Để rừng ngập mặn phát triển bền vững Bài 2: Suy kiệt từ áp lực di dân
Chúng ta thường quan niệm “rừng vàng, biển bạc” và cứ tưởng đây là nguồn tài nguyên vô tận. Thế nhưng, những năm qua, với sự tác động của con người bằng cách khai thác tuỳ tiện, những cánh rừng đước bạt ngàn ngày một thu hẹp dần, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nếu không có chính sách bảo tồn và phát triển kịp thời, hiệu quả thì hậu quả nhãn tiền sẽ diễn ra bởi tình trạng biến đổi khí hậu đã được dự báo truớc.
Những lò hầm than đang mọc lên như nấm sau mưa trong những cánh rừng đước thuộc địa bàn các huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và ngay cả Khu dự trữ sinh quyển Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau là một “bức tranh sinh động” nhất phản ánh những gì con người đang đối xử với rừng.
Phá rừng...
VQG Mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên trên 41.000 ha. Đây là “lá phổi xanh” không chỉ đối với Cà Mau, đất nước mà có giá trị toàn cầu. VQG là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, các ngành chức năng huy động toàn lực để bảo vệ.
Thế nhưng, “sức khoẻ” của “lá phổi” này cũng suy giảm nghiêm trọng bởi hàng trăm con người ngày đêm lén lút chặt hạ cây rừng phục vụ cho nhu cầu trước mắt: cái ăn.
Có dịp tham gia tuần tra bảo vệ rừng với lực luợng kiểm lâm của VQG mới tận mắt thấy cây rừng bị phá hại nghiêm trọng đến mức nào. Anh Nguyễn Xuân Lữ, Trạm phó Trạm kiểm lâm Cái Đôi, nhìn nhận: “Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài thì thấy cây rừng còn nhiều, nhưng phần lớn đều là cây nhỏ, đước lớn bị chặt phá rất nhiều. Mỗi ngày chúng tôi phát hiện và phá hàng chục lò hầm than”.
Cũng theo anh Lữ, tình trạng chặt phá rừng hầm than diễn ra từ rất lâu nhưng không thể triệt phá tận gốc bởi quanh khu vực VQG dân di cư rất đông. Phần lớn họ không có tư liệu sản xuất, sống chủ yếu bằng làm thuê, khai thác đánh bắt thủy sản ven bờ nên khi biển động không đi biển được họ lại vào rừng chặt đước hầm than bán kiếm sống.
Ông Huỳnh Thanh Xinh, Hạt Phó Hạt kiểm lâm Mũi Cà Mau, nhận định, việc tuần tra, bảo vệ rừng ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Bởi không chỉ địa bàn rộng, lực lượng mỏng mà còn một nguyên nhân lớn hơn là rừng ở đây có 3 mặt giáp biển nên người dân ra vào rất dễ dàng.
Không những vậy, việc xử phạt cũng không mấy hiệu quả bởi thủ đoạn chặt phá và vận chuyển gỗ, than ra khỏi rừng rất tinh vi. Khi vào rừng chặt cây, họ không dùng phương tiện lớn, giá trị cao mà chỉ dùng bè để vận chuyển. Khi phát hiện lực lượng tuần tra, họ bỏ lại bè nên việc tịch thu phương tiện và xử phạt không đủ sức răn đe.
...Không chỉ để hầm than
Tình trạng rừng bị xâm hại không chỉ để hầm than trái phép mà còn nhiều nguyên nhân khác là phục vụ cho khai thác thủy sản ven bờ. Mỗi mùa khai thác nghêu, cua, cá kèo giống đến là cây rừng lại thưa đi bởi khi đó người dân lại vào rừng chặt cây làm dụng cụ khai thác.
Ông Huỳnh Thanh Xinh cho biết thêm, việc phá rừng phục vụ khai thác hải sản ven bờ, đăng bắt giống hải sản hằng năm cũng là một nguyên nhân lớn làm cho số lượng cây rừng ngày một ít đi. Mỗi năm có hàng trăm người về đây để đăng bắt con giống. Họ cứ lén lút vào rừng chặt cây để đăng bắt, lực lượng kiểm lâm không thể kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Bốn, sống bằng nghề đăng cua giống ven sông ấp Rạch Thọ, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tâm sự, do không có đất sản xuất nên cứ đến mùa nghêu, cua giống là đi khai thác. Nhà không có đất canh tác nên chỉ còn cách vào rừng chặt cây đi đăng bắt giống, bán kiếm tiền sống qua ngày. Biết làm thế là vi phạm nhưng do nghèo nên làm liều để kiếm cái ăn truớc mắt.
Rừng đước đang cạn kiệt bởi bất cứ nguồn tài nguyên nào có được từ rừng họ đều không bỏ sót. Ông Trần Thanh Lâm, quê Bạc Liêu, lang bạt đến vùng Mũi Cà Mau kiếm sống, cho biết, vì nghèo, không có nghề nghiệp nên coi việc khai thác thủy sản ven bờ, mò cua, bắt ốc là nghề kiếm sống chính. Khi nào không đi biển được thì vào rừng đào sâm đất để bán kiếm tiền, túng quá chặt đước hầm than.
Tại địa bàn các huyện ven biển có rừng phòng hộ như: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển có hàng trăm, thậm chí có lúc lên đến hàng ngàn người tứ xứ tập trung về. Chỉ cần một phần trong số họ vào rừng khai thác, phá hại thì khó có thể hình dung mỗi năm diện tích rừng ngập mặn của tỉnh bị thu hẹp đến mức nào.
Ông Huỳnh Thanh Xinh nhận định: “Khi nào chúng ta giải quyết được dứt điểm tình trạng di dân tự do tập trung về các khu vực rừng phòng hộ thì khi ấy bức tranh bảo vệ rừng mới sáng sủa hơn”.
Để làm được điều đó cần có sự nỗ lực từ nhiều phía, cả về quy hoạch dân cư, vùng khai thác cũng như có bước đột phá về chủ trương, chính sách bảo vệ và phát triển rừng cho những vùng rừng đặc thù như Mũi Cà Mau./.