Hàng ngàn con cá quẫy đuôi tìm cách thoát thân, nước bắn tung tóe. Họ nhắm mắt, nín thở cho đến khi quay lại phía sau đổ cá vào trúm mới mở mắt ra. Những người thợ khác đứng chờ sẵn lập tức xỏ cây đòn xóc vào quai trúm khiêng lên bờ cân rồi khiêng xuống ghe chuyên dụng chở cá còn sống.
“Ui da, tao bị cá chém chảy máu rồi”. Anh Nguyễn Văn Bạc, 45 tuổi, quê ở Tân Châu, tỉnh An Giang, là nạn nhân mới nhất của ngạnh cá tra. Anh vừa nặn máu từ vết thương vừa tặc lưỡi, hít hà vì đau nhức. Cá tra có hai cái ngạnh rất cứng. Đưa tay vào chỗ bầy cá mấy trăm con đang nhảy lung tung tìm cách thoát thân chẳng khác nào đùa với bẫy chông di động. Bị ngạnh cá tra đâm chảy máu sẽ rất đau nhức. Thường phải mất vài tiếng sau mới bớt.
Cách đó không xa, nhóm “công đoàn” lưới cá thuê của anh Nguyễn Văn Mách (48 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cũng đang hối hả chuyển cá từ ao xuống ghe để kịp xuất bến về nhà máy trước khi nước ròng. Anh Mách cho biết nhóm của anh có 26 người, tất cả đều là dân An Giang lặn lội qua Bến Tre làm thuê.
Anh Mách kể hồi 2g khuya này nhóm của anh đã lội xuống ao kéo lưới. 5g sáng đã đưa cá xuống ghe xong. Nghỉ ngơi ăn uống một chút lại lội xuống ao khác. “Nghề này làm việc bất kể ngày hay đêm, cứ coi con nước mà làm.
Theo hợp đồng, tối đa 12 tiếng kể từ lúc đưa cá xuống ghe thì phải về tới nhà máy. Để đảm bảo tỉ lệ cá sống 99,9% khi về tới nhà máy thì trước khi ghe xuất bến chừng hai tiếng rưỡi thì thợ mới lội xuống ao kéo lưới. Mà làm chậm cũng không được, lỡ ghe mắc cạn, cá chết thì bán nhà cũng không đền nổi” - anh Mách kể.
Tối. Ăn cơm xong, nhóm thợ lưới cá đi tìm gốc cây để giăng võng xí chỗ ngủ. Xong, họ tìm một góc tương đối bằng phẳng trên bờ đê bày biện uống rượu cho đỡ buồn. Anh Nguyễn Văn Bạc theo nghề lưới cá tra thuê được hơn chục năm nay.
Anh kể cuộc sống của thợ lưới cá chẳng khác gì dân du mục chăn cừu trên thảo nguyên. Tài sản là chiếc balô đựng quần áo và một chiếc võng bằng vải dù. Ngâm nước cả ngày, tối lại phơi sương và làm “mồi” cho muỗi nên sức khỏe của thợ suy giảm rất nhanh.
Cuộc sống của anh em thợ lưới cá xưa nay không tivi, không báo chí, cũng không quan tâm chuyện thời sự. Họ chỉ cần việc làm và một chiếc điện thoại có chức năng nghe, gọi và nhắn tin để liên lạc với vợ con hằng ngày là quá đủ. Những người thợ trẻ thì tìm vui với Facebook, Zalo...
Anh Nguyễn Văn Tý (trái), trưởng nhóm "công đoàn" lưới cá thuê cùng đồng đội khiêng cá từ ao xuống ghe để chở về nhà máy - Ảnh: V.TR.
“Công đoàn”... du mục
Anh Nguyễn Văn Tý (28 tuổi, trưởng nhóm thu hoạch cá tại ao Công ty CP Gò Đàng) nói công đoàn của anh sẽ đóng quân ở khu ao trên cù lao không tên khoảng một tuần mới bắt hết cá. Tôi ngạc nhiên: “Đây là công đoàn của công ty à?”. Tý cười: “Không phải. Tụi em ở An Giang lên đây lưới cá thuê thôi chứ không phải là người của công ty”. Tôi tròn mắt: “Sao gọi là công đoàn?”.
Tý bối rối đưa tay gãi đầu: “Tên này đã có từ lâu rồi, em cũng không biết tại sao”. Tôi đem thắc mắc này hỏi anh Mách, anh cũng lắc đầu: “Tui cũng không biết sao gọi là công đoàn, nhưng theo tui hiểu công đoàn là tập hợp anh em lại đi làm công cho người ta. Giờ nói tới chữ công đoàn thì người ta biết là thợ lưới cá thuê tụi tui liền”.
Quê của Tý ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Hai vợ chồng lang bạt ở Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long làm nghề lưới cá tra thuê được bốn năm nay. Thấy Tý có uy tín với thợ nên ông chủ “công đoàn” giao anh làm trưởng một nhóm 27 người.
Ông còn giao luôn chiếc ghe cho vợ chồng Tý quản lý, chở thợ và dụng cụ đi làm hằng ngày. Nhóm của Tý có thuê một chị nuôi lo nấu ăn ngày ba bữa cho thợ. Vợ anh bán tạp hóa dưới ghe kiếm thêm đồng lời.
Còn quê của anh Mách ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Anh đã có ba đứa con. Nhà không có ruộng đất sản xuất nên anh đi làm mướn từ lúc chưa được 20 tuổi. Ban đầu làm các công việc ở đồng ruộng, nhưng sau đó xin theo “công đoàn” tập tành lưới cá, gánh cá thuê vì thu nhập cao hơn. Từ phận “cu li”, hiện giờ anh đã lên chức trưởng nhóm chiêu nạp, quản lý, lo ăn nghỉ và thu nhập cho gần 30 thợ là em út ở dưới quê. Anh Mách bảo rằng công việc này rất vất vả, nay đây mai đó, làm ở đâu thì ăn nghỉ ở đó chứ không có chỗ trọ cố định. Những người sức khỏe không tốt thì làm vài ngày là bệnh.
Anh Mách thở dài: “Lính tui đào ngũ hoài chứ gì. Lớp thì chịu khổ không nổi, lớp thì sức khỏe yếu nên bỏ về. Cứ một hai tháng tui phải về An Giang tìm người bởi vì lính tráng ít quá làm không kịp, doanh nghiệp không thuê. Mà tìm lính cũng khó lắm. Tay mơ làm cũng không được, phải biết nghề chút đỉnh chứ lơ mơ lội xuống ao bị cá “chém” tơi bời hoặc là khiêng cá đi cầu ván bị té đổ cá xuống sông là đền chết luôn”.
Tý bảo làm sếp của thợ lưới cá không hề đơn giản bởi vì “công đoàn” có luật riêng, không theo quy định của cơ quan nhà nước hay quy chế doanh nghiệp. Anh em đối đãi với nhau chủ yếu bằng cái tình, cái nghĩa. Ai trả lương cao và giúp đỡ tiền bạc cho anh em bất cứ lúc nào họ cần thì sẽ thu phục được họ. Tý kể tháng trước anh thợ tên Đel quê ở An Giang nhận được điện thoại của gia đình báo tin mẹ ruột của anh bị bệnh phải nhập viện.
Ngay khi nghe anh em trong nhóm báo lại, Tý đã kêu anh Đel tới đưa cho 2 triệu đồng rồi bảo anh chạy ra bưu điện gần nhất gửi về nhà để lo thuốc men, xong thì ra xe về quê thăm mẹ.
“Công việc này ổn định quanh năm nhưng rất cực. Một tháng phải ngâm nước hết ba tuần. Nắng mưa gì vẫn phải làm vì hàng ngàn công nhân ở nhà máy không thể nghỉ chờ cá được. Mình mà đối xử tệ với anh em thì họ sẽ bỏ đi hết. Ai cũng xa xứ kiếm sống nên phải nương tựa, giúp đỡ nhau. Nhiều lúc nhậu vô cũng gây gổ inh ỏi, nhưng chút xíu là cười hề hề” - Tý kể.
Hôm gặp ông Nguyễn Văn Đạo (tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng) đi thị sát khâu thu hoạch cá ở Bến Tre, ông có nói hiện công ty có tới 200ha mặt nước nuôi cá tra để chế biến cá philê và tẩm bột chiên xuất khẩu. Công ty rất cần một đội lưới cá chuyên nghiệp để chủ động trong việc thu hoạch cung cấp cho nhà máy. Công ty sẽ trả lương, mua bảo hiểm và các chế độ thưởng lễ, tết cho họ như công nhân chế biến. Tuy nhiên ai cũng lắc đầu từ chối. Lý do rất đơn giản là thợ lưới cá không muốn bị ràng buộc bởi giờ giấc, quy định này nọ của bất cứ một tổ chức nào.
Có việc làm ngày nào hay ngày nấy
Nguyễn Hữu Tuấn (32 tuổi, quê huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) nói thợ lưới cá thuê thích lối sống du mục, muốn làm gì thì làm, hôm nào nhớ vợ con thì báo sếp một tiếng rồi về. Hễ vui thì trở lại làm tiếp, buồn thì nghỉ luôn cũng không sao. Tôi giải thích nếu làm cho công ty thì công việc ổn định hơn, lại có bảo hiểm y tế, bệnh đau cũng đỡ lo viện phí. Tuấn cười buồn: “Em không biết làm tự do hay làm cho công ty thì có lợi hơn. Hiện giờ thu nhập tụi em được 8-9 triệu đồng/tháng, cao hơn công nhân.
Em làm nghề này hơn hai năm rồi mà chưa nghe ai bàn tới chuyện tháng sau, năm sau sẽ làm gì cả. Có việc làm ngày nào là mừng ngày đó. Những người có gia đình rồi thì tiêu xài dè sẻn để dành tiền gửi về cho vợ con. Một số thợ trẻ còn độc thân lâu lâu được nghỉ sẽ tìm quán bia ôm hay karaoke ôm để đốt tiền. Làm cực khổ rồi cũng trắng tay”.
“Công việc này ổn định quanh năm nhưng rất cực. Một tháng phải ngâm nước hết ba tuần. Nắng mưa gì vẫn phải làm vì hàng ngàn công nhân ở nhà máy không thể nghỉ chờ cá được. Mình mà đối xử tệ với anh em thì họ sẽ bỏ đi hết. Ai cũng xa xứ kiếm sống nên phải nương tựa, giúp đỡ nhau Nguyễn Văn Tý