Giã cào bay cấm, sao vẫn lộng hành?
Trong những năm gần đây, thông tin truyền thông liên tục đưa tin phản ánh và cảnh báo về tình trang phổ biến và lộng hành của nghề khai thác thủy sản bằng lưới giã cào.
Vì lợi ích trước mắt, với hình thức khai thác tận diệt, nghề khai thác bằng lưới giã cào không chỉ đe dọa đến lợi ích và an toàn của những ngư dân khai thác bằng công cụ khác như ghe mành chụp hay lưới vây… mà còn trực tiếp gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến uy tín của ngành khai thác thủy sản Việt Nam, trong bối cảnh thị trường NK thế giới ngày càng yêu cầu khắt khe về quy định khai thác bền vững.
Tình trạng này không những gây bức xúc cho cộng đồng ngư dân đang tham gia khai thác bằng hình thức khác mà còn khiến cho cộng đồng DN xuất khẩu thủy sản lo ngại về uy tín sản phẩm XK cũng như nguy cơ bị cảnh báo từ các thị trường NK khó tính như EU, Mỹ…
Nghề lưới kéo hay còn gọi là nghề giã cào bay đã và đang là nỗi ám ảnh của không chỉ ngư dân vùng biển miền Trung. Lộng hành trên nhiều tuyến biển bất chấp quy định về phạm vi hoạt động, nhiều con tàu giã cào công suất lớn còn hung hăng uy hiếp, cắt đứt, cuốn lưới, đâm chìm tàu ven bờ, đồng thời đánh bắt tận diệt nguồn hải sản từ lớn đến nhỏ. Sau sự cố môi trường, ngư dân miền Trung đã rơi vào cảnh khốn khó thì nay cả nhà máy chế biến và ngư dân đều hoang mang vì không có nguyên liệu. Và nghề giã cào càng sôi động bao nhiêu thì nghề ghe mành chụp hay lưới vây càng giảm bấy nhiêu vì chủ ghe muốn đổi dụng cụ lưới để có lợi.
Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao mọi hoạt động liên quan đến đóng mới, cải hoán đối với tàu cá làm nghề lưới kéo đã được nhiều địa phương tạm ngưng từ lâu và theo quy định, hành nghề giã cào phải cách bờ ít nhất 24 hải lý nhưng 90% tàu thuyền giã cào hiện nay hành nghề sát bờ! Nghề “giã cào bay” vẫn rầm rộ diễn ra trong vụ cá Nam từ tháng 8 - 10 hàng năm. Đây là mùa các loài thủy sản như mực, cá sinh sản và nhiều đàn cá mực con thường áp sát lộng, ven bờ. Lượng hải sản khai thác ngày càng giảm do không thể sinh sản, sinh trưởng kịp, điều đáng lo hơn nữa là khả năng giã cào sẽ tiếp tục mở rộng “hành nghề” không chỉ ở vùng biển miền Trung, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, Bình Thuận mà vươn cả tới Vũng Tàu, Côn Đảo…
Giã cào “vét nhẵn” biển
Nghề giã cào vốn là một nghề truyền thống của ngư dân vùng biển ngang. Tuy nhiên, giã cào truyền thống chỉ là những chiếc thuyền nhỏ của ngư dân nghèo, đánh bắt ven bờ và quanh quanh vùng lộng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những chiếc tàu giã cào này đã “biến thái” thành tàu công suất lớn, tốc độ cao bất chấp quy định “ép sát bờ” để nhanh chóng “vơ vét” tận thu triệt để các nguồn lợi. Với tốc độ lớn, khai thác kiểu “chụp giật”, “vơ vét” như vậy, lợi ích mà các tàu này thu lại rất lớn. Theo một số chủ tàu, chỉ cần một chuyến đi biển trong ngày, có tàu đã thu được từ hàng trăm triệu đồng.
Theo các ngư dân, những tàu giã cào thường hoạt động vào ban đêm, theo từng cặp tàu, ở giữa kéo theo lưới dạ để tận thu các loại hải sản từ lớn đến nhỏ, tận diệt không chừa thứ gì. Khai thác cạn nhẵn nguồn hải sản trên vùng biển này, các tàu lại chuyển địa bàn, đi đến đâu gây nhiễu loạn ở đó.
Tàu giã cào thường khai thác gần bờ. Họ có “mật báo” nên mỗi khi có tổ tuần tra ra biển là thông tin để cùng nhau tẩu thoát. Ngay cả khi lực lượng chức năng bắt quả tang thì các tàu cá còn quay lại chống đối, cản trở người thi hành công vụ giữa biển.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, ước tính, có khoảng 75% nguồn hải sản non bị “giã cào bay” tận diệt. Hoạt động này đã gây ra hậu quả làm phá hoại toàn bộ thảm thực vật dưới đáy biển, làm mất các bãi cạn là nơi sinh sản của các loài cá, mực, ốc biển và lâu dài sẽ làm mất môi trường sinh tồn, sinh sản của các loài thủy sản “đặc sản” của vùng biển Bình Thuận.
Còn tại Quảng Ngãi - một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng tàu lưới kéo, nếu năm 2013, số lượng tàu lưới kéo chiếm 31,6% trên tổng số tàu của tỉnh năm 2016 đã tăng lên 33,2%. Mặc dù số lượng tàu lớn nhưng giá trị sản phẩm sau đánh bắt của nghề này không cao, phần lớn là cá tạp, giá cả thấp. Trong khi đó, tác hại của nó với nguồn lợi thủy sản tầng đáy là rất lớn.
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, phương thức hoạt động của tàu giã cào là hai tàu công suất trên 90 CV chạy song song, kéo theo một tấm lưới, phía đáy của lưới được gắn một dây sắt nặng để có thể cào sâu đến tận đáy biển. Mắt lưới giã cào nhỏ nên tôm, cá, ốc, ghẹ...đều bị đánh bắt cạn kiệt.
Đã có quy định cấm, nhưng không ngăn chặn được
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Quảng Trị, từ năm 2009 đến nay, tỉnh không cấp giấy phép hoạt động nghề giã cào cho tàu thuyền nào. Thậm chí khi bị phát hiện, tàu giã cào sẽ bị phạt nặng đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, các tàu này thường hoạt động lén lút nên việc bắt quả tang gặp rất nhiều khó khăn.
Còn tại Quảng Ngãi, từ ngày 1/12/2015, tỉnh tạm ngừng việc phát triển tàu cá lưới kéo và nghề lặn, bao gồm cả đóng mới, chuyển từ nghề khác sang và mua tàu từ ngoài tỉnh. Từ ngày 28/2/2016, mọi hoạt động liên quan đến đóng mới, cải hoán đối với tàu cá làm nghề lưới kéo cũng sẽ bị tạm dừng.
Tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu làm nghề lưới kéo hoạt động sai vùng sẽ bị xử lý gấp 3 lần các tàu làm nghề khác.
Tuy nhiên, bất chấp quy định, nghề giã cào vẫn ngang nhiên hoạt động.
Ngày 27/2/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Bộ NN và PTNT đề nghị Bộ sớm thực hiện trên cả nước việc cấm đóng mới phát triển tàu cá hành nghề lưới kéo (giã cào bay). Không cho phép đóng mới phát triển tàu cá hành nghề lưới kéo (bao gồm cả nghề lưới kéo đơn và nghề kéo đôi); chỉ cho phép đóng mới thay thế nhằm giữ nguyên cường lực khai thác và dần kéo giảm nghề lưới kéo.
Trong năm, cấm nghề lưới kéo đôi công suất lớn hơn 150 CV hoạt động khai thác thủy sản từ ngày 01-4 đến ngày 31-7 hàng năm vì đây là mùa sinh sản của các loài hải sản; dễ gây xung đột nghề nghiệp, làm mất an ninh trên biển.
Không chỉ riêng Bình Thuận, nhiều địa phương vùng biển bị nạn giã cào bay hoành hành cũng vẫn đang có những biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, những biện pháp này có thể vẫn chưa đủ mạnh hoặc chưa trúng.
Vì lợi ích kinh tế riêng lẻ, bỏ qua lợi ích chung và sự phát triển bền vững lâu dài của ngành thủy sản, trong khi các biện pháp kiểm soát ngăn chặn không triệt để, sự lộng hành của nghề lưới giã cào sẽ gây thiệt hại lớn đến nguồn lợi thủy sản, uy tín ngành khai thác và XK hải sản Việt Nam. Trong bối cảnh này, vai trò của các cơ quan quản lý ngành cùng với việc đưa ra những biện pháp quyết liệt, giải pháp hợp lý là vô cùng quan trọng để cứu ngành khai thác thủy sản cũng như cộng đồng ngư dân và DN xuất khẩu hải sản.