Để ngư dân làm giàu từ biển
Những bất cập trong thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP đã khiến nhiều ngư dân gặp khó khăn trong việc vay vốn đóng tàu khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, rủi ro cao và lợi nhuận mang lại không nhiều.
Tổng số phương tiện đánh bắt và làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Bạc Liêu là 1.220 chiếc (trong đó tàu có công suất từ 90CV trở lên là 518 chiếc). Từ số lượng tàu trên cho thấy, nghề khai thác của Bạc Liêu rất phát triển. Tuy nhiên, tình trạng phát triển công nghiệp đóng tàu và dịch vụ nghề biển vẫn là một bức tranh với những gam màu tối. Bởi, số lượng công ty làm dịch vụ đóng mới, sửa chữa tàu còn rất ít, phần lớn chỉ sửa chữa là chính. Do vậy, khi có nhu cầu đóng mới tàu, đa số ngư dân phải tìm đến các cơ sở ngoài tỉnh để rồi gánh thêm các khoản chi phí không đáng có.
Ngư dân còn tự vay tiền đóng mới tàu để vươn khơi tại thị trấn.Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: P.Đ
Bên cạnh đó, phần lớn ngư dân Bạc Liêu phải tìm mua ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản ở các tỉnh như: Kiên Giang, Vũng Tàu, Ninh Thuận… Ông Dương Xuân Thạnh, chủ cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ (ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) nói: “Tôi kinh doanh các mặt hàng này hơn 20 năm. Phần lớn ngư lưới cụ ngư dân trong tỉnh sử dụng đều mua từ các tỉnh khác vì giá rẻ hơn mua ở địa phương. Ở Bạc Liêu chưa có nhà máy hay xí nghiệp nào sản xuất máy móc nên ngư dân phải mua từ Thái Lan qua đường tiểu ngạch hoặc chọn mua máy tàu cũ đã qua sử dụng”. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chi phí tăng cao và ngư dân bị động về phát triển sản xuất.
Nghị định 67/2014/NĐ-CP tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới tàu để vươn khơi đánh bắt. Song, điều quan trọng là sau khi đánh bắt, ngư dân bán cá cho ai và lãi - lỗ như thế nào thì ít được quan tâm. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện nay chỉ có 1 - 2 nhà máy trong tỉnh thu mua thủy sản với số lượng nhỏ, chủ yếu là tôm và mực. Bạc Liêu có nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản, vậy mà ngư dân vẫn phải bán cá thô cho nơi khác chứ không thể chế biến tại địa phương. Rõ ràng, nguồn lợi thủy sản chưa thể mang lại giá trị kinh tế cao và ngành khai thác, chế biến đang đánh mất lợi thế của mình.
Thiết nghĩ, thay vì để ngư dân tự tìm đầu ra tiêu thụ các mặt hàng thủy hải sản, chúng ta cần hỗ trợ thành lập những tổ hợp tác làm đầu mối thu mua và đưa hàng thủy sản vào nhà máy chế biến xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, sớm triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ thu mua, vận chuyển. Song song với việc tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng thủy sản, chúng ta cần có một lộ trình để ngư dân sớm có thể đóng mới tàu trong giai đoạn 2.
Theo ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải: “Để Nghị định 67/NĐ-CP phát huy hiệu quả, chúng ta cần tập trung tháo gỡ những khó khăn còn vướng mắc là vốn, phương thức sản xuất. Các ngân hàng cần phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn của ngư dân từ các chính sách hỗ trợ theo nghị định. Tránh để thời gian kéo dài làm ngư dân nản lòng trong việc đăng ký đóng mới tàu. Về phía ngư dân, cần liên kết tổ chức các tổ, đội, hợp tác xã, đổi mới phương thức khai thác. Chuyển từ đánh bắt theo kiểu vét sạch, bắt sạch sang đánh bắt có hiệu quả các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Chỉ như thế chúng ta mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm ngành biển”.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp là chủ vựa giữ vai trò làm trung gian phân phối, cần ký hợp đồng bao tiêu cho các tổ hợp tác, hợp tác xã đánh bắt thủy sản của ngư dân, hướng đến việc đưa sản phẩm vào các nhà máy lớn chế biến. Chỉ khi nào xây dựng một lộ trình ổn định, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân thì người đi biển mới thật sự hưởng lợi từ nghị định.
Song song đó, cần tập trung quy hoạch các điểm tập kết chế biến sản phẩm thủy sản khai thác, đánh bắt; phát triển các làng nghề ven biển; từng bước xây dựng những thương hiệu nổi tiếng, các mặt hàng đặc sản vốn là thế mạnh truyền thống của tỉnh như: cá đỏ dạ muối mặn, khô cá khoai, khô mực, ruốc khô, cá đuối tiêu đường, cá bò da tiêu đường, nước mắm… Nghiên cứu đưa vào sử dụng công nghệ mới trong chế biến và bảo quản thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngư dân có thể làm giàu từ biển hay nguồn cá lớn vẫn cứ ở ngoài khơi? Đây là nỗi trăn trở của bà con. Ai cũng hy vọng với việc tổ chức lại sản xuất, đồng thời tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị định 67/NĐ-CP và Nghị định 89/NĐ-CP (về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/NĐ) sẽ góp phần “cởi trói” những thủ tục, cơ chế gây khó và giúp ngư dân thật sự làm giàu từ biển.
Theo ông Nguyễn Đình Huy, ngư dân (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải), hiện nay, nhiều ngư dân có ý định đăng ký vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, song họ rất ngán ngại vì thủ tục quá nhiều. Rất mong ngành quản lý hỗ trợ ngư dân các khâu thẩm định, thiết kế bản vẽ và các quy trình để giúp ngư dân vay vốn.
Nếu tính từ ngày đăng ký đóng tàu đến lúc hồ sơ hoàn tất phải mất hơn 1 năm, vì vậy, ngành quản lý cần có biện pháp rút ngắn thời gian để ngư dân vừa đóng tàu vừa có thể tham gia đánh bắt thủy sản, nhất là đối với những hộ có nhiều tàu.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần sớm triển khai nguồn vốn vay lưu động theo từng chuyến biển để ngư dân tiếp cận phục vụ việc khai thác đánh bắt xa bờ. Qua đó tránh trình trạng ngư dân thiếu vốn phải đi “vay nóng”, hoặc mượn tiền các chủ vựa để rồi phải bán sản phẩm với giá bị o ép.