Doanh nghiệp thủy sản tính chuyện “phản pháo” Bộ Thương mại Mỹ
Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR10) của tôm Việt Nam, đại diện cho các danh nghiệp xuất khẩu thủy sản là Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đang làm hồ sơ gởi Tòa án thương mại quốc tế Mỹ để khiếu nại quyết định này.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, với mức thuế cao như vậy sẽ là một khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ.
Và ở một khía cạnh nào đó, mức thuế này sẽ tạo ra những áp lực về tâm lý cho doanh nghiệp. Do đó, trong thời gian tới, việc xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Là một người có nhiều năm theo dõi những vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế trong lĩnh vực thủy sản, ông Hòe cho biết rằng, phán quyết của DOC vẫn có những khe hở nhất định. Theo ông Hòe, lần này, DOC đã áp dụng phương pháp định giá phân biệt - phương pháp quy về 0 để tính toàn bộ biên độ giá. Đây là phương pháp tính nếu xét trên quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là chưa phù hợp - nơi mà Việt Nam và Mỹ là hai nước thành viên. Do đó, doanh nghiệp có thể khiếu nại về vấn đề này.
Ông Hòe cho biết, theo quy định, trong 30 ngày kể từ ngày DOC đưa ra POR10, doanh nghiệp Việt Nam có thể nộp đơn lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ. Hiện VASEP đang chuẩn bị hồ sơ.
Đây không phải lần đầu VASEP phát đi thông điệp sẽ khiếu nại DOC vì đưa ra mức thuế bán phá giá cao cho tôm Việt Nam. Lần gần đây nhất mà VASEP không đồng tình với quyết định của DOC là năm 2014 - lần POR8. POR 8, doanh nghiệp bị áp mức thuế chống bán phá giá là 6,37%.
Như vậy, theo dõi những lần công bố thuế bán phá giá tôm Việt Nam của DOC trong những năm gần đây sẽ thấy, nếu là năm lẻ như 2013, 2015, DOC áp mức thế thấp cho tôm Việt Nam, còn năm chẵn như 2014, 2016 - sẽ bị mức thuế cao, tức là nếu năm trước DOC đưa ra mức thuế thấp thì năm sau (nhiều khả năng) doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ sẽ chịu mức thuế cao. Và thường, mức thuế được đưa ra của DOC là khác nhau chứ không có sự trùng lặp với những năm trước.
Cụ thể, năm 2013, POR7, DOC thông báo, doanh nghiệp không bán phá giá nên chịu mức thuế 0%, sang năm 2014 khi công bố POR8, doanh nghiệp chịu thuế chống bán phá giá là 6,37%. Đến năm 2015, kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam trung bình là 0,91%. Còn lần này, POR10 là là 4,78%. Và dĩ nhiên, trong vai trò của mình, VASEP đã phản ứng lại quyết định này.