Đã tìm được cách chữa bệnh tôm chết sớm
Năm 2012, ngành nuôi tôm mất khoảng 30.000 tỉ đồng vì bệnh chết sớm ở tôm (EMS) nhưng năm nay tỷ lệ tôm chết vì bệnh này đã giảm xuống do người nuôi sử dụng công nghệ nuôi biofloc. Theo Tổng cục Thủy sản, đây là một trong những cách được hy vọng sẽ giúp người nuôi tôm kiểm soát được bệnh EMS trong những năm tới.
Công nghệ nuôi biofloc được hiểu là ao nuôi tôm sẽ được bổ sung một số loại vi sinh vật và không thay nước trong quá trình nuôi. Mô hình này đã được một số hộ nuôi tôm đang áp dụng tại một số địa phương ở miền Trung và ĐBSCL.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), hiện hai cách thức nuôi tôm bằng công nghệ biofloc và kết hợp nuôi tôm với cá rô phi đang được áp dụng ở một số địa phương đã cho kết quả tốt. Vì thế, Tổng cục Thủy sản đang cử một nhóm chuyên gia nghiên cứu công nghệ nuôi biofloc phù hợp hơn với điều kiện nước, khí hậu của ĐBSCL trước khi chuyển giao cho các hộ nuôi tôm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2013, Công ty Minh Phú, Cà Mau, nhờ kết hợp nuôi tôm với cá rô phi ở 20 héc ta và đã giúp công ty này giảm được tỷ lệ tôm chết vì bệnh EMS.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ nhiệm Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng cho biết, năm nay, các hộ dân nhờ nuôi chung cá điêu hồng với tôm nên tỷ lệ ao tôm bị mất trắng giảm đáng kể, tỷ lệ tôm chết vì bệnh EMS giảm nên sản lượng cũng tăng lên. Còn những nơi chưa áp dụng cách nuôi này thì tỷ lệ tôm chết từ 30% đến 70% sau 30 ngày thả nuôi.
Thực tế, không phải Việt Nam mà các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan cũng đang áp dụng hai cách nói trên và qua đó giúp ngành nuôi tôm hai nước này tăng được sản lượng.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nhờ quản lý được bệnh EMS nên ngành nuôi tôm Thái Lan đang có dấu hiệu phục hồi. Vasep trích dẫn dự báo của ngành nuôi tôm Thái Lan cho thấy, sản lượng tôm của Thái Lan vào năm 2014 vào khoảng 300.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với năm nay và đạt 500.000 tấn năm 2016.
Cũng theo Vasep, năm 2012, sản lượng tôm nuôi của Trung Quốc hơn 1 triệu tấn. Tuy nhiên, sang năm 2013, do bệnh EMS mà sản lượng tôm của Trung Quốc dự kiến giảm 30% so với năm 2012.
"Hiện Trung Quốc, Thái Lan đang áp dụng hai cách nuôi nói trên. Như vậy, nhiều khả năng từ năm 2014, hai nước này sẽ khôi phục lại diện tích nuôi tôm kéo theo sản lượng tôm cũng tăng lên", ông Tuấn nói.
Từ ngày 10 đến 13-12, Hội nghị nuôi trồng thủy sản châu Á - Thái Bình Dương do Bộ NN-PTNT và Hội nuôi trồng thủy sản thế giới (WAS) tổ chức tại TPHCM. Một trong chủ đề chính tại hội nghị lần này là công nghệ nuôi biofloc và dịch bệnh tôm với sự tham gia báo cáo của các chuyên gia về bệnh học thủy sản, công nghệ sinh học thủy sản đến từ Mỹ, Brazil, Thái Lan, Hà Lan, Malaysia và Việt Nam...
Bệnh EMS xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc vào năm 2009. Sau đó, bệnh bùng phát mạnh ở Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và khoảng 50-80% hộ nuôi tôm ở những quốc gia này bị nhiễm EMS. Hiện bệnh đã xuất hiện ở tây Mexico, theo báo cáo của Hội nuôi trồng thủy sản thế giới (WAS)