Ecuador bắt tàu Trung Quốc chở đầy cá mập
Nhà chức trách Ecuador vừa bắt giữ các thành viên thủy thủ đoàn của một tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá mập ở quần đảo Galapagos.
Đài BBC hôm 15-8 cho biết tàu cá Fu Yuan Yu Leng 999 của Trung Quốc bị phát hiện hoạt động tại quần đảo Galapagos – vốn là một khu bảo tồn biển – cách đây 2 ngày.
Con tàu lúc đó chở khoảng 300 tấn cá, hầu hết là cá mập, trong đó có những loài được liệt vào tình trạng nguy cấp như cá mập đầu búa.
Nếu bị nhà chức trách Ecuador kết tội, các thuyền viên trên tàu Trung Quốc có thể đối mặt án tù lên tới 3 năm. Bộ trưởng Môi trường Ecuador Tarsicio Granizo hôm 15-8 cho biết một thẩm phán trên đảo San Cristobal đã ra lệnh tạm giam các thuyền viên này trong khi chờ xét xử.
"Trên tàu cá Trung Quốc bao gồm cả cá mập nhỏ, cá mập con, cho thấy chúng có thể đã bị đánh bắt trong khu bảo tồn" – Bộ trưởng Tarsicio nói.
Giám đốc Vườn Quốc gia Galapagos, Walter Bustos, nói với báo El Universo (Ecuador) rằng tàu cá nói trên là chiếc tàu lớn nhất từng bị bắt ở khu bảo tồn trên.
Vào năm 2015, cảnh sát Ecuador thu giữ tổng cộng 200.000 vi cá mập chuẩn bị vận chuyển sang châu Á. Nhu cầu vi cá mập tăng cao khiến nhiều loài cá mập đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị đánh bắt quá mức, đồng thời thúc đẩy nạn buôn lậu.
Vi cá mập được coi là món ăn tinh tế trong ẩm thực Trung Quốc và thường được dùng để nấu súp phục vụ các bữa tiệc. Năm 2012, chính quyền Bắc Kinh phải đề ra lệnh cấm phục vụ món vi cá mập tại các buổi tiệc chiêu đãi của chính phủ trong vòng 3 năm.
Theo một đại biểu quốc hội Trung Quốc, vi cá mập có chứa các kim loại nặng, không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cần phải đi theo xu hướng quốc tế nhằm cấm các món ăn bằng vi cá mập và đây là cách tốt để giảm chi tiêu cho chính phủ.
Trung Quốc và Hồng Kông là những nhà nhập khẩu vi cá mập lớn nhất trong nhiều năm qua. Theo khảo sát của Tổ chức Bảo tồn Sinh vật hoang dã WildAid, nhu cầu vi cá mập ở Trung Quốc chiếm tới 90% trên toàn thế giới.
Đài CNN thống kê hơn 73 triệu con cá mập bị giết hàng năm để lấy vi, khiến loài động vật này đang trên bờ vực tuyệt chủng. Quỹ Động vật hoang dã thế giới nói rằng quá trình lấy vi cá là vô nhân đạo. Một khi đã lấy vi xong, cá mập thường bị ném xuống biển chờ chết.