Để chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình phát huy hiệu quả
Tháng 6/2014, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU “về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020”. Sau hơn 2 năm triển khai đã khẳng định Nghị quyết ban hành sát, đúng với thực tế. Tuy nhiên, lộ trình đưa chính sách đi vào cuộc sống còn nhiều điểm đáng bàn.
Còn bất cập trong triển khai thực hiện
Theo chính sách này, người dân đầu tư nuôi cá lồng, đăng ký sẽ được hỗ trợ 1 lần bằng tiền sau đầu tư sản xuất để mua lồng khung sắt, lưới, mua con giống và thức ăn (mức hỗ trợ cho 1 lồng tối đa không quá 25 triệu đồng nhưng không quá 80 triệu đồng/năm cho 1 hộ hoặc hộ xã viên).
Theo Sở NN & PTNT, sau khi Nghị quyết được ban hành, Sở đã có văn bản đề nghị các cấp, ngành cung cấp thông tin và tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân biết nội dung chính sách, trình tự thủ tục đăng ký tham gia. Đồng thời, cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện, xã tuyên truyền, triển khai Nghị quyết và hướng dẫn của các sở đến doanh nghiệp và hộ hưởng lợi. Đăng ký kế hoạch thực hiện năm 2015, 2016, 2017 gửi Sở NN & PTNT tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đó là báo cáo của Sở NN & PTNT, còn thực tế ở cơ sở lại phản ánh theo chiều ngược lại: “Việc tuyên truyền còn lơi lỏng, hướng dẫn chưa sâu sát” - đó là ý kiến của đồng chí Xa Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Hiền Lương (Đà Bắc) phản ánh với các đại biểu HĐND tỉnh nhân dịp đoàn công tác của Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) khảo sát tại xã về “tình hình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Đảng ủy, UBND và cán bộ phụ trách công tác khuyến nông của xã nêu rõ: Thực tế, Hiền Lương là xã có nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản và người dân đã nuôi cá lồng từ hàng chục năm nay. Hiện, toàn xã có khoảng 50 hộ nuôi cá với trên 200 lồng. Nuôi thuỷ sản trên hồ Hòa Bình đang là nghề hiệu quả trong phát triển kinh tế. Vì vậy, có được chính sách hỗ trợ theo tinh thần nghị quyết trên là điều đáng quý. Tuy nhiên vì công tác tuyên truyền chưa sâu nên còn nhiều người dân không biết để đăng ký.
Xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) cũng là một trong những cơ sở phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã: Sau khi có các văn bản hướng dẫn của Sở NN&PTNT, UBND TP Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Quyết định số 10 của UBND tỉnh, xã đã tổ chức tuyên truyền đến hộ dân để họ đăng ký nuôi cá lồng theo chính sách hỗ trợ. Kết quả, số lồng cá được đăng ký nuôi theo chính sách này trên địa bàn xã có 153 lồng. Các hộ đăng ký đã đóng xong lồng và mua cá thả theo đúng quy định. Về cơ bản, đàn cá sinh trưởng tốt, không có dịch bệnh. Tuy nhiên cho đến nay, người dân vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Nhiều hộ rơi vào cảnh khó khăn, chật vật vì vay tiền ngân hàng để đóng lồng và nuôi cá.
Mới đây, tại Báo cáo số 314, ngày 16/12/2016 của UBND TP Hòa Bình “Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri trình tại Kỳ họp thứ 2- HĐND TP Hòa Bình khóa XX”, phần trả lời ý kiến của cử tri xã Thái Thịnh về sớm thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân đã đóng lồng cá năm 2016 nêu rõ: Ngày 24/10/2016, UBND TP Hòa Bình đã có Công văn số 1743 về việc đề nghị cấp kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện năm 2016 gửi Sở NN & PTNT và UBND tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, UBND tỉnh chưa bố trí vốn năm 2016 nên chưa có nguồn để chi trả cho các hộ.
Có sự bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách - vấn đề này cũng được Sở NN & PTNT chỉ rõ: Đến nay, nhiều xã chưa nắm vững các quy định nên khi đăng ký, làm lồng nuôi chưa đúng theo quy định, hướng dẫn làm lồng chưa phù hợp với điều kiện phải di chuyển khi mực nước lên xuống theo mùa. Phần kinh phí tự túc của người dân còn hạn chế, không có khả năng đầu tư để làm lồng. Nhiều hộ khi mua con giống ở các hộ nuôi nhỏ lẻ không có giấy kiểm dịch, giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn nên khó khăn trong công tác hoàn thiện thủ tục chứng từ nghiệm thu thanh toán…
Cần rà soát lại để phát huy hiệu quả chính sách
Đó là ý kiến của đồng chí Đinh Văn Dực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh qua quá trình tham gia các cuộc khảo sát, giám sát tình hình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khẳng định Nghị quyết số 12-NQ/TU là chủ trương đúng đối với người dân làm nghề nuôi thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện sông Đà. Hiện tại, toàn tỉnh có 3,85 nghìn lồng nuôi cá, tăng 2,15 nghìn lồng so với năm 2014, riêng khu vực vùng hồ sông Đà có 3.390 lồng, tăng 1.919 lồng so với trước khi ban hành Nghị quyết. Trong 1.919 lồng cá tăng thêm mới có 558 lồng, tương ứng 29% lồng được hỗ trợ từ ngân sách. Tuy nhiên, nhìn vào con số này, không riêng đồng chí Đinh Văn Dực mà nhiều đại biểu cũng cho rằng cần phải rà soát lại, đánh giá sát thực, cụ thể việc triển khai, thực hiện chính sách. Qua đó tìm ra những điểm vướng, bất cập để có sự điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả. Bởi khi chưa có chính sách hỗ trợ, người dân vùng lòng hồ đã phát triển hàng nghìn lồng cá, có thu nhập ổn định từ hàng chục năm nay. Chính sách được ban hành đã hơn 2 năm nhưng đến thời điểm hiện tại, số hộ dân được thụ hưởng còn quá ít và chưa thể định lượng về mặt hiệu quả. Mặt khác cần đánh giá rõ tác động môi trường trong thực hiện các dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện sông Đà. Bởi năm 2016, hồ thủy điện Hòa Bình đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch, đến năm 2020, khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành khu du lịch quốc gia.
Đánh giá đúng để chỉ rõ mặt được và phân tích rõ những hạn chế, vướng mắc để khắc phục, đó là hành động thiết thực nhằm phát huy hiệu quả chính sách đã được ban hành.