Để thành công nông dân không thể đơn độc
Bên ly trà quạu, ông Sáu Hoàng (Phạm Văn Hoàng, ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước) trầm ngâm: “Hổng năm nào giống năm nay, giá tôm xuống quá trời, nhiều người nuôi tôm công nghiệp ở Hoà Mỹ do khó khăn quá phải treo hầm”.
Chuyện con tôm, bó rau, con heo hay bất kỳ loại nông sản nào của bà con nông dân Cà Mau ngẫm ra còn nhiều điều day dứt. Mà để làm ra một mặt hàng nào đó, người nông dân phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Đó là thành quả của cả một quá trình lao động vất vả, nhẫn nại và đâu đó có phần cam chịu. Nói như ông Sáu thì “nông dân mình đâu có quyết được chuyện đầu vô, đầu ra, giá cả”.
Nỗi niềm của “vua tôm”
Ông Sáu Hoàng được coi là người đầu tiên ở xứ Hoà Mỹ dám “chơi lớn” trên đồng đất của mình với những hầm tôm công nghiệp. Thời điểm năm 2002, việc đầu tư nuôi tôm công nghiệp là chuyện lạ, gây chấn động cả làng quê. Ông Sáu nhớ lại những ký ức đẹp ấy kèm theo sự luyến tiếc: “Hồi ấy tôm trúng, giá trúng, kinh tế gia đình phát triển thấy rõ, hổng như bây giờ…”. Đã trót duyên nợ với mô hình nuôi tôm công nghiệp, khó khăn cỡ nào cũng không làm ông Sáu chùn bước. Với 3 ha, 9 hầm tôm, ông xen canh tôm sú và thẻ chân trắng, trong đó có 3 ao siêu thâm canh. Vụ tôm năm 2018, giá tôm sụt giảm nhiều, tôm trúng thì phá huề, còn “bể hầm” coi như lỗ nặng.
Ông Sáu hiện tại còn là Giám đốc Hợp tác xã nuôi tôm Hoàn Mỹ, với 32 hội viên và 76 ha. Anh Phan Văn Bảo, cán bộ nông nghiệp xã Hoà Mỹ, cho biết: “Toàn xã có hơn 362 ha nuôi tôm công nghiệp, đây cũng chính là thế mạnh kinh tế của địa phương”. Vậy nên, chuyện con tôm hệ trọng đến cả hiện tại và tương lai của một xã vùng ven còn nhiều khó khăn như Hoà Mỹ. Nhìn qua ông Sáu Hoàng, anh Bảo chia sẻ: “Rốt cuộc nông dân mình lúc nào cũng dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi nhất”. Nhà có 5 đứa con, 2 bác sĩ, 2 kỹ sư, ông Sáu biết ơn những mùa tôm và khẳng định: “Dù thế nào thì mình cũng phải đeo. Nhưng…”.
Sau một khoảng lặng, ông Sáu như trút tất cả nỗi lòng: “Chú hỏi thiệt, Nhà nước mình có chủ trương liên kết 4 nhà, nhưng hồi đó giờ con tôm từ tay người nông dân phải qua bao nhiêu thương lái mới tới công ty chế biến, xuất khẩu. Sao công ty xuất khẩu không trực tiếp mua sản phẩm từ người nông dân?”. Điều này thì ai cũng thấy, nhưng nó vẫn tồn tại, nghĩa là nó vẫn còn nguyên do nào đó để được duy trì. Tôm của bà con là tôm sạch, qua biết bao thương lái thì chất lượng không ai có thể đảm bảo. Người ta vì lợi nhuận có thể cho bất kỳ thứ gì vào con tôm, từ rau câu đến cả đinh. Ngay cả người nông dân cũng nhận thấy, nếu con tôm được thu mua trực tiếp bởi những công ty chế biến xuất nhập khẩu thì giá cả, chất lượng và bao nhiêu thứ khác nữa sẽ thật sự hanh thông.
Ông Sáu chưa hết câu chuyện của mình: “Chú nói thiệt, người nuôi tôm công nghiệp không sợ thời tiết, không sợ dịch bệnh, chỉ sợ giá và lo thiếu điện”. Nghe có vẻ cực đoan, nhưng lão nông có thâm niên gần 20 năm nuôi tôm công nghiệp rõ ràng có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm và vốn liếng để đối phó với thời tiết, dịch bệnh, còn giá cả và điện thì đành bó tay. Ông hỏi mà chẳng biết trả lời sao: “Hạ thế điện mỗi hộ khoảng 130 triệu đồng, mà khó khăn quá trời. Sao Nhà nước mình không hỗ trợ, công ty điện không thông cảm cho bà con. Cái này Nhà nước mình có giúp được dân không?”. Bà con nuôi tôm công nghiệp từ bên Đầm Dơi qua Cái Nước có chung nỗi niềm về điện, rõ ràng vấn đề này không còn là chuyện ngẫu nhiên mà cần phải được xem xét và giải quyết thấu đáo.
Để thành công, nông dân không thể đơn độc
Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hoà Mỹ Nguyễn Quốc Toản tâm sự: “Bà con ở đây mong muốn phát triển các mô hình, nhưng làm gì cũng sợ. Sợ rớt giá, sợ mất mùa, sợ đầu ra không đảm bảo… Vậy nên quanh đi quẩn lại, bà con đành gắn bó với con tôm (diện tích nuôi tôm quảng canh của toàn xã hơn 1.500 ha), con cua và sản xuất theo kiểu tự sản, tự tiêu là chính”. Không thể trách được người nông dân, bởi hơn ai hết, chính họ cảm nhận được những rủi ro khi bắt tay vào thực hiện những mô hình mới. Cây thanh long giờ trồng để ăn chơi, nuôi heo thì giá trồi sụt bất thường, nuôi dê đầu ra ngày càng khó, nuôi tôm cũng bấp bênh. Chúng tôi băn khoăn, nếu vậy Hoà Mỹ phải bắt đầu từ đâu để vươn lên, đột phá?
Anh Toản cho rằng: “Nếu muốn nông dân đổi đời, cái chính là phải có những người bạn đồng hành tin cậy, phải tạo được cơ chế hỗ trợ rủi ro, phải dám tính lớn, làm lớn và chấp nhận mạo hiểm. Con tôm siêu thâm canh là hướng đi mới, hướng đi đúng, tuy nhiên, để thành công, nông dân không thể đơn độc”.
Người nuôi tôm công nghiệp đau đáu nỗi lo về giá tôm và thiếu điện sản xuất.
Ông Phạm Văn Thuận, ấp Thị Tường, chỉ đàn dê của mình rồi kể: “Trước có dự án của trên hỗ trợ 12 hộ của ấp nuôi, tôi ngoài dự án nhưng cũng học theo rồi lên vùng trên mua giống”. Trớ trêu thay, dê trong dự án lần lượt “ra đi”, còn mô hình dê thịt của ông càng ngày càng phát triển". Hỏi về thị trường, ông Thuận quơ tay: “Ôi thị trường gì, mình mần tại nhà rồi bán theo ký (mỗi ký giá 80 ngàn đồng). Có đám tiệc thì người ta đặt trước, vậy hà”. Sau vườn, ông Thuận nuôi thêm ếch, đàn heo, chủ yếu để đãi khách và bỏ ống. Hỏi ông Thị Tường nên lựa chọn cây trồng, vật nuôi gì để phát triển, ông bộc trực: “Thấy cũng vậy hà con, ở đây cứ rề rề sống cho khoẻ, chớ làm ăn lớn mà thất bại thì đâu có ai chịu giùm, phải không?”.
Anh Nguyễn Văn Ly bên những mô hình “ăn chắc mặc bền” của mình. Ông nói: “Nông dân thua thiệt đủ điều”.
Ngó ra dòng kênh Mười Phải, chúng tôi không biết tìm câu trả lời của ông Chín Thuận ở nơi đâu. Không phải nông dân mình kém cỏi, nhát gan, mà vấn đề là họ khá cô đơn trong hành trình làm giàu. Những dự án, mô hình thí điểm đâu đó rầm rộ rồi lại lặng lẽ tan rã. Cây trồng, vật nuôi mới lâu lâu lại được trình làng, rồi bẵng đi một thời gian, người ta cũng quên mất. Ai còn nhớ thời hoàng kim của cá sấu, cá chình, cá bống tượng, con trăn, gốc thanh long… Ai còn nhớ người nông dân thở dài ngao ngán với điệp khúc được giá, mất mùa và được mùa thì mất giá? Như hôm hỏi ông Hai Lùng (Nguyễn Thanh Lùng, ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thới), là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương hẳn hoi: “Chú ơi, giờ bà con phải làm mô hình gì để phát triển?”. Ông lắc đầu: “Cái này khó lắm, khó lắm”.
Bên phía Đầm Dơi, người dân có lan truyền một câu chuyện vui, đó là nhà nào có hầm công nghiệp thì chưa biết trúng trật ra sao, nhưng có một điều chắc chắn: “sổ đỏ” nằm trong ngân hàng. Trằn trọc suy nghĩ, rốt cuộc người ta lại sực nhớ ra điều gì đó, như chuyện dân Thị Tường B trồng lại vụ lúa trên đất tôm. Anh Nguyễn Văn Ly đánh giá: “Cũng bỏ lúa mấy mùa rồi, nhưng nói thiệt, có bồ lúa trong nhà mới chắc bụng, chắc dạ”. Ăn chắc, mặc bền là tiêu chí bao đời của người nông dân. Người ta coi con tôm ôm gốc lúa là mô hình lý tưởng, hài hoà cho mục tiêu no ấm và làm giàu. Anh Ly cũng như bất cứ người nông dân nào khác của Cà Mau trồng thêm rẫy bí, bắp, nuôi thêm lứa heo để cải thiện kinh tế gia đình. Bên dưới là con tôm, là vụ lúa đang thì xanh mướt. Một viễn cảnh thực sự thanh bình và chắc chắn.
Nhưng… nỗi lo vẫn ẩn hiện đâu đó theo cái trở mình của đồng đất quê hương.