Đường dây “tẩy trắng” cá tầm lậu; Bài 4: Đằng sau con dấu đỏ...
Có thật Việt Nam có cơ sở nuôi tới 80 triệu con cá tầm như văn bản chứng thực của UBND xã Long Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang). Con dấu này là thật hay bị làm giả?
“Thằng Nghiêm đã lợi dụng bản xác nhận”
Chiều 19.7.2013, chúng tôi về xã Long Sơn để tìm gặp ông Ngọc Tiến Lệ - Chủ tịch UBND xã Long Sơn – người đã ký tên đóng dấu chứng thực văn bản trong đó có số liệu 80 triệu con cá tầm thương phẩm được nuôi tại hồ Khe Chảo của ông Bùi Thanh Vân (đã đăng trong bài 2 của loạt bài trên NTNN số 172).
Trao đổi với chúng tôi bằng giọng dè dặt, ông Ngọc Tiến Lệ cho biết: Ông Bùi Thanh Vân nuôi cá tầm ở hồ Khe Chảo từ năm 2010, từ một dự án của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang có vốn hỗ trợ. Đến năm 2011, ông Vân liên doanh với một ông người Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mấy chục bể nuôi cá con, mua trứng về tự ấp nở, một phần mua cá giống về nuôi. Việc nhập hàng, xuất hàng của ông Vân từ trước tới giờ chúng tôi không biết chi tiết, ông Vân cũng không báo cáo chính quyền địa phương về việc xuất cá giống, bán cá thịt.
“Đến hôm 25.6, ông Vân bán một chuyến hàng cho ông Nguyễn Văn Nghiêm ở Hà Nội. Sau đó tôi nghe nói là ngày 27.6, ông Nghiêm bị bắt một chuyến hàng ở Lạng Sơn. Tôi nghĩ Nghiêm đã mua hàng đó ở nơi khác mà không có giấy xác nhận nên lấy giấy xác nhận lô hàng ông Vân bán cho mình trước đó để tráo cho lô hàng bị bắt (giấy tờ mà chính ông Lệ đã ký chứng thực - PV). Bởi một điều rất đơn giản là nếu lấy cá ở Sơn Động (Bắc Giang), không thể quay ngược lên Lạng Sơn rồi mới lại về Hà Nội được”-ông Lệ phân tích.
Liên quan đến giấy chứng thực mà mình đã ký và đóng dấu, ông Lệ phân trần: Ông Vân bán cá thật, nhưng số lượng bao nhiêu thì tôi không biết. Chính quyền xã không biết ông Vân nuôi bao nhiêu cá.
Cũng theo lời ông Lệ, ông Vân trước đây là Phó Trưởng phòng Thanh tra của Công an tỉnh Bắc Giang, vừa nghỉ hưu năm 2012. Còn ông Lệ trước đây là Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, kiêm Trưởng Công an xã. Hai người “chơi với nhau lâu rồi nên tin tưởng nhau”. Khi ông Vân mang Biên bản xác nhận nguồn gốc cá tầm thương phẩm và hợp đồng kinh tế đến UBND xã xin xác nhận để “chứng minh” xuất xứ cá tầm tại địa phương, ông Lệ đã xác nhận luôn. “Tôi thấy bộ phận “một cửa một dấu” trình lên cùng với một tập với giấy tờ của những người khác, nên đã ký luôn”-Chủ tịch UBND xã Long Sơn giải thích.
Trước câu hỏi liệu có chuyện tiêu cực, tiền nong để “mua” giấy tờ chứng thực không, ông Lệ cười gượng: “Cũng có người hỏi tôi điều đó, tôi khẳng định rằng không có chuyện đó. Thỉnh thoảng ông Vân có mời các vị lãnh đạo ở tỉnh lên thăm hồ nuôi cá tầm rồi ăn uống tại đó, đôi lúc tôi cũng đi cùng. Đợt vừa rồi có đoàn khách của T.Ư đến ăn uống ở đó, nhưng không phải ông Vân mời mà xã mời”. Ông Lệ tiếp: Sau khi lô cá tầm của Nghiêm bị bắt ở Lạng Sơn, ông Vân có gọi cho tôi và nói thằng Nghiêm đã lợi dụng hợp đồng anh em mình xác nhận để xác nhận cho lô hàng chắc lấy từ Trung Quốc về. Còn có hay không việc ông Vân “tẩy trắng” cá tầm trong hồ của ông thì tôi chịu vì xã không kiểm tra được.
Không để ý con số “80 triệu con”?
Rời UBND xã Long Sơn, chúng tôi điện ngay cho ông Vân khi vị đại tá công an về hưu đang chơi tennis ở thành phố Bắc Giang. Ông Vân đồng ý gặp chúng tôi. Sau màn chào hỏi, chúng tôi đi thẳng vào câu chuyện xoay quanh bản xác nhận 80 triệu con cá tầm với dấu đỏ của UBND xã Long Sơn. Ông Vân cho biết: Nghiêm quen biết tôi trên mạng chứ có ai giới thiệu gì đâu. Nghiêm tìm đến nhà tôi và nói sẽ thu mua hết số cá của tôi với giá 185 nghìn đồng/kg và bảo ký hợp đồng tiêu thụ cá trong vòng 1 năm. Tôi sướng quá bởi đang chưa biết bán cá đi đâu. Được trả giá như thế và bao tiêu hết nên tôi đồng ý luôn.
"Lúc trao đổi thì ông Vân nói xác nhận 8 vạn con, đến lúc đưa giấy đến thì tôi cứ ký thôi, chứ cũng không để ý kỹ con số. Sau nhìn lại mới thấy 80 triệu con! Tôi nghĩ chắc chỗ ông Vân đánh máy nhầm mấy con số 0” Ông Ngọc Tiến Lệ - Chủ tịch UBND xã Long Sơn
Chúng tôi hỏi về bản hợp đồng và xác nhận 80 triệu con cá tầm có phải do ông viết ra hay không, ông Vân bác bỏ và nói, ông chỉ có khoảng 8 vạn con giống ở hồ Khe Chảo. Còn bản xác nhận 80 triệu con cá tầm là từ chỗ Nghiêm. “Nghiêm soạn giấy xác nhận và hợp đồng kinh tế rồi đưa cho tôi ký... Tôi bán cho Nghiêm vào ngày 24.6.2013 với số lượng trên 5 tấn cá với giá hơn 900 triệu đồng. Đến ngày 27.6, lô hàng của Nghiêm bị bắt ở Lạng Sơn. Số lượng cá của Nghiêm bị bắt (4 tấn) khác với số lượng tôi bán cho Nghiêm. Số cá Nghiêm bị bắt có những con lên tới 6kg, còn cá tôi bán không lớn như thế”.
Ông Vân thừa nhận mua cá tầm giống không rõ nguồn gốc. Ông cùng đến UBND xã Long Sơn xin dấu xác nhận với ông Nghiêm nhưng lại “không chú ý” bản xác nhận có con số 80 triệu con cá.