TIN THỦY SẢN

Điều tra hiện trạng và cải tiến quy trình nuôi Artemia trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Ao nuôi Artemia Minh Đương

Hội đồng Khoa học – Kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Điều tra hiện trạng và cải tiến quy trình nuôi Artemia trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” do bà Nguyễn Thu Dung làm chủ nhiệm đề tài, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu là Cơ quan chủ trì, kết quả đề tài xếp loại Khá.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm đánh giá hiện trạng sản xuất và kỹ thuật nuôi Artemia nhằm xây dựng quy trình nuôi Artemia đạt hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Để đạt được mục tiêu trên, tác giả đã thực hiện các nội dung: (1). Điều tra ngẫu nhiên 30 hộ nuôi Artemia trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nhằm đánh giá hiện trạng; (2). Đánh giá hiệu quả sử dụng bổ sung bột cá trong nuôi Artemia bằng cách chọn 06 hộ nông dân để tiến hành nuôi thử nghiệm Artemia có sử dụng bột cá thay thế một phần thức ăn truyền thống.

Kết quả điều tra cho thấy các hộ tham gia nuôi Artemia đa phần là hộ nghèo, có trình độ học vấn thấp, mật độ nuôi dao động từ 21.000 con/m2 đến 25.000 con/m2.  Các hộ nuôi cung cấp khoảng 36 kg/ha/ngày phân gà làm thức ăn nuôi Artemia, ngoài ra các hộ còn sử dụng thêm vôi, dimetin, v, v, … để quản lý môi trường nước. Năng suất trứng Artemia đạt khá cao trung bình từ 70 – 80 kg trứng/ha; 40% hộ nuôi có năng suất đạt trên 70 kg/ha, 50% các hộ được điều tra có năng suất đạt dưới 50 kg/ha.

Đối với các hộ nuôi thực nghiệm thì năng suất trứng thu được ở các ao sử dụng bổ sung bột cá để làm thức ăn cho Artemia đạt khá cao, trung bình là 25,27 kg/2.500m2 (khoảng 101,08 kg/ha), cao nhất đạt 26,8 kg/2.500m2 (khoảng 107,2 kg/ha) và thấp nhất đạt 23,7 kg/2.500m2 (khoảng 94,8 kg/ha). Các ao chỉ sử dụng phân gà làm thức ăn cho Artemia có năng suất trung bình là 17,3 kg/2.500m2, cao nhất là 19,8 kg/2.500m2 và thấp nhất là 15,7 kg/2.500m2.

Nhóm thực hiện đề tài kiến nghị cần tận dụng triệt để các lợi thế có sẳn của tỉnh để phát triển nghề nuôi Artemia. Cơ quan chức năng và chính quyền cần quan tâm triển khai nhiều lớp tập huấn, hội thảo và trình diễn mô hình nuôi Aremia áp dụng khoa học kỹ thuật mới nhằm nâng cao nhận thức cho người nuôi. Bên cạnh đó, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng cần được quan tâm và cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các công ty, doanh nghiệp hay các Hợp tác xã thu mua. Đồng thời, cần nghiên cứu đánh giá hàm lượng dinh dưỡng của Artemia trong quá trình nuôi sử dụng bổ sung bột cá làm thức ăn cho Artemia.

Minh Đương Sở NN&PT NN Bạc Liêu