TIN THỦY SẢN

Đánh giá sức khỏe tôm thẻ trong ao qua cơ quan tiêu hóa

Tôm biểu hiện những bất thường trên cơ quan tiêu hoá, sản phẩm tiêu hoá. Ảnh: aouongdidong.com Lý Vĩnh Phước

Cơ quan tiêu hoá của tôm thẻ chân trắng bắt đầu từ dạ dày, gồm 2 miền tâm vị và môn vị, là nơi nghiền thức ăn của tôm. Tôm nuốt thức ăn, sau đó mới nghiền thức ăn.

Gan tụy, đường ruột tôm

Gan tụy bao gồm khối các ống nhỏ, các ống này đổ vào phần trước ruột giữa. Gan tụy là nơi tiết dịch tiêu hóa, trong dịch tiêu hoá có các Enzym phân giải như Pepsin, Trypsin, Protease, amylase, phytase…Gan tụy tôm nằm ở phần sau của ngực và ở phần bụng trước tim, có màu nâu vàng, theo cặp và sau gan là đường ruột. Gan tụy tôm có chức năng hấp thụ và dự trữ các chất dinh dưỡng.

Đường ruột tôm nằm ngay sau gan tụy và kéo dài xuống đuôi tôm, với chức năng quan trọng là tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Đường ruột tôm được chia thành 3 đoạn: Ruột trước, ruột giữa và ruột sau. Đường ruột tôm khỏe, to, giúp tôm lớn nhanh, sức đề kháng cao, khả năng thích nghi và chống chịu tốt đối với những yếu tố bất lợi từ môi trường.

- Ruột trước: Đây là phần đầu tiên của đường ruột bắt đầu từ miệng đến dạ dày, khi tôm ăn vào chứa tại dạ dày và quá trình tiêu hóa thức ăn bắt đầu với sự tác động của enzym tiêu hóa.

- Ruột giữa: Phần dài và uốn lượn của đường ruột, bề mặt ruột giữa lớn giữ vai trò chính trong việc hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn vào cơ thể.

- Ruột sau: có chức năng tiêu hoá thức ăn, hấp thụ nước, chất dinh dưỡng còn lại từ thức ăn. Đây là nơi tạo thành và lưu trữ phân, trước khi được loại bỏ ra khỏi cơ thể tôm thông qua hậu môn. 

Thông qua những biểu hiện bất thường trên cơ quan tiêu hoá, sản phẩm tiêu hoá…người nuôi có thể đánh giá sức khỏe tôm nuôi trong ao ở thời điểm quan sát, chủ động đưa ra các biện pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Dạ dày tôm là cơ quan tiêu hoá quan trọng, khi dạ dày viêm, sưng, mưng mủ...tôm sẽ giảm hoặc bỏ ăn. Dạ dày có màu trắng, vàng, đỏ…là các dấu hiệu cho thấy dạ dày tôm bị viêm nhiễm, tổn thương, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá thức ăn. Dạ dày trống rỗng, cho thấy sức khỏe tôm không tốt, tôm bỏ ăn.

Hệ thống tiêu hóa của tôm gồm gan, đường ruột, dạ dày. Ảnh: Tép Bạc

Gan tụy tôm là cơ quan tiêu hoá quan trọng nhất, gan tụy tôm yếu thường teo nhỏ, nhạt màu, gan bở, chai cứng, hoặc gan tụy chuyển sang các màu vàng, trắng, đỏ, đôi khi gan tụy tôm chuyển màu nâu nhạt. Dịch tiêu hoá từ gan tụy, túi mật tiết ra ít, thiếu hụt do tế bào tiết dịch tiêu hoá của gan tụy và tế bào biểu mô tiết dịch ruột suy giảm chức năng hoặc bị hư hại…Các hiện tượng trên là những biểu hiện gan tụy tôm không bình thường, đang bị tổn thương, sức khỏe tôm kém, hoặc tôm bị nhiễm bệnh nào đó.

Ruột tôm trống thức ăn, ruột đứt khúc, thức ăn không đầy ruột. Ruột tôm chứa dịch lỏng hoặc phân lỏng, dịch hoặc phân lỏng di chuyển qua lại khi bóp nhẹ vào thân tôm. Ruột tôm có màu đỏ (xuất huyết), hình thành buối trắng đục. Ruột tôm bị xoắn lò xo, ruột tôm hẹp, nhỏ. Ruột tôm chứa đầy vi khuẩn, ký sinh trùng, ruột tôm bị viêm nhiễm, tổn thương nhiều vị trí. Cùng với các biểu hiện bất thường trên gan, ruột tôm, như chúng tôi đã mô tả, tôm thường ăn yếu hoặc bỏ ăn, còi cọc, chậm lớn.

Kèm theo những biểu hiện bất thường từ các cơ quan tiêu hoá của tôm, phân tôm thải ra thường lỏng, ngắn, mau rã, màu sắc khác biệt màu thức ăn. Phân tôm hôi do vi khuẩn trong đường ruột phân huỷ theo hướng lên men thối, phân chuyển màu trắng, phân chứa nhiều dịch nhầy. Nhiều chất nhầy, trộn lẫn lượng lớn thức ăn chưa được tiêu hóa, thường làm cho phân tôm dẻo, giảm tỷ trọng, và nổi lên trên mặt nước. 

Các yếu tố môi trường

Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến tiêu hoá thức ăn của tôm thẻ chân trắng được đề cập như nhiệt độ, thông số khí độc, phèn, kim loại nặng, khoáng, dịch bệnh, thời tiết, khí hậu, chu kỳ lột xác...

- Nhiệt độ trong khoảng ≤ 280C và ≥ 310C không phù hợp cho tiêu hoá thức ăn của tôm thẻ chân trắng.

- Thông số môi trường như pH ≤ 7,5 hoặc ≥ 8,5 không phù hợp cho tiêu hoá thức ăn của tôm thẻ chân trắng.

- Độ kiềm ≤ 100 mg/lít CaCO3, không phù hợp cho tiêu hoá thức ăn của tôm thẻ chân trắng.

- Khí độc NH3, NO2 ≥ 5 mg/lít, không phù hợp cho tiêu hoá thức ăn của tôm thẻ chân trắng.

- Thời tiết, khí hậu, biến động bất thường, ảnh hưởng bất lợi đến tiêu hoá thức ăn của tôm thẻ chân trắng.

Tôm thẻ chân trắng. Ảnh: intronvn.com

Tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh dễ bùng phát thành dịch như gan tụy, chết sớm EMS, đốm trắng, Taura, phân trắng, EHP, vi bào tử trùng…khả năng tiêu hoá thức ăn của tôm giảm, gián đoạn hoặc ngừng hoạt động. Khi tôm lột xác, cần kiểm tra hàm lượng khoáng trong ao nuôi, chủ động cung cấp loại khoáng cần bổ xung, liều lượng cân đối theo tỷ lệ. Khoáng đa lượng như Ca, P, K, Mg; Khoáng vô cơ như CaCO3, MgSO4; Khoáng hữu cơ như Calcium-Lactate; Metal Amino Acid Complex… rất cần cho quá trình lột xác, tạo vỏ mới ở tôm thẻ chân trắng.

Trong quá trình nuôi, khi tôm lột xác, nếu thiếu các khoáng trên, thường xảy ra tình trạng tôm chậm lột xác, lột xác không đồng loạt, lột xác dính vỏ, đục cơ, cong thân, vỏ mỏng, vỏ sần sùi, thô ráp. Ao nuôi nhiễm phèn, kim loại nặng, nếu người nuôi không quan tâm, hoặc xử lý không triệt để, sẽ ngăn cản tôm hấp thu khoáng, tôm dễ bị đốm đen, khó lột vỏ, khó tạo vỏ mới.  

Tất cả những vấn đề chúng tôi đề cập, phân tích trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bắt mồi, tiêu hoá, hấp thụ thức ăn, chuyển hóa dinh dưỡng của tôm nuôi. Từng vấn đề cụ thể, tuỳ mức độ ảnh hưởng, hàm lượng thiếu hụt, tình trạng sức khỏe tôm nuôi…sẽ có những tác động khác nhau. Người nuôi cần chủ động kiểm tra tôm thường xuyên, đo thông số môi trường hàng ngày, đưa ra các giải pháp ngăn chặn kịp thời, phòng ngừa từ xa, nhằm nâng cao hiệu quả xử lý, điều trị, nếu môi trường diễn biến xấu, dịch bệnh bùng phát, sức khỏe tôm suy giảm.

Lý Vĩnh Phước