TIN THỦY SẢN

Điểm nóng đụng độ tàu cá

Vân Anh

Trong khi vấn đề quân sự hóa ngày càng tăng ở Biển Đông đe dọa ổn định và an ninh khu vực về lâu dài, thì các sự cố tàu cá lại đặt ra nguy cơ thường xuyên và trước mắt.

Sau khi ồ ạt bồi đắp đảo trái phép, Trung Quốc (TQ) bắt đầu xây dựng cơ sở trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, khiến các nước trong khu vực lo ngại về các mối đe dọa quân sự. Tuy nhiên, mối quan tâm cấp bách hơn là việc TQ ồ ạt đưa đội tàu cá ra Biển Đông, nơi có nguồn thủy sản phong phú, chiếm 10% sản lượng đánh bắt toàn cầu. TQ tuyên bố sẽ sử dụng những cơ sở mới để hỗ trợ cho đội tàu cá. Lực lượng tuần duyên TQ sẽ nhận trang bị mới, cho phép có thể thực hiện các chuyến đi biển thường xuyên và dài ngày hơn tới những khu vực TQ tuyên bố chủ quyền chồng lấn với nhiều vùng đặc quyền kinh tế của các nước.

Tàu cá và tàu thực thi pháp luật đã được sử dụng ồ ạt trong các cuộc đối đầu và đụng độ trên biển. Điển hình nhất là cuộc đối đầu giữa TQ và Philippines ở Scarborough, bắt đầu từ tháng 4.2012, kết thúc bằng việc Bắc Kinh chiếm được bãi cạn này. Năm 2013 chứng kiến một sự cố khác liên quan đến tàu cá, đó là một cảnh sát biển Philippines giết chết một ngư dân Đài Loan.


Đánh cá trên Biển Đông. 

Những sự cố ít được công khai cũng làm các mối quan hệ trong khu vực trở nên căng thẳng. Năm 2010, Indonesia hai lần bắt giữ tàu TQ đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, nhưng sau đó buộc phải thả vì tàu tuần tra TQ tới hiện trường. Các sự cố thường diễn ra theo một khuôn mẫu, bắt đầu bằng việc một nước có hành động thực thi pháp luật đối với ngư dân nước khác, thường là ở vùng biển tranh chấp, sau đó leo thang thành đối đầu trên biển và cuối cùng là khẩu chiến. Ngay cả sau khi đối đầu kết thúc, nhưng những vết sẹo trong quan hệ không dễ lành.

Những năm trước, tàu cá chỉ có vài hệ thống điện tử để gọi trợ giúp hoặc thông báo địa điểm. Đội tàu tuần duyên không đủ mạnh và nhỏ. Trước kỷ nguyên mạng xã hội, các sự cố trên biển ít khi được đề cập hoặc kích động chủ nghĩa dân tộc. Ngư dân thường bị bắt trước khi họ kịp gọi tăng viện. Các Bộ Ngoại giao sẽ can thiệp. Hai bên sẽ tuân theo thông lệ thả người, thay vì bị truy tố, ngư dân thường bị trục xuất về nước sau khi nộp tiền phạt hoặc tịch thu tàu cá, để tránh khủng hoảng ngoại giao kéo dài.

Nhưng ngày nay, các sự cố trên biển diễn ra thường xuyên hơn. Đội tàu thực thi pháp luật của TQ có khoảng 100 tàu hiện đại trong 10 năm qua. Các quốc gia Đông Nam Á cũng trở nên quyết đoán hơn. Philippines, Việt Nam và Đài Loan (TQ) đều có tàu mới. Indonesia tuyên bố "cuộc chiến chống đánh cá trái phép" vào tháng 12, và kể từ đó đã phá hủy hàng chục tàu nước ngoài để tỏ rõ quyết tâm của mình.

Tuy nhiên bức tranh không hoàn toàn ảm đạm. Đã có những ví dụ đầu tiên về hợp tác giữa các nước, chẳng hạn TQ và ASEAN nhất trí thành lập đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao các nước để giải quyết các trường hợp khẩn cấp trên biển. Nhưng để đường dây nóng hoạt động được cần bỏ ra nhiều công sức để lập kế hoạch và điều hành. Ngư dân và lực lượng tuần duyên không nằm dưới sự quản lý trực tiếp của các Bộ Ngoại giao. Chưa kể nếu quan liêu, người quản lý đường dây nóng có thể thấy không cần phải thông báo cho Bộ Ngoại giao của họ về vấn đề mà họ cho là không cấp bách. Do đó, đường dây nóng sẽ trở thành đường dây nguội. Các nước cần đảm bảo các hotline phải được mở bất kỳ lúc nào và thường xuyên được kiểm tra.

Những người trực hotline phải được đào tạo để phản ứng nhanh và có hành động cụ thể để giảm căng thẳng.

Tuy nhiên, đường dây nóng cũng chỉ là một cơ chế phản ứng. Do xích mích ngày càng tăng, khu vực này cần một khuôn khổ hoạt động bền vững mới có thể giảm thiểu được tình trạng đối đầu, chứ không chỉ một hệ thống giải quyết sau khi sự cố xảy ra.

Cuối cùng, các nước ở Biển Đông cần phải đạt được thỏa thuận về cùng khai thác cá một cách thân thiện, công bằng. Việt Nam và TQ đã ký kết hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ. Philippines và Đài Loan gần đạt được thỏa thuận hợp tác thực thi pháp luật về nghề cá trong vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn. Do phức tạp về phân định và tranh chấp trên biển, các cuộc đàm phán về thỏa thuận đánh cá chắc chắn sẽ khó khăn và nguy hiểm về mặt chính trị. Nhưng còn hơn là để các cuộc đối đầu thường xuyên và khốc liệt đe dọa ổn định và hòa bình trong khu vực.

Vân Anh THEO DIPLOMAT/Lao động, 09/08/2015