Doanh nghiệp nông, thủy sản ngại ngần truy xuất nguồn gốc
Khá nhiều doanh nghiệp (DN) nông sản và thủy sản Việt Nam ngại ngần trong cung cấp thông tin, cho rằng việc minh bạch làm cho DN bị yếu thế hoặc bị mất khả năng cạnh tranh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết.
Thông tin này được ông đưa ra trong Hội thảo "Minh bạch thông tin - con đường của phát triển bền vững và tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản và thủy sản Việt Nam" ngày 17-7 tại Hà Nội.
Tuy luôn đứng ở tốp đầu xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên thế giới như gạo, cà phê, thủy sản, hạt điều, hạt tiêu trong nhiều năm qua, nhưng nông sản Việt nam vẫn xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, giá thấp hơn giá nông sản cùng loại xuất xứ từ các nước khác. Một nghịch lý là trong khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu để vượt qua khủng hoảng kinh tế thì sản lượng tiêu thụ các sản phẩm giá rẻ của Việt Nam (cá tra tại thị trường EU là một ví dụ) lại giảm sút nghiêm trọng tại một số thị trường. Mặc dù Việt Nam có không ít nhà sản xuất uy tín, có chuỗi sản xuất và sản phẩm được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận khắt khe nhất như BAP, GAP, ASC, CS…, nhưng những thông tin hầu như không được truyền tải đúng lúc và đúng kênh đến công chúng và người tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong thời đại thông tin nhưng hầu hết doanh nghiệp sản xuất nông thủy sản của Việt Nam chưa coi trọng việc minh bạch thông tin, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch đến người mua và người tiêu dùng, coi đó là một công cụ hữu hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.
Cũng theo ông, về phía cơ quan quản lý, mặc dù đã có ban hành những quy định về khuyến khích cung cấp thông tin, thực hiện truy xuất nguồn gốc để hội nhập với thế giới, nhưng không ít cơ quan nhà nước vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc chủ động đưa thông tin đến các thị trường tiêu thụ quốc tế bằng những công cụ và phương tiện hiện đại, đồng thời góp phần giảm thiểu thủ tục cho các doanh nghiệp.
Truy xuất nguồn gốc điện tử - cơ hội tăng cạnh tranh cho nông, thủy sản
Để bước đầu làm thay đổi nhận thức của các DN, coi việc đưa thông tin minh bạch và kịp thời về sản phẩm như một công cụ nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông và thủy sản Việt Nam, góp phần đưa ngành sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, Cơ quan Hợp tác Phát triển Đan mạch (DANIDA) thông qua tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) đã tài trợ dự án xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử “Traceverified” cho nông, thủy sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Theo phương pháp truyền thống, việc truy xuất nguồn gốc được ghi chép bằng tay, lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách. Các bộ hồ sơ truy xuất nguồn gốc được quản lý bằng mã số truy xuất nguồn gốc nội bộ của doanh nghiệp. Thông tin truy xuất được thực hiện thông qua việc tổng hợp giấy tờ, rủi ro cao và thiếu minh bạch.
Còn với truy xuất nguồn gốc điện tử, thông tin được số hóa lưu trữ trên hệ thống mạng máy tính. Mã số truy xuất nguồn gốc cho từng lô hàng, theo các tiêu chuẩn quốc tế và duy nhất trên toàn cầu. Thông tin truy xuất nhanh, nhận thông tin thời gian thực.
Ông Lý Hoàng Hải, Phó Giám đốc dự án TraceVerified cho biết, hệ thống này đã đưa đến cho DN một công cụ hiện đại để chuyển thông tin về sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đến với người mua và người tiêu thụ trên thị trường thế giới. Áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử (TraceVerified) giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đáp ứng một cách kịp thời và chính xác các yêu cầu của khách hàng nước ngoài về truy xuất nguồn gốc và thông tin về các chỉ tiêu chất lượng.
Kết quả ban đầu của dự án là đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho các chuỗi sản xuất cá tra, tôm, rau, trái cây cho 12 DN xuất khẩu sản phẩm thủy sản, nông nghiệp sang các thị trường Mỹ, EU. Xây dựng hoàn chỉnh phần mềm truy xuất nguồn gốc cho chuỗi sản xuất cá tra, tôm, rau, trái cây. Tiến hành dán nhãn truy xuất TraceVerified cho các lô hàng cá tra đi EU.
Theo ông Hải, hiện tại, TraceVerified tư vấn và xây dựng miễn phí phần mềm truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu. Hỗ trợ phí giảng viên và cơ sở đào tạo cho các khóa đào tạo về truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp.
Sau thời gian dự án,TraceVerified sẽ thu phí với một mức phí hợp lý, đủ cho vận hành để khuyến khích phát triển Truy xuất nguồn gốc điện tử tại Việt Nam.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng mong muốn, Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử “Traceverified” sẽ mang lại lợi ích thiết thực trong công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần làm giảm thiểu thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi làm thủ tục kiểm tra chất lượng và có thể cả khi làm thủ tục thông quan. Đây sẽ là một hình mẫu hợp tác công tư có hiệu quả trong thời gian tới.
Trong khi người tiêu dùng cần thông tin minh bạch thì DN lại ngại ngần cung cấp thông tin.