Gỡ khó cho nghề nuôi tôm ở Cà Mau
Năm 2013, tỉnh Cà Mau đạt kim gạch xuất khẩu thủy sản hơn một tỷ USD. Ðể đạt được kết quả này, Cà Mau đã triển khai các giải pháp, cách làm thiết thực, hiệu quả như liên kết với doanh nghiệp, người sản xuất từ khâu cung cấp con giống, hỗ trợ vốn, kỹ thuật đến bảo quản, trực tiếp thu mua sản phẩm..., từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Năm 2013, Cà Mau đạt kim gạch xuất khẩu thủy sản cao nhất từ trước đến nay; là động lực để tỉnh tiếp tục tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn đối với ngành sản xuất chủ lực này trong năm 2014. Theo ngành thủy sản, thuận lợi lớn nhất của thủy sản Cà Mau năm 2013 là giá tôm các loại tăng cao, bình quân tăng hơn 20 nghìn đồng/kg so với năm trước. Ðiều này đã tác động tích cực cho gần 200 nghìn hộ nuôi tôm và các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Do coi trọng khâu xúc tiến thương mại cho nên hiện nay, thương hiệu con tôm của Cà Mau đang được tiêu thụ tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng thị trường chủ lực vẫn là Mỹ và Nhật Bản, chiếm hơn 70% sản lượng tôm xuất khẩu hằng năm của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết: Mặc dù sản xuất có bước phát triển khá, nhưng nghề nuôi tôm ở Cà Mau vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững. Nhất là những bất lợi về thời tiết, môi trường, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng thường xuyên đến mùa vụ sản xuất của người nuôi tôm. Năm 2013, toàn tỉnh có gần 10 nghìn ha các loại hình tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó có gần một nghìn ha tôm nuôi công nghiệp; chủ yếu là do bệnh đốm trắng, đỏ thân và bệnh gan tụy. Song, điều đáng quan tâm là đến nay, bệnh gan tụy trên tôm vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu và các giải pháp phòng, ngừa thiếu hiệu quả.
Ðể giúp người nuôi tôm giảm bớt khó khăn, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức các cuộc gặp gỡ trao đổi trực tiếp với người sản xuất và các doanh nghiệp xây dựng mối liên kết trong sản xuất - kinh doanh giữa doanh nghiệp sản xuất tôm giống với người dân; giữa doanh nghiệp thu mua và chế biến thủy sản với vùng nuôi, vùng sản xuất; giữa doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thức ăn thuốc thú y, chế phẩm sinh học; gắn kết hỗ trợ người dân và các tổ chức đoàn thể trong phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ cũng như các nhà khoa học tham gia vào mối liên kết này. Trong đó, coi trọng khâu gắn kết cụ thể chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất giống với các vùng nuôi, các chi hội, tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại tại nhiều mô hình, vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung; trước hết về cung ứng tôm giống - một trong những khâu quyết định thành bại cho mỗi mùa vụ nuôi tôm. Từ cách làm này, hiện có 14 tổ hợp tác, hợp tác xã trong tỉnh và 11 doanh nghiệp sản xuất tôm giống hàng đầu về uy tín trong và ngoài tỉnh tham gia. Từ các cuộc gặp gỡ, trao đổi tìm cách gỡ khó này, các bên đã thống nhất cộng đồng trách nhiệm và đi đến ký các hợp đồng liên kết, nhằm cung cấp tôm giống chất lượng bảo đảm và kèm theo những ưu đãi về giá con giống ổn định, hỗ trợ quy trình kỹ thuật nuôi, đồng thời qua đó tổ chức lại sản xuất, nâng cao vai trò của kinh tế hợp tác trong điều kiện mới.
Ông Trần Văn Của, người nuôi tôm công nghiệp lâu năm khá thành công và có nhiều kinh nghiệm ở xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, cho rằng: Sự liên kết "bốn nhà" là rất cần thiết để bảo đảm lợi ích của các bên tham gia, nhất là mỗi khi thị trường con giống biến động. Theo Chi cục trưởng nuôi trồng thủy sản Cà Mau Tiết Tiến Dũng: Số đông hộ nuôi tôm ở Cà Mau, nhất là hộ nuôi thâm canh chuộng con giống sản xuất tại chỗ hơn vì chất lượng cũng không thua kém, mang lại hiệu quả trong quá trình nuôi. Trước đây, phần lớn người nuôi thả con giống không rõ nguồn gốc; còn bây giờ mua tôm giống ở doanh nghiệp, cơ sở nào, chất lượng thế nào đều có sự phản hồi kịp thời sau thu hoạch và từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn tôm giống nhập từ ngoài vào; khắc phục được tình trạng thiếu hụt con giống, chủ động nguồn giống phục vụ sản xuất; đồng thời tạo sức cạnh tranh, hạ giá thành có lợi cho người sản xuất.
Thư ký Hội Chế biến thủy sản Cà Mau Lý Văn Thuận cho rằng: Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim gạch xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, người chịu thiệt nhất vẫn là người trực tiếp nuôi tôm. Theo khảo sát, sau thu hoạch tôm, có tới 95% số người nuôi tôm bán sản phẩm qua thu gom cho thương lái; trong khi đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư, chế phẩm sinh học... lại phải qua đại lý các cấp mới đến người nuôi, do đó lợi nhuận từ sản xuất teo tóp dần.
Vì vậy để khắc phục tình trạng này, tỉnh Cà Mau triển khai mô hình liên kết mới, trong đó có sự tham gia tích cực, gắn trách nhiệm của mỗi bên. Trong đó, với một đơn vị diện tích đất nuôi tôm công nghiệp, người nuôi cần góp tối thiểu 25% vốn qua máy móc, trang thiết bị, con giống, lao động, nhiên liệu...; doanh nghiệp cung cấp vật tư hỗ trợ người nuôi tôm tối thiểu 35% thông qua hình thức bán hàng trả sau không tính lãi; ngân hàng cho vay tối thiểu 40% vốn qua hình thức cho vay thế chấp. Với doanh nghiệp chế biến hỗ trợ người nuôi tôm thông qua tất cả các kích cỡ tôm với giá thị trường, xem xét hỗ trợ giá tôm trong vùng dự án. Nhà nước hỗ trợ cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, thủy lợi khép kín, lưới điện 3 pha, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, xét nghiệm tôm giống và kiểm tra dư lượng kháng sinh cũng như hỗ trợ nhà máy trong việc thu mua và xuất khẩu; người nuôi tôm được mua trực tiếp con giống, thức ăn, vật tư từ doanh nghiệp với mức ưu đãi và được bán trực tiếp sản phẩm cho đơn vị thu mua chế biến...
Ðể phá thế độc canh con tôm, giảm tình trạng "treo" ao đầm nuôi, tỉnh khuyến cáo người sản xuất mở rộng diện tích mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cho hiệu quả cao, ít chịu rủi ro và kết hợp nuôi tôm với các loài thủy sản khác, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tạo bước đột phá, từ nghề nuôi tôm. Toàn ngành phấn đấu đạt mục tiêu 1 tỷ 140 triệu USD xuất khẩu thủy sản năm 2014.