Để kiểm soát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp
Một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã cho thấy phương pháp hiệu quả nhằm kiểm soát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp ở quy mô trang trại trong nuôi thâm canh tôm chân trắng.
Hiện nay đối với bệnh đốm trắng thì 100% người nuôi thu hoạch sớm hoặc tiêu hủy tôm bằng chlorine rồi xả bỏ để tránh lây lan. Việc phòng bệnh chủ yếu là chú trọng cải tạo kỹ ao nuôi, diệt giáp xác và xét nghiệm con giống không mang mầm bệnh. Còn với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính theo điều tra có 70-80% người nuôi dùng kháng sinh, chất bổ trợ gan và chế phẩm vi sinh để phòng trị bệnh. Tuy nhiên trong số đó chỉ có 30-40% cho rằng việc chữa trị mang lại hiệu quả.
Đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ nuôi thâm canh tôm chân trắng kiểm soát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp ở quy mô trang trại” đã đánh giá được hiện trạng kiểm soát, quản lý bệnh đốm trắng và hoại tử gan tuỵ cấp tính trên tôm chân trắng nuôi thâm canh ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang.
Các chất tăng cường miễn dịch như β-glucan, MOS (Mannan Oligosaccharide) đã được thử nghiệm phòng bệnh đốm trắng. Ngoài ra các chất kháng khuẩn có nguồn gốc thảo dược (hỗn hợp tinh dầu hương thảo, hoa hồi, gừng, tỏi), axít hữu cơ (captylic & capric acid) và chế phẩm vi sinh cũng đã được thử nghiệm trong kiểm soát bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.
MOS và β-glucan mang lại hiệu quả phòng bệnh đốm trắng tốt khi sử dụng liều 50 mg β-glucan + 15 mg MOS/kg thức ăn. Nhóm axít hữu cơ, thảo dược, PHB có hiệu quả tốt trong phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh đơn lẻ chưa mang lại hiệu quả cao trong phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính tuy nhiên khi kết hợp với chất kháng khuẩn ở liều 0,3% thảo dược và 0,5% axít hữu cơ trộn vào thức ăn mang lại hiệu quả phòng trị bệnh hoại tử gan tụy tốt hơn.
Kết quả thử nghiệm mô hình nuôi ở Bạc Liêu và Kiên Giang vào mùa mưa và mùa khô cho thấy việc kiểm tra Vibrio tổng số định kỳ 3 ngày/lần kết hợp với thảo dược, axít hữu cơ và chế phẩm vi sinh mang lại hiệu quả tốt.
Diễn biến của mật độ Vibrio trong ao nuôi không theo quy luật nhất định, tùy thuộc vào cách xử lý trong ao nuôi. Mật độ Vibrio tăng dần theo thời gian nuôi và tích tụ các chất hữu cơ, mật độ Vibrio khuẩn lạc xanh cao thường tương ứng với V. parahaemolyticus hiện diện trong ao nuôi. Vibrio hiện diện trong mẫu bùn đáy ao nhiều gấp 3-4 lần so với trong mẫu nước. Do đó V. parahaemolyticus trong nền đáy đáng được quan tâm và loại thải kỹ từ bước cải tạo ao. Nitrite, ammonia, tổng sulfide có khuynh hướng tăng theo thời gian nuôi. Việc xi phông đáy ao rút bớt cặn đáy 3 ngày/lần mang lại hiệu quả tốt trong việc làm giảm lượng hữu cơ tích tụ và mật độ vi khuẩn trong ao.