Công dụng mới của Xuyên tâm liên phòng bệnh cho cá
Một nghiên cứu về một loài thực vật được sử dụng trong y học cổ truyền từ rất lâu đời là cây Xuyên tâm liên có khả năng ức chế sự bộc phát cũng như gây hại của liên cầu khuẩn Streptococcus trên cá rô phi.
Cá rô phi, cá điêu hồng được nuôi rộng rãi ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ của Việt Nam tuy nhiên dịch bệnh phổ biến xảy ra trên cá chủ yếu do vi khuẩn Streptococcus spp, Bệnh xuất hiện làm tỷ lệ chết lên tới 60 - 100% gây tổn thất lớn và nặng nề cho người nuôi cá.
Khi cá mắc bệnh có các biểu hiện: yếu, thân sẫm màu, bơi trên tầng mặt, mắt lồi, xuất huyết ở mắt và gốc vây, hậu môn và một số nơi trên cơ thể, có những nốt đỏ ở vùng da, xuất huyết đối xứng 2 bên vây lưng, tuột vảy. Trong cơ quan nội tạng: xoang bụng chướng có dịch đặc, túi mật sưng sẫm, lá lách sưng xuất huyết, gan tái, thận sưng viêm. Khi bệnh ghép với nấm làm cho bệnh nặng thêm.
Các hoạt chất kháng khuẩn từ thực vật được nghiên cứu mạnh mẽ, bao gồm những loài cây có khả năng chống lại bệnh xuất huyết lồi mắt trên cá rô phi. Trong đó phải kể đến cây Xuyên tâm liên. Một loài cây thảo thuộc họ Ô rô (Acanthaceae), có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka. Trong toàn cây xuyên tâm liên có 14 chất glucozit và flavon, với hoạt chất chính là andrographolide. Những chất có công dụng dược học rất mạnh mẽ. Phân tích cho thấy cây Xuyên tâm liên là một loài thực vật có những hoạt tính kháng khuẩn rất mạnh, vì vậy cần có những liều lượng thích hợp khi bổ sung vào thức ăn của cá. Nghiên cứu trước đây của C.Balasundaram và R.Harikrishnan, 2009 từng công bố cho thấy lá cây xuyên tâm liên nghiền nhỏ trộn vào thức ăn cá với liều 0.2% giúp cá chống lại xuất huyết.
Kháng Streptococcus từ chiết xuất lá Xuyên tâm liên
Trong nghiên cứu này, sáu loại thảo mộc đã được đánh giá về hoạt tính kháng khuẩn của chúng đối với liên cầu khuẩn Streptococcus agalactiae, một tác nhân gây bệnh chính gây bệnh Streptococcosis. Mỗi loại thảo mộc được chiết xuất với 3 dung môi: nước, 95% ethanol và methanol.
Sử dụng các xét nghiệm đĩa giấy tăm bông, các chất chiết xuất từ Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) và tỏi Allium sativum tạo ra các vùng ức chế lớn nhất (27,5 mm) và nhỏ nhất (10,3 mm), tương ứng. Xác định nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của chất chiết xuất từ thảo dược đối với S. agalactiae cho thấy chiết xuất từ cây Xuyên tâm liên A. paniculata có giá trị MIC thấp nhất (31,25 μg / mL). Chiết xuất của tỏi A. sativum là chiết xuất thảo dược duy nhất có MIC> 500 μg / mL.
Dựa trên tỷ lệ chết của cá trong 2 tuần sau khi tiêm S. agalactiae màng bụng, liều gây chết trung bình (LD50) của S. agalactiae đối với cá rô phi (Oreochromis niloticus) là 3,79 × 105 CFU / mL.
Các thí nghiệm in vivo cho thấy thức ăn cho cá bổ sung với bột lá Xuyên tâm liên A. paniculata hoặc chất khô chiết xuất từ lá Xuyên tâm liên làm giảm tỷ lệ tử vong của cá rô phi sau khi nhiễm S. agalactiae một cách rõ rệt. Ngoài ra, không có cá thể chết được tìm thấy trong nhóm cá nhận chất bổ sung xuyên tâm liên. Một dấu hiệu rất tốt và đáng ghi nhận.
Trong 2 tuần cho ăn bằng thức ăn bổ sung chiết xuất từ Xuyên tâm liên A. paniculata, không thấy ảnh hưởng xấu đến hình dạng, hoạt động hoặc phản ứng khi ăn của cá. Điều này chứng tỏ chúng an toàn đối với sức khỏe cá.
Qua đánh giá gây bệnh thực nghiệm trên cá rô phi cũng cho thấy khi bổ sung chiết xuất là Xuyên tâm liên với liều 0.3%, khả năng đề kháng của cá đối với liên cầu khuẩn Sreptococcus được tăng lên đáng kể. Nghiên cứu đã khẳng định vai trò phòng chống bệnh xuất huyết lồi mắt trên cá của một loài cây phổ biến tại Đông Nam Á. Qua đó giúp người dân hạn chế được rủi ro do loài vi khuẩn nguy hiển này gây ra.